Hướng mới giúp học sinh chọn nghề

12/05/2014 22:27

Sắp tới Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ áp dụng mô hình 9+5 với mong muốn phân luồng học sinh sau trung học tốt hơn.

Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5 (TP.HCM) tư vấn cho phụ huynh chọn nguyện vọng cho con sau THCS - Ảnh: Minh Luân
Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5 (TP.HCM) tư vấn cho phụ huynh chọn nguyện vọng cho con sau THCS - Ảnh: Minh Luân

Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5 (TP.HCM) tư vấn cho phụ huynh chọn nguyện vọng

cho con sau THCS - Ảnh: Minh Luân

Mô hình 9+5

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2011 - 2012, trong số 78.045 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đã có đến 68.456 em vào lớp 10 công lập và hệ bổ túc. Trong 9.589 HS không trúng tuyển chỉ có 8.301 em theo học TCCN, nghề ngắn hạn. Cũng năm học này, thành phố có 63.255 HS tốt nghiệp THPT thì chỉ có 14.522 người theo học hệ TCCN, TC nghề và nghề ngắn hạn.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng công tác tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hoạt động chuyên sâu để HS nhìn nhận một cách có hệ thống, chọn lọc và không bị lệch hướng trong việc chọn nghề. Chính vì những lý do đó, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình 9+5 trong thời gian tới. Theo bà Thanh, theo mô hình này, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn có thể vào ĐH bằng con đường học nghề.

Vẫn có thể học lên cao

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nếu áp dụng mô hình này, HS tốt nghiệp bậc THCS sẽ học tiếp 5 năm và nhận bằng tốt nghiệp cử nhân chính quy hệ CĐ. Theo tìm hiểu của Thanh Niên thì đây là mô hình của Nhật Bản, được triển khai và mang lại hiệu quả phân luồng rất tốt trong nhiều năm qua. “Đây là mô hình có thể giúp học sinh và phụ huynh hài lòng. Hiện định kiến bằng cấp ở nước ta còn nặng nề, nên chuyện HS tốt nghiệp THCS tham gia mô hình này để học lên cao không những có một nghề để mưu sinh mà còn giúp HS ý thức rõ năng lực thực sự của mình”, ông Thanh nói thêm.

Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng Giáo dục Q.5, cho rằng: “Đây là một mô hình hay. Nếu thí điểm thành công và áp dụng đại trà thì TP.HCM sẽ đạt hiệu quả trong công tác phân luồng. Mặt khác, phụ huynh cũng sẽ hài lòng với mô hình này, vì con họ học nghề nhưng vẫn có thể học lên cao. Hiện nay, việc chọn ngành nghề cho con chịu ảnh hưởng phần lớn từ phụ huynh. Do vậy, nếu mô hình tốt thì phụ huynh sẽ ủng hộ”.

Theo ông Thanh, HS lớp 9 sau khi theo học 2 năm nếu không thể học lên tiếp thì cũng có một chứng chỉ nghề để đi làm, sau 3 năm rưỡi thì có thể lấy bằng TCCN, TC nghề để đi làm, còn sau 5 năm thì có bằng CĐ. Đặc biệt, trong quá trình học, nếu HS có nguyện vọng học tiếp vẫn sẽ được học thêm văn hóa, song song với việc học nghề để thi tốt nghiệp THPT.

Trong một hội nghị về công tác phân luồng tổ chức tại TP.HCM mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng mô hình mà TP.HCM đang đề xuất hấp dẫn được học sinh và cả phụ huynh.

Theo Thanh niên