Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu chưa thuyết phục

28/05/2014 16:36

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 tuổi tiếp tục nhận được những ý kiến không tán thành tại hội thảo “Cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí: kinh nghiệm quốc tế và các đề xuất, khuyến nghị đối với xây dựng dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”.

Lĩnh lương hưu tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Lĩnh lương hưu tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo tờ trình của Chính phủ tại hội thảo do Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH tổ chức tại Hà Nội vào tối 27.5, Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%. Để tránh vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), Chính phủ đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi, cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Công nhân lao động không đồng tình

Với cách giải thích tăng tuổi hưu để cân đối quỹ, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng dự thảo chỉ nặng cân đối quỹ với tính lương hưu, còn chưa tính hết các hệ lụy khác. Nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí là có thật nhưng phân tích, đánh giá chưa đúng, thiếu căn nguyên, không rõ ràng, rành mạch dẫn đến đề xuất, xử lý vấn đề có tính đối phó, thiếu cơ bản.

Ông Lợi dẫn chứng: “Tỷ lệ đóng bảo hiểm hưu trí năm 2012 - 2013 là 20%, từ 2014 là 22%. Như vậy, tổng các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc phải đóng ở VN lên đến 35% tiền lương của người lao động (NLĐ). Riêng tỷ lệ đóng bảo hiểm hưu trí là không hề thấp so với nhiều nước trên thế giới, kể cả so với một số nước phát triển (Hàn Quốc đóng bảo hiểm hưu trí là 9% tiền lương thực nhận, Thái Lan 6% tiền lương). Do đó nhận định đóng-hưởng mất cân đối do tỷ lệ đóng quỹ hưu trí thấp là chưa thật chuẩn xác và không sâu”.

Không tán thành với phương án trên, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết tuyệt đại đa số công nhân khi tiếp xúc và khảo sát của Tổng liên đoàn đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ. “Bộ luật Lao động 2012, mới có hiệu lực từ 1.5.2013 đã khẳng định tuổi nghỉ hưu của NLĐ là nam 60, nữ 55, nay dự thảo luật BHXH lại quy định tăng điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là không phù hợp. Tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà NLĐ đang làm và nên thực hiện theo đúng điều 187 bộ luật Lao động”, ông Chính nhấn mạnh.

Thất thoát quỹ lớn

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thắc mắc: “Căn cứ vào đâu để đưa ra mức tăng mỗi năm 4 tháng?”

Một số đại biểu thì đề nghị thay vì tăng tuổi nghỉ hưu nên tính toán đến các giải pháp khác.

Ông Mai Đức Chính cho hay hiện chưa nắm được đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH, mà chỉ biết được số NLĐ đang tham gia BHXH theo sự khai báo của các doanh nghiệp. Theo số liệu của cơ quan BHXH thì số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có khoảng 16 triệu người nhưng số lao động đang tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,6 triệu người (kể cả cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp). Như vậy còn khoảng trên 5 triệu NLĐ chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỉ đồng/năm, đây là thất thoát lớn ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ BHXH xảy ra khá phổ biến và ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ và quyền lợi của NLĐ. Số tiền nợ BHXH đến 30.4.2014 theo BHXH là 12.451 tỉ đồng.

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Tác động tuổi nghỉ hưu với thị trường lao động, nói không ảnh hưởng không đúng, nhưng ảnh hưởng không đáng kể vì 1 năm chỉ tăng thêm 4 tháng. Theo dự luật lần này, tăng tuổi hưu không tăng ngay, phải sau 15 năm nữa mới đạt độ tuổi nghỉ hưu 60 đối với nữ, còn nam là sau 6 năm nữa”. Theo bà Chuyền, việc tăng một số trường hợp cụ thể QH sẽ giao cho Chính phủ quyết định. Riêng những người làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại trình trong luật này, bà Chuyền hứa sẽ tiếp thu hoàn thiện dự án luật đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng có điều kiện có tính khả thi.

Theo Thanh niên