Sản phẩm cả tỷ đô, không ai trông nom trọn vẹn
Ngành nông nghiệp vẫn quản lý theo kiểu cắt khúc, phân đoạn, không ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng các sản phẩm chiến lược quốc gia, có giá trị tỷ đô như gạo, cá, cây ăn quả ở miền Tây; cao su, cà phê, trà... ở miền Đông Nam Bộ.
Nông dân luôn là người thua
Theo dõi trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT trước Ủy ban TV QH ngày 8/4/2014, tôi lục lại các văn kiện của Đảng, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương và địa phương từ những năm 1993 - 1994. Tất cả đều nói rất rõ về "Ba hóa", "Bốn nhà", "phát triển đồng thời nội - ngoại thương", "sản xuất cái khách hàng cần để bán" v.v... Nghĩa là sau hơn 20 năm vấn đề vẫn "mới tinh".
Chương trình cấp Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long năm 1983 - 1990 không được quan tâm vận dụng là một lãng phí. Và đó cũng là nguyên nhân của tình hình "thấy người ta ăn khoai vác mai mà chạy", nên sản xuất không theo qui hoạch, gây khủng hoảng thừa.
Từ đó, hiện tượng tự hạ giá và giả dối trở thành "bệnh nan y" của ngành nông nghiệp. Thông thường giá sản xuất phải thấp hơn giá bán, như huyết áp trong cơ thể người tối thiểu và tối đa phải có độ chênh mới khỏe mạnh, nếu độ chênh hẹp quá thì gọi là "bị kẹp" dễ dẫn đến tử vong.
Vậy mà các sản phẩm nông dân làm ra bây giờ không những "bị kẹp" mà còn "lệch âm" (-) , nghĩa là giá bán nhỏ hơn giá thành sản xuất. Người mua để xuất khẩu hoặc đem vào các siêu thị bán lại ép nông dân bán thấp (hoặc thấp dưới giá thành).
Điển hình là con cá Ba Sa ở An Giang, những năm 1990 xuất sang Mỹ giá 8-9 USD/kg. Khi họ pha trộn cá Tra vào gạt khách hàng thấy lãi khủng và khi nhà máy đông lạnh cho ra "rợp trời" sản phẩm thì sản lượng cá Tra tăng không kiểm soát nổi, kéo theo phải hạ giá, phá sản hàng loạt, từ người nuôi cho đến nhà máy. Tình hình ấy từ năm 2000 Bộ và địa phương ai cũng thấy mà không ai biết phải làm gì để ngăn lại.
Cây lúa hạt gạocũng vậy, nhưng nó không "bạo phát bạo tàn" như con cá Tra nên còn âm ỉ chịu khổ kéo dài. Cuộc chơi này nông dân luôn luôn là người thua cuộc, càng đi sâu vào thế kỷ 21 càng thua đậm. Kinh tế Việt Nam rõ là thiếu nhạc trưởng.
Quản lý kiểu cắt khúc, phân đoạn
Có thể chỉ ra một số nguyên nhân cho các tồn tại trên.
Trước hết là do thời bao cấp thiếu thốn mọi thứ, nên tâm lý "Thi đua làm cho nhanh, làm cho tốt, làm cho nhiều" như lời bài hát "Thi đua" hồi chống Pháp quá ăn sâu trong xã hội.
Thời bao cấp chạy theo "thu nhập quốc dân". Sau đổi mới thì là "GDP/năm/nhiệm kỳ" mà "phép thử" là lấy tổng (+) GDP chia (:) cho đầu người để so sánh. Cách tính này chẳng khác nào chuyện một người chỉ được ăn rau, một người ăn con gà, nhưng tính bình quân thì mỗi người được nửa con gà, nửa đĩa rau.
Trong quản lý hình như ta quên phép nhân (x) và phép trừ (-). Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp nội địa làm ta "hài lòng" với tỷ lệ kim ngạch tăng cao liên tục là không thực chút nào. Khi đổi mới, sản xuất phát triển nhanh nhưng tư duy không đổi theo kịp nên bỡ ngỡ, nhất là không đổi mới thể chế quản lý kinh tế phù hợp với thị trường mà ta hội nhập.
Ngành nông nghiệp vẫn quản lý theo kiểu cắt khúc, phân đoạn, không ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng các sản phẩm chiến lược quốc gia, có giá trị tỷ đô như gạo, cá, cây ăn quả ở miền Tây; cao su, cà phê, trà... ở miền Đông Nam Bộ. Lo xuất khẩu mà bỏ thị trường nội địa hàng vài chục năm để gạo Thái, trái cây Thái, cá sặc rằn Thái... thế vào thì thật là đáng tiếc!.
Chiến lược ngành cơ khí là đến năm 2010 phải đáp ứng từ 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, nhưng đến 2012 cũng chỉ mới được 32,6%. Không hiểu trong đó cho nông nghiệp được bao nhiêu, và trong "bao nhiêu" đó có tính đến những sản phẩm do nông dân tự chế tạo cung cấp cho nông dân, như các máy làm đất, hút bùn, gặt và suốt lúa, máy gieo hàng, máy phun thuốc tự hành, làm cầu treo qua khắp các kinh rạch miền Tây? Thị trường máy nông nghiệp đang rơi vào tay Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, mô-tơ bơm nước của Hà Nội rất tốt mà muốn mua phải tìm vỏ máy cũ gửi đổi mới có!.
Chúng ta hy vọng vào "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp" do Bộ NN&PTNT trình và Thủ tướng phê duyệt số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Nhưng có những tổng công ty tiêu thụ sản phẩm của nông dân (thuộc Bộ) chẳng những không "tái" mà còn lỗ và nợ đầm đìa thì làm sao nông dân "nhờ cậy" được!?.
Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội, thì Đề án ấy "không phân tách, đánh giá hiện trạng và cũng không có phần tổng kết, phân tách các nguyên nhân... Không có công đoạn này, e rằng tái cơ cấu nông nghiệp sẽ chông chênh, nguy cơ rơi vào vết xe cũ là rất lớn" (Báo Người Đại Biểu 7/4/2014).
Còn PGS. Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT khi trả lời Báo VietNamNet hôm 11/4/2014 thì cho rằng: "Nhà tranh vách lá không thể "tái cấu trúc" thành nhà tường hay biệt thự được mà chỉ có tháo ra xây mới".
Theo đọc báo