Chủ quyền trên biển Đông nhìn từ những quy định của Luật pháp quốc tế

15/05/2014 10:59

(Baonghean) - Những ngày này, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Dư luận trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc không nằm ở phạm vi hẹp là những tranh chấp đơn thuần giữa các quốc gia mà hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia đã ký kết. Không những thế, Trung Quốc còn lớn tiếng ngụy biện cho hành động đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam rằng đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong khi họ không đưa ra được căn cứ nào để khẳng định điều đó...

1. Công ước Luật Biển năm 1982 và vấn đề đường 9 đoạn phi lý tại biển Đông

Năm 1982, Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Luật Biển với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương bởi vì đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Tại biển Đông, công ước này bị Trung Quốc vi phạm với cái gọi là đường chín đoạn do nước này tự vẽ ra mà không có căn cứ pháp lý nào.

TIN LIÊN QUAN

Công ước được Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mở ra cho các quốc gia ký vào ngày 10/12/1982. Tính đến nay, công ước đã được hơn 160 quốc gia trên thế giới ký và phê chuẩn. Trong số các nước ven biển Đông đã có 8 nước tham gia Công ước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunây, Thái Lan và cả Trung Quốc.

Theo Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển với chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế là vùng nước rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong vùng lãnh hải được xác định của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán, đặc biệt có quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển này.

Theo pháp luật quốc tế, khi tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước một cách toàn diện. Các quốc gia thành viên được hưởng các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Đồng thời, họ có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ.

Tại biển Đông, Trung Quốc đưa ra cái gọi là đường chín đoạn và đòi hỏi chủ quyền bao trùm khoảng 80% diện tích biển Đông mà không có căn cứ pháp lý nào. Trong đó, đường chín đoạn này nằm sâu vào trong thềm lục địa 200 hải lý của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunây theo quy định của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982.

Năm 2012, bãi cạn Scarborough-một bãi đá nằm cách bờ biển Philippines tầm 124 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này đã trở thành mục tiêu tranh chấp căng thẳng và kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển mà đường chín đoạn đã vẽ.

Cũng trong năm 2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế với chín lô dầu khí chiếm diện tích tới 160.129 km2, thuộc vùng biển của đường chín đoạn vẽ ra nhưng nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 1/5 vừa qua, Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam tại tọa độ 15 độ 29’58’’ vĩ bắc, 111 độ 12’06’’ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý, tức nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, nằm trong đường chín đoạn do Trung Quốc vẽ ra.

2. Hành động đòi chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn trái với Luật pháp quốc tế

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của khu vực mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hành động của Trung Quốc đã vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế.

Thông tin xác thực bằng hình ảnh. Sau đó, thông tin về hành động trái phép của Trung Quốc đã đồng loạt được truyền thông thế giới đăng tải. Báo chí Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... đã có nhiều bài viết về việc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông DOC.

Các chuyên gia và học giả quốc tế cũng cho rằng, không một quy định nào cho phép Trung Quốc xác định chủ quyền của họ như đường chín đoạn đó. Giáo sư Các Thay-ơ - một chuyên gia về an ninh trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết, hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp: "Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông là một sự vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thẩm quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đó và giàn khoan dầu của Trung Quốc không được phép đưa vào đây để khai thác mà không có sự cho phép của Việt Nam. Điều này vi phạm luật pháp quốc tế”

Cùng chung quan điểm này, tướng Đa-ni-en Sếp-phơ - nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp cho rằng: Ngược về quá khứ, đường “lưỡi bò” được phía Trung Quốc đưa ra từ năm 1947, nhưng ở thời điểm đó, đây chỉ là một đường vẽ mà không đi kèm với bất kỳ yêu sách hay đòi hỏi chính thức nào từ phía Trung Quốc. Phải đến tận ngày 9/5/2009, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền đầu tiên với việc nước này đệ trình một biên bản lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để phản đối việc Việt Nam và Malaixia phối hợp trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về việc phân chia khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Lúc đó, phía Trung Quốc cho rằng sự việc này là "đáng lo ngại" đối với quyền của họ. Chỉ cho tới lúc đó, phía Trung Quốc mới chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền và cho rằng khu vực biển Đông nằm trong "đường lưỡi bò" là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Như vậy, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có sau Công ước về luật biển 1982. Do đó, mọi hành động nhằm khẳng định chủ quyền về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đều là bất hợp pháp và phi lý.

Ông Gri-gô-ri Pâu-linh, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, tổ chức nghiên cứu số 1 thế giới về an ninh và các vấn đề quốc tế cho rằng:

“Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định rõ rằng trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên”

3. Luật pháp quốc tế cần được tôn trọng một cách nghiêm chỉnh

Sự việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam một lần nữa cho thấy những quy định của Luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 không được Trung Quốc tôn trọng.

Trong khi đa số các quốc gia trên thế giới đều tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì Trung Quốc lại đi ngược lại. Là một thành viên Liên Hợp Quốc, lại là quốc gia đã tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng Công ước đó.

Nếu áp dụng đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì tại biển Đông, từ khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia hầu như không bị chồng lấn lên nhau, thậm chí giữa vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippin vẫn được ngăn cách bởi vùng biển quốc tế hẹp nằm giữa biển Đông. Do đó việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên đường chín đoạn bao trùm gần như toàn bộ biển Đông là vô cùng phi lý và không một quốc gia nào trong khu vực có thể chấp nhận yêu sách này. Thậm chí trên thế giới cũng chưa từng có tiền lệ đòi hỏi chủ quyền như vậy.

Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, không những Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam đã được Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận, hành động hung hăng chủ động đâm vào tàu chấp pháp Việt Nam của tàu Trung Quốc cũng là hành vi vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bên cạnh đó, các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo an toàn hàng hải trên biển, tàu Trung Quốc chủ động đâm vào tàu nước khác khi những tàu này hoàn toàn không phải tàu chiến cho thấy Trung Quốc đã không tôn trọng nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải quốc tế mà nước này cũng là một thành viên. Hay nói một cách khác, Trung Quốc đã vi phạm quy định an toàn hàng hải về tránh va đập trên biển. Không những thế, hành động lần này của Trung Quốc còn đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 gọi tắt là DOC. Trong Tuyên bố đó, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông và không sử dụng vũ lực.

Luật pháp quốc tế là cơ sở pháp lý để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp quốc tế. Luật biển cũng vậy, đó là cơ sở để phân định lãnh hải thế giới và giải quyết các tranh chấp trên biển. Những hành động đơn phương của bất cứ quốc gia nào vi phạm vào các quy định và thông lệ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải tại các vùng biển. Nghiêm trọng hơn, đây còn là tiền lệ xấu đối với sự uy nghiêm cũng như tính ràng buộc của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà các quốc gia ký kết có nghĩa vụ phải tuân thủ. Vấn đề tại biển Đông hiện nay không còn là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà nó đã trở thành vấn đề của cả khu vực, thậm chí có ảnh hưởng đến toàn thế giới bởi luật pháp quốc tế đang bị xâm phạm. Các quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội trên thế giới cần tỏ rõ lập trường phản đối trước hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định được nêu rõ trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982.

Cao Biền