Xây dựng môi trường văn hóa du lịch

14/04/2014 18:02

(Baonghean) - Anh là Trưởng phòng Nhân sự của Công ty CP Đầu tư thương mại ITT ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Không gian văn hóa du lịch Cửa Lò và sự thân thiện của con người thị xã du lịch biển là một trong những lý do để anh và gia đình, đồng nghiệp thường xuyên lựa chọn Cửa Lò là điểm đến mùa tắm biển, nghỉ dưỡng.

“Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi năm nào cũng cố gắng để có kỳ nghỉ đi du lịch tắm biển… Riêng Cửa Lò cứ đều đặn 2 năm chúng tôi đến một lần, còn lại là luân phiên, hoặc tùy điều kiện thực tế để có thể chọn các điểm đến Bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn hay một điểm du lịch sinh thái của một địa phương bất kỳ nào đó gần Hà Nội. Việc đều đặn 2 năm một lần chúng tôi chọn đến Cửa Lò, có lý do môi trường văn hóa du lịch ở đây có những nét độc đáo cuốn hút.

Cắt tỉa cây cảnh  chuẩn bị Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2014. Ảnh: X.N
Cắt tỉa cây cảnh chuẩn bị Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2014. Ảnh: X.N

Thông thường khi nói đến môi trường văn hóa du lịch ở các bãi tắm thuộc quyền quản lý của địa phương như Cửa Lò là nói đến chất lượng, thái độ phục vụ của các dịch vụ, đến đảm bảo trật tự an ninh bãi biển, vệ sinh môi trường… theo nội dung quy định, khuyến cáo của các cấp chủ quản, ban chỉ đạo ở địa phương. Nhưng thường đối với những du khách như chúng tôi, ngoài nhu cầu tắm biển còn có nhu cầu lưu trú nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… đòi hỏi tiếp cận nhiều hình thái sinh hoạt bản địa và sử dụng nhiều sản phẩm du lịch phụ trợ, nên nhiều khi có những sở thích cảm nhận khác ngoài các “tiêu chí” quy định.

Phải công nhận, nhiều năm gần đây Cửa Lò đã thực hiện khá quy củ việc niêm yết giá dịch vụ, hạn chế tình trạng chèo kéo, bán hàng rong, đồng thời không ngừng có sự chỉnh trang diện mạo đô thị. Như mọi người đã biết, thời gian qua báo chí gần như không có thông tin phản ánh phàn nàn của khách du lịch về Cửa Lò; trong khi như Đồ Sơn, Sầm Sơn chẳng hạn, thường có dư luận về những lình xình này nọ, trong đó có cả phản ánh những tệ nạn xã hội.

…Tôi đã nói ở trên là, Cửa Lò có những nét cuốn hút riêng về môi trường văn hóa du lịch. Đó là giọng nói địa phương (ý nói thổ âm, thổ ngữ miền biển Nghi Lộc - PV) thật đặc biệt với sự chu đáo, cởi mở một cách chân thành, thân thiện đến nhiệt thành của nhân viên, người dân từ các cơ sở lưu trú đến các dịch vụ ngoài bãi biển, các chợ hải sản. Có lẽ đó là một ưu điểm tính cách của người Nghệ An; một tính cách thể hiện ở thái độ mà dù ở một môi trường kinh doanh quá sôi động, phục vụ đối tượng du khách đến từ nhiều vùng miền cả nước, rồi áp lực của khoán quản doanh thu… vẫn khó có thể làm cho họ thay đổi.

Về với Cửa Lò, ngoài thi thoảng tham gia các “tua”, tuyến ngắn đi Thành phố Vinh, lên Kim Liên – Nam Đàn, sang Tiên Điền quê cụ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, thì chúng tôi cũng đã tranh thủ tự đi thăm thú các làng quê lân cận Cửa Lò theo quảng bá của ngành Du lịch ở đây. Phong cảnh làng quê xứ Nghệ xanh tươi trong lành, các di tích đền chùa đã cấp bằng văn hóa – lịch sử và các nhà thờ dòng họ, nhà thờ công giáo dày dặn, quần tụ bên nhau với cuộc sống yên bình của người dân, theo tôi cũng tạo ra nét riêng cho không gian văn hóa du lịch Cửa Lò.

Tuy nhiên, tôi vẫn có một vài phân vân. Đó là đôi khi tôi đã bắt gặp ở dịch vụ ngoài bãi biển có sự không thống nhất giá niêm yết giữa các ki -ốt cho một vài thức ẩm thực. Trường hợp đó rất ít, và chênh lệch giá không là bao nhiêu, nhưng nhiều khi sẽ làm nảy sinh tâm lý không an tâm đối với những du khách tinh ý và kỹ tính. Tôi cũng không biết công tác tập huấn cho đội ngũ dịch vụ ở bãi biển của cơ quan chủ quản đến đâu, nhưng ví dụ có khi có một đôi bàn tay trông có vẻ không được sạch sẽ của người chạy bàn, hay các nhân viên quát hối thúc nhau phục vụ quá lời ngay trước mặt khách… là những điều đáng tiếc nho nhỏ. Nhưng có lẽ những nhận xét chi tiết đó, chỉ có ở những khách xa thực sự gắn bó, yêu biển Cửa Lò như tôi chăng?”.

Anh Vũ (ghi)