Bài 1: "Sống mòn" với mức lương tối thiểu
(Baonghean) - Tiền lương vừa là động lực, đòn bẩy kích thích người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, vừa là phương tiện bảo đảm cuộc sống của họ. Tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, người lao động đang phải nhận một mức lương quá thấp, chưa đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu. Nhiều cuộc đình công, bỏ việc tập thể đã xảy ra mà nguyên nhân chính là “miếng bánh” lợi ích của doanh nghiệp và người lao động chưa được giải quyết thỏa đáng...
Một công nhân quê ở Qùy Hợp xuống làm cho Công ty TNHH Matrix tại KCN Bắc Vinh đã 8 tháng nay. Cuộc sống xa nhà, phải thuê phòng trọ để ở, trong khi mức lương quá thấp khiến chị chán nản, nhiều khi muốn nghỉ việc. chị cho biết, mức lương hiện tại được nhận là 2,249 triệu đồng/tháng, năm 2013 là 1,926 triệu đồng/tháng. Cộng thêm phụ cấp xăng xe 60 ngàn đồng/tháng, tiền tăng ca 12.000 đồng/giờ; tiền chuyên cần được 283.000 đồng/tháng. Trung bình, thu nhập 1 tháng của chị được khoảng 2,5 triệu đồng, tháng nào tăng ca nhiều thì được khoảng 3 triệu đồng. “Mức lương đó quá thấp, chỉ đủ cho công nhân như em chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nếu đột xuất có hiếu hỷ, thăm hỏi bè bạn thì không biết xoay xở thế nào. Đã 8 tháng đi làm nhưng vẫn không dành dụm được đồng nào. Làm công việc áp lực, ăn uống không đảm bảo nên sức khỏe sa sút. Nếu nghỉ 4 tiếng không phép thì công ty sẽ trừ hết tiền chuyên cần trong tháng nên dù mệt cũng phải cố gắng đi làm cho đủ ngày công”, chị chia sẻ. Xem hợp đồng lao động của chị ký kết với công ty thì thấy rất sơ sài. Trong hợp đồng không ghi công việc phải làm là gì. Ở các mục: cấp phát dụng cụ làm việc, nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động đều để trống. Các mục phụ cấp cũng để trống, chế độ nâng lương không có, tiền thưởng không có.
Sát phòng trọ của chị là một cô gái quê ở Yên Thành, làm công nhân tại Công ty Bật lửa ga Trung Lai từ tháng 8/2012. Trước đó, cô gái này đã có “thâm niên” làm công nhân 3 năm ở Bình Dương nhưng do muốn gần gia đình nên tìm về quê để xin việc. Cô gái này cho biết: Lương của em tính theo sản phẩm, trong đó, lương cơ bản 1 ngày làm 8 tiếng, 1 tiếng được 8,8 ngàn đồng (trước thời điểm 1/1/2014 là 8,6 ngàn đồng/tiếng). Nếu làm đủ 26 ngày được 1,830 triệu đồng, cộng thêm 130 ngàn tiền nhà ở, 130 ngàn tiền xăng xe, 200 ngàn tiền chuyên cần... Mỗi tháng em nhận được khoảng 3 triệu đồng”. Khi chúng tôi đề nghị được xem hợp đồng thì cô ấy nói chưa được ký hợp đồng, đồng nghĩa với việc chưa được đóng bảo hiểm.
Hiện, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang nhận mức lương bèo bọt, môi trường làm việc áp lực, nhiều chế độ như thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi không đảm bảo, chế độ thâm niên không có, nhiều nơi chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, các tổ chức, chính quyền dù biết nhưng rất khó để bảo vệ được người lao động.
KCN Nam Cấm hiện đang có nhiều dự án được triển khai, một số dự án như Công ty TNHH điện tử BSE, Công ty Nhựa Tiền Phong miền Trung đã đi vào hoạt động và có nhu cầu sử dụng nguồn lao động lớn. Công ty TNHH điện tử BSE hiện có khoảng 2.000 công nhân và đang cần tuyển khoảng 6.000 công nhân đến năm 2015. Một chị quê ở Thái Hòa cho biết, chị làm công nhân tại Công ty TNHH điện tử BSE đã được 7 tháng; hôm đi phỏng vấn họ cho biết 6 tháng tăng lương 1 lần nhưng bây giờ lại nói là 1 năm. Nhưng mình không có bằng chứng nên đành chịu. Sau cuộc đình công thì công ty có tăng lương nhưng áp lực cũng tăng theo. Một ngày ngồi ròng rã 10 tiếng đồng hồ, chỉ được nghỉ 1 giờ đồng hồ ăn trưa.
Nghi Lộc là địa phương có nguồn lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn. Theo số liệu chưa chính thức thì đến hết năm 2013, toàn huyện có khoảng 3.000 lao động làm việc trong các nhà máy, chủ yếu tập trung tại KCN Bắc Vinh và Nam Cấm. Ông Nguyễn Văn Bá, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nghi Lộc cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hầu như không hợp tác với chính quyền địa phương. Vì thế, các cuộc thanh, kiểm tra việc đảm bảo chế độ cho người lao động rất khó thực hiện. Chúng tôi chỉ nắm được lương qua người lao động. Khi có xung đột giữa người lao động thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới tiến hành kiểm tra được. Thậm chí, có công ty còn đến đặt vấn đề xin được xác nhận vào bảng lương thấp nhằm được giảm đóng bảo hiểm cho công nhân.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MLB TENERGY. |
Nhiều công nhân làm việc tại Công ty TNHH MLB TENERGY tại Thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành) cũng đang bức xúc trước một số qui định Công ty đưa ra. Một công nhân quê ở xã Văn Thành cho biết: Tăng ca làm thêm cật lực, trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội …chỉ còn hơn 2,7 triệu đồng. Trong khi quản lý nhà máy thường dọa đuổi việc công nhân, không khí làm việc luôn căng thẳng. Cụ thể như Tết Dương lịch năm 2014, nhà máy không có chế độ tiền tết cho công nhân, người quản lý nhà máy thản nhiên nói: Nhà máy mới xây dựng, khó khăn “xin khất”, “không có”. Tết Nguyên đán quản lý nhà máy cũng “xin khất”, công nhân bức xúc đình công, nhà máy mới giải quyết cho 500.000đồng/ người.
Được biết, sau Tết Nguyên đán 2014, đã có trên 30 lao động ở Công ty TNHH MLB đơn phương chấm dứt hợp đồng. Giải đáp về những thắc mắc của người lao động, chị Phan Thị Vinh - Kế toán trưởng - đại diện Công ty TNHH MLB lý giải: “Hiện tại Công ty có 503 lao động, trong đó có 470 lao động chính thức còn lại là lao động thời vụ. Đối với lao động chính thức được hưởng lương theo quy định của Nhà nước, từ ngày 1/1/2014 áp dụng với doanh nghiệp hoạt động địa bàn vùng 4 mức 1.900.000 đồng/tháng và nhân với 7% tiền đào tạo nghề, 5% tiền độc hại, đạt 2.135.000 đồng/người/tháng, ngoài ra còn bữa ăn trưa, các chế độ hỗ trợ khác”. Các chế độ ở Công ty này đều áp dụng ở mức tối thiểu, ngoài chế độ tiền lương thì chế độ tiền độc hại chỉ được tính mức thấp nhất 5%, vì vậy nhiều lao động có kiến nghị Công ty tăng thêm phụ cấp độc hại. Tuy nhiên, chị Phan Thị Vinh cho hay: Tất cả chúng tôi đã tính trong 5% tiền độc hại, còn đề xuất không có trong phụ lục, chúng tôi phải nghiên cứu. Đối với cơm trưa 12.000 đồng / người, chúng tôi ăn thấy rất thoải mái, còn đề xuất tăng ca phải ăn đồ nhẹ để lấy sức làm việc cần phải xem xét lại.
Tiếp xúc với công nhân của Công ty TNHH Prex Vinh (Đô Lương), chúng tôi cũng nhận được nhiều điều không hài lòng trong quá trình làm việc. Một công nhân quê ở Yên Sơn - Đô Lương bức xúc: “Hàng ngày chúng tôi đều phải chuẩn bị cơm để đưa đến Công ty ăn, do nơi đây chưa có bếp ăn tập thể, trời nắng nóng cơm bỏ trong cốp xe, nhiều hôm bị ôi thiu nuốt không nổi. Ra ngoài đường ăn quà cho qua bữa, biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải ăn, suất cơm được nhà máy cho 15.000 đồng/ bữa, chúng tôi phải bù thêm vào 15.000 đồng nữa”. Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Thành - phiên dịch viên đại diện Công ty Prex Vinh cho biết: Các mức lương chúng tôi chi trả đúng với quy định, còn các loại tiền hỗ trợ như xăng xe, tiền chuyên cần …đáng ra là không có nhưng Công ty vẫn cho thêm. Còn vấn đề Công ty không nấu ăn cho công nhân lý do chủ yếu số lượng công nhân Đô Lương ở gần nhà nên họ về nhà thuận tiện hơn. Đối với việc xây dựng các công trình phúc lợi thì công ty chưa làm vì lâu nay đang bị thua lỗ.
Theo khảo sát của Sở LĐTB&XH, mức lương bình quân năm 2013 của người lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay là 2,9 triệu đồng/tháng. Trong đó, loại hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 3,8 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp cổ phần vốn nhà nước là 2,6 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 2,5 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp FDI là 2,8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, vẫn có những người lao động chỉ nhận được 1,9 - 2 triệu đồng/tháng.
Nếu phân theo ngành nghề thì mức lương cao nhất ở ngành khai thác mỏ (3.760.000 đồng/tháng), sau đó đến ngành dịch vụ – thương mại (2.452.000 đồng/tháng), xây dựng (2.119.000 đồng/tháng), da giầy - dệt may (1,9 triệu đồng /tháng) và thấp nhất là ngành thuỷ sản (1.660.000 đồng/tháng). Lĩnh vực “hút” lao động nhất hiện nay là may mặc. Với việc xây dựng nhiều nhà máy may như Haivina Kim Liên, Prex Vinh, Khải Hoàn, Nam Sung Vina…. đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những ngành mà người lao động có mức lương thấp. Trung bình, mức lương mà người lao động nhận được từ đầu năm 2014 (sau khi có quyết định tăng lương tối thiểu vùng) là khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Người lao động chủ yếu được trả mức lương ngang bằng với mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định. Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương và BHXH (Sở LĐTB&XH) đánh giá: So với các tỉnh khác thì mức lương mà người lao động trên địa bàn được nhận là còn thấp và chưa đảm bảo được yêu cầu của người lao động trong cuộc sống hiện nay.
Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Nghệ An còn diễn ra khá phổ biến, trong đó chủ yếu là vi phạm những quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trả lương thấp, nợ lương, vi phạm những quy định về giao kết hợp đồng lao động, không thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động.... Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp trốn tránh, chiếm dụng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, với số tiền hàng chục tỉ đồng.
(còn nữa)
Nhóm P.V Kinh tế