Ghi danh tổ chức, cá nhân hiến tặng kỷ vật Điện Biên Phủ

18/04/2014 23:18

Sáng 18-4, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ ghi danh tổ chức, cá nhân hiến tặng kỷ vật, hiện vật, tài liệu, tư liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Xuân Kôi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chủ trì buổi lễ. Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cùng đại biểu Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, đại biểu Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hậu cần và đông đảo CCB từng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã dự buổi lễ. Tại buổi lễ còn có đông đảo phóng viên các cơ quan báo, truyền hình trung ương, địa phương đến đưa tin.

Hiến tặng kỷ vật, hiện vật, tư liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ được UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Báo QĐND, Trung ương Hội CCB Việt Nam chính thức phát động từ ngày 13-6-2013. Tính đến ngày 15-4-2014, đã thu được 203 hiện vật, kỷ vật, tư liệu, tài liệu được 40 tổ chức và cá nhân hiến tặng, trong đó đối tượng chủ yếu là các CCB, thân nhân của các CCB. Đáng kể là các địa phương TP Hà Nội, tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng trao tặng kỷ vật là chai rượu vang Bóc-đô do các CCB Pháp tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đồi A1 vào năm 1998.
Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng trao tặng kỷ vật là chai rượu vang Bóc-đô do các CCB Pháp tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đồi A1 vào năm 1998.

Những kỷ vật, hiện vật, tư liệu được hiến tặng rất đa dạng, gồm 123 hiện vật gốc (67 hiện vật chất liệu kim loại, 24 hiện vật chất liệu vải - sợi, 6 hiện vật chất liệu gỗ - tre, 5 chất liệu nhựa, 3 hiện vật chất liệu da, 3 hiện vật chất liệu giấy, 15 hiện vật chất liệu thủy tinh và 80 tài liệu bằng giấy liên quan). Ông Phạm Văn Hưng phát biểu, phần lớn những hiện vật, kỷ vật, tư liệu là kỷ niệm gắn với những câu chuyện trong chiến đấu; là hành trang được mỗi chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và người thân trân trọng, nâng niu và giữ gìn như những báu vật trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Phương, con gái họa sĩ Nguyễn Bích được ghi danh trong buổi lễ.
Bà Nguyễn Thị Phương, con gái họa sĩ Nguyễn Bích được ghi danh trong buổi lễ.

Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên đã làm đại biểu xúc động khi chiếu những thước phim phóng sự ghi lại cảnh hiến tặng hiện vật, kỷ vật, tài liệu ở tỉnh Điện Biên. Đó là những vật dụng hằng ngày, rất thân thuộc của người chiến sĩ trong chiến dịch như: Ba lô vải, áo trấn thủ, chăn len, dù ngụy trang, dép cao su, bi đông đựng nước… Đặc biệt, là có hình ảnh trao tặng cuốn nhật ký kích thước 24x14cm, gồm 44 trang viết tay, ký họa bằng mực tàu ghi lại những thời khắc gian khổ của cuộc chiến.

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Hưng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Điện Biên đã báo cáo kết quả cuộc phát động và nhấn mạnh, tất cả các kỷ vật, hiện vật, tài liệu mà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiếp nhận có giá trị to lớn; là nguồn tư liệu quý bổ sung kho cơ sở về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giúp Bảo tàng xây dựng được những bộ sưu tập, xây dựng được những trưng bày chuyên đề phục vụ khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Đại tá Nguyễn Kim Tôn phát biểu trong buổi lễ ghi danh.
Đại tá Nguyễn Kim Tôn phát biểu trong buổi lễ ghi danh.

CCB Đào Bá Vinh (85 tuổi) hiện ở Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội), từng là y tá trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chia sẻ, từ khi biết nội dung cuộc phát động hiến tặng hiện vật, kỷ vật, tài liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đã thông báo tới nhiều đồng đội, có người không có điều kiện đi lại, bị liệt nhưng vẫn gọi điện đến các đồng đội cũ, động viên họ sưu tầm, hiến tặng hiện vật, kỷ vật. Có những đồng chí không quản đường xá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn vẫn tích cực tìm manh mối, thông tin, động viên đồng đội hiến tặng kỷ vật, hiện vật.

Tại buổi lễ, CCB Đào Bá Vinh đã tặng hộp dụng cụ y tế, gồm dao mổ, phanh, kéo, khay, kìm kéo lưỡi… của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhân, người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bà Nguyễn Thị Phương, con gái họa sĩ Nguyễn Bích đã tặng bức tranh ghi lại hình ảnh bộ đội giúp đồng bào dân tộc Điện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Đặc biệt, trong buổi lễ, Báo Quân đội nhân dân đã tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bản sao 33 số báo được viết, in ấn và phát hành trong Chiến dịch Điên Biên Phủ.

Phát biểu trong buổi lễ, Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó tổng biên tập Báo QĐND khẳng định, những tờ báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội; là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Vừa qua, việc Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm, CCB Đại đoàn 351 hiến tặng tờ báo mà ông đã giữ gìn bền bỉ suốt 60 năm qua là việc làm sống động, minh chứng cho ý nghĩa to lớn ấy.

Ông Phạm Xuân Kôi đã đại diện cho UBND tỉnh Điện Biên gửi tới các CCB, các đại biểu có mặt trong buổi lễ ghi danh lời cảm ơn sâu sắc. Ông mong muốn, thời gian tới, các CCB sẽ sưu tầm được nhiều hiện vật, kỷ vật và tài liệu liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ để làm phong phú thêm việc trưng bày cũng như công tác nghiên cứu. Ông cũng mong muốn Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo, truyền hình trung ương, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nhiều người hiểu sâu sắc ý nghĩa việc làm này, đó chính là hành động cụ thể để Chiến thắng Điện Biên Phủ còn mãi với mọi thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế và vang vọng cùng với thời gian.

Theo QĐND