Du lịch Thành Vinh - tiềm năng bỏ ngỏ!
(Baonghean) - Là nơi có tiềm năng du lịch với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng hệ thống giao thông thuận tiện, nơi đóng chân của rất nhiều công ty, đơn vị lữ hành du lịch nổi tiếng, nhưng hiện nay, Thành phố Vinh chưa xây dựng được hệ thống tour, tuyến nội thành phong phú, hấp dẫn du khách. Du lịch thành phố Vinh vẫn mang nặng là điểm trung chuyển với các vùng khác như Cửa Lò, Nam Đàn, miền Tây.
Đêm Quảng trường Hồ Chí Minh |
Thành cổ Vinh |
Một góc thành Vinh. |
Đầu tháng 4, anh Phan Văn Hành, Việt kiều Cộng hòa Séc về thăm quê Nghệ An, đưa vợ con đi du lịch, thăm thú cảnh đẹp của quê hương. Sau khi nghỉ ngơi ở biển Cửa Lò và tham quan quê Bác, gia đình anh trở lại Thành phố Vinh với mục đích khám phá thành phố. Sau nửa ngày thuê xe taxi đưa vợ con đi thăm Quảng trường Hồ Chí Minh, dạo núi Quyết, thăm đền Quang Trung và vào chơi ở Công viên Trung tâm Thành phố Vinh, gia đình anh không biết đi thêm những đâu. Khi liên hệ với các công ty lữ hành, du lịch về một tour khám phá Thành phố Vinh, anh chỉ nhận được sự từ chối lịch sự và những lời mời về các tour khác như Nam Đàn, Cửa Lò, rừng quốc gia Pù Mát,… “Khi chưa về Nghệ An, tôi luôn tự hào giới thiệu với vợ và bạn bè các điểm du lịch hấp dẫn ở Thành phố Vinh. Thế nhưng, khi đi du lịch ở trong thành phố thì chúng tôi khá thất vọng vì không biết đi từ đâu, ai là người giúp mình khám phá, các điểm tự tham quan thì thấy còn sơ sài về nội dung cũng như hình thức”, anh Hành tâm sự. Cuối cùng, sau một tuần về thăm quê, anh cùng vợ con vào Đà Nẵng rồi lên Đà Lạt du lịch.
Cũng có cảm nhận tương tự, ông Nguyễn Bùi Thái - Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An, người thường xuyên kết nối và tổ chức các đoàn khách người Thái cũng như bà con Việt kiều về thăm quê có nhận xét rằng, các điểm du lịch ở Thành phố Vinh còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn. “Chúng tôi thường xuyên có các đoàn Việt kiều về thăm quê. Nếu như mọi người đều xúc động khi đến thăm quê Bác và cảm thấy thoải mái, ấn tượng với vẻ đẹp trong xanh của biển Cửa Lò thì Thành phố Vinh chưa gây được nhiều ấn tượng. Các đoàn khách về thành Vinh chỉ đi dạo khoảng 30 phút đến 1 tiếng ở Quảng trường Hồ Chí Minh mỗi khi về Thành phố Vinh mà không biết sẽ đi đâu tiếp theo, đi như thế nào”, bác Thái khẳng định.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong khu vực thành cổ. |
Hát dân ca trên sông Lam. |
Lâu nay, Thành phố Vinh vẫn được quảng bá là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch với những tiềm năng và lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được, như: hệ thống giao thông thuận lợi với tất cả các loại hình từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy; hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: Quảng trường Hồ Chí Minh, đền Hồng Sơn, đền thờ Vua Quang Trung, chùa Cần Linh, cổng thành cổ Vinh, cụm di tích lịch sử Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đặc biệt, Thành phố Vinh có hệ thống bảo tàng lịch sử, quân sự gồm: Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4, là nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến đất nước, con người, lịch sử, văn hoá của xứ Nghệ, những di vật được phát hiện trên đất Nghệ An qua các di chỉ khảo cổ Làng Vạc, di chỉ văn hoá Quỳnh Văn, hang Đồng Trương, Thẩm Ồm, những hiện vật liên quan đến thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh sục sôi cũng như những tư liệu của quân và dân Quân khu 4 trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Bên cạnh đó, Thành phố Vinh cũng có nhiều trung tâm mua sắm hấp dẫn như: siêu thị Big C, Metro, Chợ Vinh, các siêu thị điện máy cùng với hệ thống các nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế,…
Tiềm năng, lợi thế là vậy, nhưng khi nhìn lại thực trạng du lịch của Thành phố Vinh hiện nay, vẫn chưa có nhiều điểm sáng thực sự. Anh Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc Công ty lữ hành Thái Sơn, một trong những đơn vị lữ hành thường xuyên tổ chức các tour du lịch từ Nghệ An đi các nước trong khu vực và ngược lại, cho rằng: Hiện nay, các tour, tuyến du lịch trong Thành phố Vinh quá đơn điệu, chưa hấp dẫn được du khách. Trong hành trình xây dựng các tour du lịch của công ty, Thành phố Vinh chỉ là điểm đến, điểm trung chuyển khách từ Hà Nội vào, TP. Hồ Chí Minh ra, Lào, Thái Lan đến để khám phá các địa điểm khác như Cửa Lò, Quê hương Bác Hồ, Ngã 3 Đồng Lộc.
Du khách muốn dừng chân ở Thành phố Vinh dài ngày cũng không biết đi đâu, làm gì, mua sắm các loại đặc sản gì. “Thông thường, khách quốc tế khi đi du lịch đều rất quan tâm đến các viện bảo tàng, nơi lưu giữ các vật thể văn hóa, lịch sử của vùng đất mà họ khám phá. Thế nhưng, hệ thống bảo tàng ở Thành phố Vinh chưa thực sự vào cuộc trong việc thu hút khách du lịch. Các bảo tàng ở nước ngoài và một số thành phố khác đang “sống” rất tốt từ nguồn thu du lịch nhưng hệ thống bảo tàng ở Nghệ An thì ngược lại, vẫn quá nặng về cơ chế hành chính nhà nước”, anh Bắc khẳng định và cho rằng. Những người có trách nhiệm chưa thực sự làm sống lại các hiện vật, các di tích lịch sử chưa thực sự gắn với cộng đồng, với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người xứ Nghệ.
Hiện nay, một số công ty du lịch mới chỉ xây dựng được tour du lịch rất ngắn là Quảng trường Hồ Chí Minh - đền thờ Vua Quang Trung - đền Hồng Sơn - chùa Cần Linh - đền Ông Hoàng Mười - siêu thị BigC, chợ Vinh. Mặc dù vậy, tour này cũng chủ yếu phục vụ khách nội địa, đi theo hướng du lịch tâm linh. Lượng khách chỉ đông vào mùa xuân, còn những ngày bình thường rất vắng. “Bản thân những người quản lý các di tích văn hóa, lịch sử trong thành phố đang đứng ngoài cuộc trong việc làm du lịch, không có kinh nghiệm trong việc thu hút du khách, không có được những chương trình quảng bá hấp dẫn, thú vị. Vì quá sơ sài trong khâu tổ chức, quảng bá nên du khách đến Thành phố Vinh chỉ biết đi dạo, không có chỗ để tiêu tiền.” - ông Võ Quang Hòa, Giám đốc Công ty du lịch Trường Sơn cho biết.
Hành khách đi máy bay tại Cảng hàng không Vinh. |
Chợ Vinh |
Ông Trần Quốc Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Song Ngư Sơn cho rằng, ở Thành phố Vinh, việc khai thác các điểm du lịch chưa thực sự hiệu quả. “Trong suy nghĩ của tôi, nếu chúng ta chịu đầu tư các tour, tuyến du lịch thì chắc chắn sẽ thu hút được du khách. Ví dụ ở Huế, du khách đều muốn du thuyền trên sông Hương, nghe nhã nhạc cung đình thì ở Thành phố Vinh, chúng ta có thể xây dựng tour du lịch trên sông Lam từ Thành phố Vinh xuống biển Cửa Lò, sang thăm thú khu di tích Nguyễn Du, lên huyện Nam Đàn quê Bác kết hợp với việc giới thiệu “đặc sản” dân ca ví dặm là rất hấp dẫn nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào làm được. Tham vọng của chúng tôi là sau khi đưa dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu - Song Ngư ở Thị xã Cửa Lò thì Thành phố Vinh sẽ là một điểm nhấn, một điểm đến thực sự của du khách, nơi du khách có những trải nghiệm, khám phá về thành phố”, ông Lâm tâm sự.
Trước thực trạng về sự nghèo nàn, đơn điệu trong các tour tuyến du lịch, Thành phố Vinh đã có nhiều nỗ lực để kêu gọi các công ty lữ hành xây dựng tour tuyến khám phá thành phố, nhưng đến nay chưa có công ty nào mặn mà. Ông Bùi Quang Phương, Trưởng phòng Văn hóa Thành phố Vinh cho biết, hiện nay, trên phương diện du lịch, thành phố mới chỉ làm tốt chức năng là trung tâm lưu trú, phân phối khách du lịch cho các địa điểm khác trong tỉnh. Các công ty lữ hành, du lịch chưa xây dựng được tour cụ thể trong thành phố và chưa có những chiến dịch quảng bá nào cụ thể để giới thiệu với du khách về các điểm đến của thành phố và bản thân các điểm du lịch cũng chưa biến mình trở thành điểm đến thực sự của du khách mà vẫn đang trông chờ quá nhiều vào cơ chế nhà nước cũng như sự quan tâm của cơ quan chức năng.
Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ du lịch thì khó khăn nhất hiện nay của Thành phố Vinh trong việc phát triển du lịch chính là nhân sự. Đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp còn thiếu và yếu. Anh Nguyễn Hữu Bắc cho rằng, nếu như nhân viên các bảo tàng và người quản lý các di tích trên thành phố được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ marketing du lịch, kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình và sẵn sàng dành tâm huyết để nâng tầm di tích, biến di tích lịch sử thành các điểm nhấn, gây được ấn tượng với du khách thì chắc chắn sẽ kéo được khách du lịch đến thành phố nhiều hơn.
Đặc biệt, Thành phố Vinh cần phải có được những bài học từ sự thành công của các trung tâm khác như: Huế, Đà Nẵng, Hội An trong việc xã hội hóa đầu tư vào du lịch. Thực tiễn cho thấy, nếu chính quyền và các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm biết gắn sự phát triển của ngành du lịch với trách nhiệm và quyền lợi của các công ty, các đơn vị lữ hành, trao cho các đơn vị những cơ chế thông thoáng, cởi mở thì chắc chắn ngành du lịch sẽ tự thân phát triển. “Thành công của ngành du lịch không chỉ là việc kéo được khách đến mà còn phải làm cho khách móc hầu bao, muốn ở lại với thành phố và muốn quay lại nhiều lần sau đó. Điều này, Thành phố Vinh chưa làm được”, anh Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ.
Nguyên Khoa