Chuyển biến trong chọn trường, chọn nghề
(Baonghean) - Dường như đã có một sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các học sinh ở kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013 - 2014 khi số lượng hồ sơ nộp vào các trường đại học giảm hơn 20.000 bộ so với năm học trước. Thay vào đó là ngày càng có nhiều thí sinh lựa chọn học cao đẳng, trung cấp hoặc học các trường nghề để dễ kiếm việc làm…
Cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát hồ sơ của các thí sinh trước khi chuyển về các trường đại học. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cô giáo Trần Thị Hồng Ngân - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không bất ngờ với kết quả này” bởi đây là điều nhà trường đã tiên lượng được sau hơn một năm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh. Sở dĩ phải làm mạnh bởi hơn ai hết Ban giám hiệu nhà trường hiểu rõ năng lực của học sinh trong trường. Đây là trường ngoài công lập, học sinh đa phần đều có đầu vào thấp nên quá trình học tập dù có thật sự cố gắng thì so với chất lượng đại trà chung của học sinh trong thành phố, học sinh của trường vẫn thuộc tốp dưới. Trên thực tế, tại các kỳ thi đại học của những năm trước, số học sinh đủ điểm sàn cũng chỉ đạt khoảng 30%.
Do cơ hội cạnh tranh vào đại học của học sinh nhà trường là khó nên để không mất nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh và phụ huynh trong việc ôn thi, nộp hồ sơ hay tốn kém trong quá trình đi lại, thi cử, nhà trường hướng các em vào việc học nghề. Trong đó quan trọng nhất là phải chọn được nghề mình thực sự yêu thích, có năng khiếu và có nhiều cơ hội việc làm. Nhà trường cũng đã tạo cơ hội để các em được tham dự các cuộc tư vấn tuyển sinh và mời một số trường nghề có uy tín về trực tiếp tư vấn tại trường. Riêng buổi chào cờ thứ Hai hàng tuần, hầu như bao giờ cũng có ít nhất 10 phút để nói về công tác hướng nghiệp. Nhà trường còn khuyến khích học sinh tìm hiểu các thông tin trên các báo, trang thông tin điện tử để tìm hiểu các thông tin về ngành nghề đào tạo cũng như các cơ hội việc làm.
Nhờ “mưa dầm thấm lâu” nên đến kỳ thi đại học này, học sinh không còn hoang mang khi nộp hồ sơ, nhiều em đã biết lượng sức mình tìm những trường thích hợp để đăng ký. Ngay cả khi trong năm nay có nhiều trường đại học chỉ xét tuyển nhưng vì lo ngại ra trường khó xin việc làm nên dù đủ điểm để vào nhưng các em không nộp hồ sơ, cả trường chỉ có duy nhất một hồ sơ nộp vào ngành Thủy sản (xét tuyển) của Trường Đại học Vinh. Học sinh Lê Thị Viết, lớp 12 A3 chia sẻ: “Để có bằng đại học, tối thiểu 4 năm gia đình cũng phải mất 150 - 200 triệu đồng, nhưng học xong không phải ai cũng xin được việc làm. Em chỉ muốn chọn một trường hợp với năng lực, dễ xin được việc và không quá tốn kém. Như vậy học nghề có lẽ là thích hợp nhất”.
Nhìn vào tổng hợp số hồ sơ đã đăng ký của các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập có lượng hồ sơ nộp vào các trường đại học, cao đẳng thấp hơn số học sinh của trường khá nhiều. Như ở Thành phố Vinh, Trường THPT VTC có 152 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 118 hồ sơ đăng ký thi đại học; Trường THPT Nguyễn Huệ là 58/127. Ở Đô Lương, Trường THPT Duy Tân là 188/291, Trường THPT Văn Tràng là 35/105; Trường THPT Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên) là 54/125, Trường Nghi Lộc 5 là 323/355, Trường THPT Nguyễn Thúc Tự (Nghi Lộc) 83/194, Trường THPT Mai Hắc Đế (Nam Đàn) là 39/115, Trường THPT Đặng Thai Mai là 533/765; Trường THPT Thanh Chương 3 là 506/689;…
Có đến 10/17 trung tâm giáo dục thường xuyên không có học sinh nào nạp hồ sơ dự thi vào đại học, cao đẳng. Cho rằng thực trạng trên là một xu thế tất yếu, ông Nguyễn Danh Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Tràng (dân lập Đô Lương 1), một trong những trường có số hồ sơ đăng ký thấp nhất cả tỉnh nói thêm: “Hiện có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, tốt nghiệp thạc sỹ vẫn chưa có việc làm. Ngay tại trường chúng tôi giáo viên có bằng khá giỏi, công việc vẫn bấp bênh thế nên học sinh không còn mặn mà với các trường đại học. Chúng tôi cũng xác định, học sinh của trường chủ yếu là học sinh “vét”, các năm trước có phấn đấu thì một năm cũng chỉ có 7 - 8 em đậu đại học. Thế nên, năm nay những học sinh học khá chúng tôi mới khuyến khích các em ôn thi đại học, còn lại trường và hội phụ huynh đều chủ trương hướng các em học nghề”.
Với 52.133 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, năm nay lượng hồ sơ của các thí sinh Nghệ An giảm hơn năm học 2012 - 2013 là 21.159 hồ sơ. Theo ông Vũ Thế Hải, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, lượng hồ sơ giảm là bởi các lý do: thứ nhất là do lượng học sinh cấp III năm nay giảm hơn 4.000 em so với năm trước; thứ hai là do lệ phí thi năm nay cao nên các em cân nhắc khi nộp hồ sơ. Ngoài ra, có thể nguyên nhân tác động sâu nhất đó là thông tin hơn 72.000 cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp chưa có việc làm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đã tác động nhiều đến suy nghĩ của nhiều học sinh và nhiều gia đình.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp ở các trường, các phương tiện truyền thông cũng đã có tác động tích cực đến học sinh, nhiều học sinh đã biết lượng sức mình để chọn trường, chọn nghề cho phù hợp. Về suy nghĩ chủ quan, cá nhân ông Hải cũng nói thêm: “Tôi thấy vui vì năm nay lượng hồ sơ giảm, như vậy sau 4 - 5 năm nữa, các tân cử nhân ra trường sẽ bớt áp lực khi phải cạnh tranh khi xin việc, học sinh đỡ tốn kém vì các khoản chi phí cho thi cử còn các trường cao đẳng, trường nghề cũng có thêm nhiều cơ hội để tuyển sinh, nhất là hiện nay ngày càng có nhiều trường đại học đang “nới lỏng” đầu vào”.
Nhìn vào tổng số hồ sơ đã nộp cũng cho thấy nhiều xu hướng trong việc chọn trường, chọn nghề hiện nay. Ví như, vài năm trước, các khối ngành kinh tế, tài chính luôn luôn là lựa chọn hàng đầu nhưng năm nay thí sinh lại đăng ký nhiều vào các trường thuộc khối kỹ thuật. Trong đó trường có hồ sơ nộp nhiều nhất là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (1.392 hồ sơ), Trường Đại học Giao thông vận tải ( 914 hồ sơ), Trường Đại học Xây dựng (610 hồ sơ), Trường Đại học Bách khoa (621 hồ sơ). Ở các trường đại học trong tỉnh, đông nhất vẫn là Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Kinh tế, Cao đẳng Sư phạm. Về khối thi, đông nhất vẫn là thí sinh khối A (21.701 hồ sơ), tiếp theo là khối B (15.807). Khối D mấy năm trước, thí sinh thi khá đông nhưng năm nay cả tỉnh chưa có đến 6.000 bộ. Riêng khối C, mặc dù tỷ lệ học sinh chọn môn Sử thi tốt nghiệp thấp nhưng vẫn có hơn 3.700 bộ hồ sơ đăng ký thi vào các trường khối C, đông nhất là các trường Đại học Văn hóa, Đại học Luật.
Một tín hiệu khá khả quan, đó là năm nay lượng hồ sơ thi vào các ngành đại học sư phạm có “nhích” lên, đơn cử như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có tới 22 học sinh đăng ký vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đều thi khối A. Theo ông Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Học sinh càng ngày càng “khôn ngoan” và thực tế hơn khi chọn trường. Những trường nào có nhiều cơ hội về việc làm sẽ được học sinh lựa chọn đông. Về phía nhà trường sẽ định hướng cho học sinh bằng chính kết quả của các đợt kiểm tra khảo sát. Trên cơ sở đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ căn cứ vào điểm số của học sinh và hướng học sinh chọn những trường đúng với năng lực, học lực…
Năm nay đa phần một học sinh chỉ nộp từ 1 - 2 bộ hồ sơ (tỷ lệ chung là 1,46% - 52.133 hồ sơ/36.346 thí sinh (chưa kể thí sinh tự do), do đó có thể khẳng định số hồ sơ ảo năm nay chắc chắn sẽ không nhiều như những năm trước. Cá biệt có một vài học sinh nộp từ 5 - 10 bộ nhưng theo quan điểm của nhiều giáo viên, những em nộp nhiều hồ sơ thường là lực học không cao và còn “mơ hồ” trong việc chọn trường, chọn nghề. Ngoài ra, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ để đánh giá tỷ lệ chọi sẽ không chính xác, bởi thực tế có nhiều trường tuy tỷ lệ chọi thấp nhưng điểm đầu vào vẫn cao. Điều quan trọng nhất vẫn chính là năng lực thực tế của học sinh và kết quả thi đại học cũng như “thương hiệu” của các trường.
Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ngừng tiếp nhận hồ sơ của các thí sinh, những học sinh nào muốn tiếp tục nộp hồ sơ có thể trực tiếp nộp tại các trường. Học sinh cũng không cần lo lắng nếu phát hiện ra sai sót trên các bộ hồ sơ, vì tất cả sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và sửa chữa nếu các thông tin chưa đầy đủ hoặc nhầm lẫn.
Mỹ Hà