"Công tắc" não biến đàn ông thành người cha tốt

18/05/2014 15:37

Việc biến các ông bố, bà mẹ tồi trở thành những bậc phụ huynh chuẩn mực thường là công việc của những nhà hoạt động xã hội, giáo viên hay thậm chí các chương trình đối thoại - giáo dục truyền hình. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) hé lộ có thể tồn tại một lựa chọn khác, đơn giản hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, trong bộ não của đàn ông cũng có
Các nhà nghiên cứu tin rằng, trong bộ não của đàn ông cũng có "công tắc" biến họ thành người cha hoàn hảo, tương tự như đối với loài chuột. Ảnh: Corbis

Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát hiện một "công tắc" trong não chuột đực, có thể biến các ông bố sao lãng trở nên chu đáo, tuyệt vời với các con.

Theo tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu do Catherine Dulac, giáo sư chuyên ngành sinh vật học tế bào và phân tử tại Đại học Harvard, đứng đầu, đã tập trung vào một nhóm tế bào thần kinh trong bộ não chuột, có liên quan đến sự quan tâm thuộc về vai trò làm cha. Bằng cách chiếu sáng để kích hoạt các tế bào não nhất định, họ đã có thể thay đổi cách tiếp cận với việc chăm sóc, dạy dỗ con cái của chuột đực.

Trong nghiên cứu, bà Dulac và các cộng sự đã tiến hành tìm hiểu loài chuột có con đực thường tấn công con của những cá thể khác, nhưng luôn ngừng hành vi hiếu chiến này khi con của chúng ra đời, 3 tuần sau khi giao phối với một con cái. Các chuyên gia đã tìm kiếm những tế bào thần kinh trong bộ não có thể chịu trách nhiệm về sự thay đổi hành vi này và tập trung vào một vùng phụ trách cảm nhận pheromone.

Mùi của các pheromone ảnh hưởng tới hành vi của những động vật khác và được cho là rất quan trọng trong quá trình giao phối. Thông qua việc phá hủy các tế bào não trong vùng cảm nhận pheromone, bản chất hiếu chiến của chuột đực chưa giao phối được phát hiện giảm đáng kể.

Thay vì tấn công chuột con, những chuột đực này sẽ nuôi dưỡng và thậm chí xây tổ cho chúng. Ngược lại, khi nhóm nghiên cứu phá hủy các tế bào thần kinh ở trung tâm bộ não của chuột cái, những con chuột mẹ này sẽ trở nên gây hấn hơn.

Tất nhiên, giữa cách chăm sóc, giáo dục con của người và của chuột luôn có sự khác biệt rõ ràng. Đáng kể nhất là ở con người, cách nuôi nấng, dạy dỗ con cái có nhiều yếu tố phức tạp, liên quan đến cả những trải nghiệm về văn hóa và xã hội. Dẫu vậy, ở mức độ cơ bản, các nhà nghiên cứu tuyên bố, công trình của họ cung cấp một số hiẻu biết quan trọng về cách thức hoạt động của bộ não, liên quan đến vai trò làm cha, làm mẹ.

"Thực tế rằng con người là động vật có vú, đồng nghĩa chúng ta chắc chắn cũng có các tế bào thần kinh chuyên biệt như ở chuột", giáo sư Dulac nhấn mạnh. Bà Dulac nói thêm rằng, mặc dù nghiên cứu chỉ tập trung vào chuột đực, nhưng nó có thể dễ dàng được ứng dụng đối với chuột cái do các cá thể đực và cái có cùng mạch não then chốt này.

Theo vietnamnet