Chủ trương phải bám thực tế

10/04/2014 20:53

(Baonghean) - Vụ mùa vừa rồi, ở đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa IR50404 là khoảng từ 4.000 đến 4.100 đồng/kg. Do giá cả các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, xăng dầu, giống…) đều tăng, nên tính ra, giá thành trung bình là 3.709 đồng/kg. Nông dân trồng lúa không có lãi. Ở các địa phương khác, tính toán kỹ, cũng cho ta kết quả tương tự.

Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, để người nông dân có thu nhập cao hơn, chúng ta cần phải chuyển đổi một số lượng (dự kiến là 2 triệu ha) đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Vấn đề đặt ra là, chúng ta có bảo đảm chắc chắn là trồng các loại cây khác nhất định sẽ có thu nhập cao hơn trồng lúa?

Lâu nay trên báo chí, trên ti vi, nhiều bài viết, nhiều phim ảnh, bàn luận khá sôi nổi và rất hăng hái, nhiệt tình về vấn đề này. Nào là, nếu đem đất trồng lúa để trồng rau màu sẽ có thu nhập cao hơn ít nhất là 5 lần so với lúa. Nào là, nếu đem đất trồng lúa để trồng hoa, thì người nông dân sẽ có thu nhập so với lúa cao gấp 20 lần!

Quả thật, trên thực tế cũng có khi, có lúc, có thời điểm người nông dân chuyển diện tích trồng lúa sang trồng hoa, trồng màu thì đạt kết quả cao. Nhưng có phải ở đâu và lúc nào, hễ cứ chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác thì luôn đạt được kết quả cao vậy không?

Những ngày vừa qua, hàng trăm chiếc xe tải chở dưa hấu đang xếp hàng dài đến hơn ba chục cây số, ngày đêm túc trực, mong làm sao qua được cửa khẩu Tân Thanh để bán hàng cho thương lái Trung Quốc. Cứ mỗi ngày qua đi, những quả dưa hấu tươi ngon dần dà sẽ biến thành thứ dưa chín nẫu, ôi thối, phải vứt bỏ. Bãi đỗ xe chật chội, việc thông quan không đơn giản, dễ dàng, lại thêm nạn thương lái bắt chẹt, ép giá. Các nhà buôn của ta đang méo mặt vì lo lắng và đang bị thua lỗ nặng. Hàng chục tấn dưa ôi thối bị vứt bỏ, tấp đầy cả 2 bên cửa khẩu. Trong lúc đó, hàng vạn người nông dân sản xuất dưa hấu ở Quảng Ngãi, Bình Định… đang phải đối mặt với một thực tế hết sức khó khăn, khắc nghiệt. Hiện nay ở các địa phương này giá 1kg dưa trên ruộng dưa là 1.000 đồng, thậm chí 500 đồng/kg vẫn không bán được! Chúng ta hãy làm con tính : Nếu đem 1.000m2 đất để trồng dưa hấu thì chi phí (cày bừa, giống má, phân bón…) hết cả thảy là 8 triệu đồng, thu hoạch được nhiều nhất là 3 tấn dưa. Nếu bán giá 1.000 đồng/kg thì mỗi tấn dưa thu được 1 triệu đồng, 3 tấn dưa thu được 3 triệu đồng, vị chi người nông dân còn phải chịu lỗ 5 triệu đồng.

Nếu bán dưa với giá 500 đồng/kg thì người nông dân phải chịu lỗ 6,5 triệu đồng.

Cũng trong những ngày này, cà chua, xà lách, rau màu ở Đà Lạt chỉ bán được 500 đồng/kg, người sản xuất đành chấp nhận chịu lỗ, hàng trăm ha rau màu nông dân không thu hoạch, để mặc cho bò ăn! Đây là những sự thật rất khắc nghiệt buộc chúng ta phải suy nghĩ kỹ hơn, thực tế hơn trong quy trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở thời kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, trước đây đã có lúc, chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đã tính toán rất kỹ lưỡng, chính xác, bảo đảm chắc chắn thắng lợi cho cả quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chẳng hạn, nhiều địa phương đã bàn định, tính toán khá chi ly là cần phải trích ra bao nhiêu đất để trồng mía, trồng dứa rồi từ đó mới xây dựng nhà máy đường, nhà máy ép nước dứa, từ đó mới tổ chức ký hợp đồng sản xuất giữa nông dân với nhà máy một cách rất nghiêm túc, rất khoa học. Cứ ngỡ làm vậy là ta đã thực hiện một quy trình khép kín, bảo đảm lợi nhuận cho cả 2 phía, phương cách sản xuất, lưu thông hàng hóa như vậy là có thể vận hành thông suốt. Nhưng thực tế cho ta thấy, ở một số địa phương đang có hiện tượng là cả nông dân, cả nhà máy chế biến nông sản hiện đang gặp muôn vàn khó khăn, không loại trừ nguy cơ thua lỗ, phá sản. Quả thật, trên mặt trận nông nghiệp, sản xuất kinh doanh cho có hiệu quả là bài toán rất nan giải!

Chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, để làm cho việc chuyển đổi này đạt hiệu quả cao là điều không dễ.

Trồng lúa không lãi, trồng màu lãi không? Câu trả lời chính xác là: Có lãi, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào khách hàng, vào thị trường tiêu thụ.

Câu hỏi thường trực đối với người nông dân hiện nay vẫn là, trồng cây gì, nuôi con gì, sản xuất mặt hàng gì, bán hàng ấy ở đâu, giá cả thế nào, quá trình sản xuất kinh doanh ấy có bền vững không?…

Chưa trả lời được những câu hỏi này thì việc chuyển đổi cây trồng trên đất nông nghiệp vẫn còn ở thế may rủi, chưa thể khẳng định được kết quả một cách chắc chắn.

Có lẽ, các nhà hoạch định chính sách cũng như người nông dân nên lựa chọn phương án “đánh chắc, tiến chắc” thay vì “đánh nhanh, tiến nhanh” trong việc chuyển đổi 2 triệu ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác...

Thạch Quỳ