Tòa quyết định xét hỏi lại thay vì tuyên án

25/04/2014 18:52

Chiều 25/4, sau 3 ngày xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), HĐXX tiếp tục quay lại phần xét hỏi.

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm Vinalines
Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm Vinalines

TIN LIÊN QUAN

14h các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử án, 3 luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng vắng mặt gồm luật sư Trần Đình Triển, luật sư Ngô Ngọc Thủy và luật sư Trần Đại Thắng.

14h05’, tòa tiếp tục quay lại phần xét hỏi.

Bị cáo Dương Chí Dũng khai thành lập đoàn khảo sát ụ nổi 83M do báo cáo của Mai Văn Phúc. "Trước đó Ban quản lý dự án đã trình anh Phúc, sau anh Phúc báo cáo lại với bị cáo, chứ trước đó bị cáo không biết có ụ nổi 83M. Bị cáo không nhớ anh Sơn đưa vali rượu vào năm nào, chỉ biết đợt đó là bị cáo vào TP Hồ Chí Minh để đi chơi. Sau đó tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh để công tác và ở khách sạn Victoria và không nhớ ở mấy ngày. Bị cáo vào đến sân bay nhanh cũng phải 6h30’, rồi liên tục họp, xong lại đi ăn cùng anh em, không có lúc nào rảnh. Sau khi ụ mang về Việt Nam để sửa chữa bị cáo không biết là bao nhiêu tiền, ụ về cũng không biết. Khoản tiền 9 triệu USD dùng để mua ụ nổi là vay tín dụng 130 triệu USD".

14h15’, bị cáo Trần Hải Sơn khai: "Khi mua ụ nổi bị cáo đang là phó ban QLDA, còn anh Chiều là trưởng ban. Khi đi khảo sát bị cáo chưa biết đến ụ nổi này. Khi bị cáo ra Hà Nội làm phó ban dự án đã có bản chào hàng của Cty AP (Singapore) về ụ nổi 83M. Bị cáo nhớ có cuộc họp của các ban bị cáo đã thấy ụ nổi này. Về đàm phán, giao dịch ụ nổi thì anh Chiều giao cho anh Khang trực tiếp đàm phán. Bị cáo chỉ tham gia 1 cuộc họp. Bị cáo không nhớ được chi tiết ngày đưa tiền cho anh Dũng nhưng không nhớ cụ thể mà chỉ nhớ khoảng thời gian và trước khi đưa tiền cho anh Dũng bị cáo đã gọi điện, còn khoảng thời gian nào bị cáo cũng không nhớ. Còn lần rút tiền 2 tỷ ở ngân hàng hàng hải tại Hà Nội là do em gái Trần Thị Hải Hà chuyển vào ngân hàng, rút tiền bằng chứng minh thư cả ở Hà Nội và Hải Phòng. Bị cáo cũng không nhớ ngày nào rút tiền vì rút rất nhiều lần, bị cáo cũng không giữ lại giấy tờ gì liên quan đến rút tiền".

Còn việc đưa 10 tỷ đồng cho Phúc 3 lần, bị cáo Sơn khai, 1 lần đưa tại Hải Phòng, 2 lần tại Hà Nội, bị cáo không nhớ chính xác cụ thể ngày nào và bị cáo không lần nào đưa vali rượu cho Dương Chí Dũng.

"Nhà của anh Phúc ở gần Cty tư vấn Hàng Hải Việt Nam nên bị cáo biết. Bị cáo có tài khoản tại ngân hàng TMCP Hàng hải. Cty thành lập từ tháng 3/2008, nhưng bị cáo không biết cụ thể anh Quỳnh vào lái xe từ thời điểm nào" - bị cáo Sơn nói.

14h30’, Bị cáo Trần Hữu Chiều khai: "Tháng 2/2007 đã khảo sát ụ 220 và Tổng Cty có quan hệ với Cty AP nhưng sau đó ụ nổi này bị bão đánh chìm nên tìm ụ nổi khác. Tháng 7/2007 Cty AP chào hàng ụ nổi 83M nhưng Tổng Cty giao cho anh Trung khảo sát. Những tờ trình của bị cáo đưa cho anh Phúc ký thì do bị cáo ký trình với tư cách trưởng ban quản lý dự án. Trước khi trình để anh Phúc ký thì bị cáo giao cho anh Sơn làm, còn tờ trình cũng do Sơn làm để Tổng giám đốc trình HĐQT. Họp HĐQT bị cáo và Sơn đều được mời với tư cách là Ban quản lý dự án. Bị cáo không được anh Dũng và Phúc chỉ đạo mà chỉ nghe Sơn nói là “anh Dũng và Phúc đã chỉ đạo rồi, mọi việc bác cứ để em làm”.

Còn việc giám định độc lập ụ nổi là theo quy định của luật hàng hải, bị cáo đề xuất để xin ý kiến của anh Phúc. Trong tờ trình đã nêu đầy đủ giám định độc lập và giám định của đăng kiểm của Cục đăng kiểm vì giấy này đảm bảo điều kiện về môi trường, 2 giấy này có giá trị như nhau. Lúc này, ai làm trong ngành cũng biết ụ nổi 83M không phải là tàu biển, vì tàu biển quá 15 tuổi không được nhập khẩu. Vì muốn có giấy phép đi biển nên phải có giấy chứng nhận an toàn hàng hải, an toàn môi trường".

HĐXX hỏi: Tại sao là ụ nổi phải xin phép an toàn môi trường, an toàn hàng hải? Bị cáo Chiều cho rằng điều này là bắt buộc. Khi về Việt Nam chỉ được cấp giấy chứng nhận an toàn hàng hải tạm thời. Chi phí mua, sửa chữa là 9 triệu, trong đó có 900 nghìn đặt cọc, còn lại 8,1 triệu USD chuyển sau, tuy nhiên sau đó bị cáo không hiểu lại tách 3 hóa đơn trong 8,1 triệu USD, đề nghị HĐXX xem xét.

Bị cáo Chiều thừa nhận mình đã làm trái, không làm hết trách nhiệm được giao, tuy nhiên bị cáo mong HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội lúc đó. Bị cáo cũng đã hỏi vay Sơn 1 tỷ để chữa bệnh và mua nhà là hơn 1 tỷ. “Lần đầu tiên Sơn gửi 600 triệu, sau đó đưa tiếp 2 đến 3 lần đủ 1 tỷ, rồi đưa thêm hơn 300 triệu đồng. Khi Sơn đưa 340 triệu đồng thì Sơn chỉ bảo là tiền bồi dưỡng. Sau này biết đó là tiền ụ nổi nên bị cáo đã trả lại. Bị cáo đề nghị giảm tội có ý làm trái và miễn tội tham ô”, bị cáo Chiều đề nghị.

Trả lời HĐXX về văn bản thỏa thuận 7/7/2007 về việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Mai Văn Phúc khai, bị cáo không biết, bị cáo về làm tổng giám đốc thì thỏa thuận đã xong hết. Bị cáo gặp ông Goh tại phòng khách Vinalines có rất nhiều người Vinalines ở đó. Khi gặp bị cáo chỉ chào xã giao, thời điểm đó là sau ngày 7/7/2007 khá lâu. Ông Goh sang trước khi có đoàn khảo sát sang Nga, lúc đó anh Chiều đã nói ông này có ụ nổi.

"Bị cáo không thỏa thuận với ông Goh mà chỉ nghe anh Chiều, anh Sơn nói lại là ông Goh chào giá từ 10,5 triệu USD sau đó lại 10,2 USD, bị cáo bảo “phải ép xuống”, đến khi anh Chiều và Sơn báo cáo lại nếu không mua giá 9 triệu USD thì Cty AP sẽ bán cho người khác.

Anh Chiều và Sơn bảo bị cáo nếu trong chiều nay không ký hợp đồng thỏa thuận thì người ta sẽ bán cho người khác trước khi giờ làm việc buổi chiều kết thúc 2 tiếng, bị cáo không biết việc tách 3 hóa đơn trong số tiền 8,1 triệu USD" - bị cáo Phúc khai.

15h05’, bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1960, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines khai: "Việc anh Phúc khai không đúng. Bị cáo hoàn toàn không biết việc thanh toán 8,1 triệu USD tách thành 3 hóa đơn.

15h10’, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục bị xét hỏi. Bị cáo Dũng khai, khi ở khách sạn Seraton thì Sơn đến mang theo 1 cái túi bảo có bánh kẹo, trong đó chứa mấy chai rượu. Nhưng sau đó bị cáo nhờ chị Đào làm ở sân bay để làm thủ tục mua vé máy bay, khi ra đến sân bay bị cáo mới mở ra thì biết đó là rượu Vilentin, nhưng không biết mấy chai.

15h15’, trả lời HĐXX về việc Tổng Cty có phương án thanh lý ụ để bán sắt vụn, vị đại diện Vinalines xác nhận có việc này. Hiện tại, chi phí thuê địa điểm neo đậu và trực sự cố từ 800 đến 1 tỷ. Nếu ụ nổi đem bán sắt vụn thấp nhất cũng được 49 tỷ, tuy nhiên vì chi phí quá nhiều tiền sửa chữa nên không bán sắt vụn. Nếu bán nguyên ụ nổi thì phải tổ chức giám định.

15h20, đại diện Cục đăng kiểm trình bày, khi vận chuyển ụ nổi bằng tàu nặng về Việt Nam không phải có xác nhận an toàn hàng hải, an toàn bảo vệ môi trường. Đáng nhẽ anh Dương chỉ báo cáo kiểm tra chứ không phải là báo cáo giám định.

Khi HĐXX hỏi Cục đăng kiểm về việc Dương báo cáo “về cơ bản đảm bảo an toàn hàng hải và bảo đảm về môi trường” thì đại diện Cục đăng kiểm nói: “Để kéo ụ nổi 83M, chỉ 1 chuyến từ Nga về thì anh Dương mới báo cáo như vậy, chứ không phải hoàn toàn đảm bảo về việc sử dụng ụ nổi sau này. Tuy nhiên sau đó Vinalines lại có phương án sử dụng tàu hạng nặng để chuyển ụ nổi 83M về Việt Nam”.

15h32’, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục bị thẩm vấn. Trả lời về bản tuyên thệ của ông Goh, bị cáo Sơn cho biết, sau khi có án sơ thẩm thì ông Goh có bản tuyên thệ này, việc ông Goh nói như vậy là không đúng, bị cáo cũng không biết mục đích để làm gì. Bị cáo không tin việc ông Goh chưa bao giờ tiếp xúc với Dũng và Phúc. Trước đó, bị cáo không bao giờ giao dịch với ông Goh về việc mua ụ nổi. Bị cáo chỉ tiếp xúc với ông Goh mấy lần nhưng không nhớ gặp ở đâu, nói chuyện gì, lần cuối cùng ở đâu, gặp để giải quyết vấn đề gì.

Sau khi mua ụ nổi thì ông Goh thông báo yêu cầu cung cấp Cty có tài khoản để chuyển tiền về Việt Nam. Khi biết có văn bản của ông Goh tại phiên tòa thì bị cáo suy nghĩ văn bản này không ảnh hưởng gì cả. Bị cáo chỉ cung cấp tên, tài khoản của Cty Phú Hà cho ông Goh, và bị cáo chỉ biết việc có tiền sau khi ông Goh nói, sau đó bị cáo chỉ báo cáo với anh Dũng và anh Phúc và được anh Phúc nói: “triển khai việc này nhanh đi”, lúc đó vào tháng 6/2008. Sau đó bị cáo đã chuyển tiền cho anh Dũng và Phúc, chỉ riêng khoản tiền 2 tỷ là chậm. Khi ông Goh chuyển tiền về tài khoản của Cty em gái, bị cáo chỉ trao đổi với các em đợt này sẽ có việc, có khoản tiền sẽ chuyển về.

Khi HĐXX hỏi bị cáo Sơn là tại sao không chuyển tiền ngay cho Dũng và Phúc thì bị cáo không lý giải được.

Khi HĐXX hỏi tại sao không chuyển tiền bằng chứng minh thư, bị cáo Sơn khai: “Bị cáo nói tòa không tin chứ lần nào đưa tiền cho anh Dũng và Phúc cũng bằng tiền mặt”.

15h50’, bị cáo Mai Văn Khang khai, bị cáo chỉ đi theo anh Dương, còn việc ký nháy vào báo cáo là do 2/3 báo cáo là dịch thuật. Bị cáo chỉ có ký nháy vào báo cáo của đoàn khảo sát, do hạn chế về hiểu biết pháp luật mong HĐXX xem xét nếu không minh oan được cho bị cáo thì giảm tội cho bị cáo. Cũng như giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự 12 tỷ đồng cho bị cáo.

16h, bị cáo Trần Hữu Chiều xin giảm phần bồi thường vì "việc mua bán này là trách nhiệm lớn nhất là trách nhiệm của các sếp". Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét để xét trách nhiệm của các thành viên HĐQT, cùng các phòng ban của Cty cũng không chịu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm về dân sự khi tham gia vào việc mua bán ụ nổi này.

16h5’, trả lời luật sư Trần Đại Thắng về việc tại sao biết Cty AP chào ụ nổi 83M, bị cáo Trần Hữu Chiều khai do Cty AP chào ụ nổi 220, sau đó chìm nên tiếp tục chào ụ 83M.

Bị cáo Trần Hải Sơn trả lời luật sư Thắng: "Khi đưa 340 triệu đồng cho anh Chiều bị cáo không nói là tiền gì nhưng không biết thế nào anh Chiều lại khai nhận, HĐXX đã tuyên án anh Chiều như vậy là nặng. Việc bị cáo khai anh Dũng nói: “Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, còn lại cho em”, nhưng lúc lại khai: “còn lại cho anh em” là do câu chữ thôi.

16h15’, trả lời luật sư Hoàng Huy Được, bị cáo Trần Hữu Chiều khẳng định Cty AP chào bán ụ nổi 83M. Do trước đây Cty AP đã chào bán ụ 220 rồi và Sơn cũng nói: “Anh Dũng và anh Phúc đã chỉ đạo rồi nên anh cứ để em làm”. Anh Dũng và anh Phúc không chỉ đạo gì cho bị cáo trong việc mua ụ nổi.

16h20’, trả lời luật sư Nguyễn Huy Thiệp về việc ai làm hồ sơ để ông Goh chuyển tiền cho Cty Phú Hà, bị cáo Trần Hải Sơn khai: "Việc đó do bị cáo tự làm. Khi đưa tiền cho các anh, bị cáo không nói với các em là tiền gì, lý do chuyển. Tôi chỉ nói khi nào cần tiền thì các em lo giúp.

Việc anh Khang khai chỉ dịch văn bản tiếng Anh, anh Quang dịch tiếng Nga là đúng, còn thời điểm khảo sát ụ 220 tôi không nhớ nhưng trước khi đi khảo sát ụ 83M. Khi khảo sát ụ 220, ông Goh chỉ gửi thư mời qua fax, khi sang ông Goh không xuất hiện".

16h34’, trả lời luật sư Phạm Thanh Sơn, bị cáo Sơn khai: "Khi đưa tiền cho anh Chiều tôi không nói đó là tiền gì".

16h36’, trả lời luật sư Trần Hồng Phúc về việc các mã số để phân loại hàng hóa có chồng chéo không, bị cáo Huỳnh Hữu Đức khai, các mã mặt hàng đều rất rõ ràng có mã số riêng để hải quan áp mã để tính thuế.

Tại Tòa bị cáo Trần Hữu Chiều khai, trước khi bị cáo làm trưởng ban quản lý dự án thì mọi việc đàm phán với Cty AP là do anh Trung, Phó tổng giám đốc đảm nhiệm, vì lúc đó bị cáo đang ở Vũng Tàu.

15h45’, ông Lê Thái Sơn, giám định viên Bộ Tài chính cho biết: Ụ nổi không phải là tàu nối bờ, Công ước HS được sử dụng trên toàn cầu để thống nhất tên, mã số hàng hóa. Ụ nổi không thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu.

16h53’, tòa tạm nghỉ, 8h sáng thứ 2 tòa tiếp tục phần tranh tụng....

Theo infonet.vn