Lao động khó tiếp cận vốn vay

05/06/2014 17:30

(Baonghean) - Với nhiều lao động ở vùng nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, xuất khẩu lao động là cơ hội giúp họ thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, với lệ phí xuất khẩu lao động từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng (tùy thị trường), việc vay vốn để đi xuất khẩu lao động là điều cần thiết. Thế nhưng hiện nay, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn…

Người dân làm thủ tục vay vốn XKLĐ tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Đô Lương.
Người dân làm thủ tục vay vốn XKLĐ tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Đô Lương.

Sau 2 tháng học ngoại ngữ, học định hướng để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, anh Trần Quốc Việt (SN 1986) ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi hồ sơ xin vay số tiền 30 triệu đồng để thanh toán chi phí xuất khẩu lao động sang Malaysia không được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết. Anh Việt cho biết: “Em từng đi làm thuê ở nhiều nơi, trong Nam ngoài Bắc nhưng số tiền kiếm được hàng tháng không đủ để nuôi vợ con. Vì vậy, em quyết định đi xuất khẩu lao động và thị trường em lựa chọn là Malaysia bởi chi phí thấp, chỉ khoảng 30 triệu đồng. Em đã đăng ký với một công ty xuất khẩu lao động có uy tín và được trải qua một khóa học ngoại ngữ, định hướng với chi phí gần 6 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm các thủ tục để vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp thì ngân hàng lại từ chối cho vay với lý do gia đình em đang có một khoản vay khác chưa thanh toán, nếu muốn vay thì phải có tài sản thế chấp”.

Còn anh Lê Quang Nhật (SN 1994) ở xóm 5, xã Quang Sơn (Đô Lương) cho biết: “Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều người sau khi đi XKLĐ về nước đã có đời sống khấm khá. Vì vậy, em đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình XKLĐ ở thị trường Đài Loan. Thế nhưng, chi phí xuất cảnh, đi lại, làm thủ tục khám sức khỏe, học ngôn ngữ, định hướng… tổng cộng lên đến hơn trăm triệu đồng, trong lúc ngân hàng chỉ cho vay tối đa 30 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên không xoay đủ số tiền còn lại nên em đành phải chuyển hướng sang thị trường Malaysia. Tiền công tại đây không cao so với các nước khác nhưng chi phí thấp hơn nên em đành chấp nhận”.

Được biết, hiện nay lao động có 2 kênh vay vốn để đi xuất khẩu lao động là qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (đối tượng chính sách như con em gia đình thương binh, liệt sỹ, thuộc diện hộ nghèo, bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ…) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (các đối tượng còn lại). Người đứng tên để vay vốn là người nhà lao động (bố, mẹ, vợ, chồng...). Mức vay tối đa không phải thế chấp là 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhật Minh, đơn vị đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước Malaysia, Đài Loan, Trung Đông khẳng định: “Mức cho vay này thấp so với chi phí xuất khẩu lao động hiện nay, bởi người lao động không đủ để chi trả cho việc đi lao động ở các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtrây-li-a, Đài Loan mà chỉ có thể đi các thị trường như Malaysia, Trung Đông… Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100 lao động đến công ty đăng ký xuất khẩu lao động, trong số đó có không ít người đăng ký đi Đài Loan là thị trường có thu nhập cao nhất trong các thị trường mà chúng tôi liên hệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có gần 50 người xuất cảnh, trong đó có 24 người đi Malaysia là thị trường có chi phí thấp nhất nhưng thu nhập cũng thấp nhất, còn lại là thị trường các nước Trung Đông. Còn với thị trường Đài Loan, nhiều người đành phải gác lại nguyện vọng bởi không thể vay để trang trải các khoản chi phí, bao gồm phí xuất cảnh, phí học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khoẻ...”.

Bà Nguyễn Thị Quý – Giám đốc công ty cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh cho biết: “Hầu hết người lao động đến công ty chúng tôi đăng ký xuất khẩu chủ yếu là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ… gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, hiện người lao động chỉ mới được hỗ trợ vay vốn tối đa là 30 triệu đồng nên chỉ mới đủ kinh phí đi xuất khẩu ở thị trường Malaysia, chứ chưa thể thâm nhập được những thị trường có mức thu nhập cao. Đối với thị trường Đài Loan - một trong những thị trường được nhiều lao động quan tâm do mức thu nhập và công việc tương đối ổn định, thế nhưng khó có gia đình nào có khả năng lo cho người nhà đi, nếu không có sự hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng khi mức chi phí lên trên 100 triệu đồng. Ngay cả khoản vay 30 triệu không cần thế chấp vẫn còn khó khăn, bởi dù theo quy định, hồ sơ vay vốn cần có: Hợp đồng ký giữa công ty và người lao động, bản cam kết trả nợ vốn vay, giấy xác nhận tuyển dụng, nhưng thực tế các ngân hàng đưa ra hết lý do này đến lý do khác từ chối cho vay, trong đó lý do được đưa ra nhiều nhất là các gia đình còn có các khoản vay khác chưa thanh toán (kể cả vay từ ngân hàng khác).

Được biết, để hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, hiện nay ngân hàng NN&PTNT đã thực hiện ký kết với các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động hợp đồng trách nhiệm phối hợp thực hiện cho vay đối với lao động đi xuất khẩu lao động. Theo đó, doanh nghiệp phải ký quỹ bảo lãnh tối thiểu bằng 5% số tiền người đi xuất khẩu lao động được vay, trong trường hợp nợ quá hạn, ngân hàng được phép trích tài khoản tiền gửi ký quỹ bảo lãnh của công ty để thu hồi nợ gốc. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp và người lao động, lao động có nhu cầu xuất khẩu vẫn khó tiếp cận vốn vay, bởi các ngân hàng, dù luôn nói rằng ưu tiên cho xuất khẩu lao động nhưng thực tế lại đặt ra nhiều yêu cầu khiến lao động không thể đáp ứng được.

Trong khi tìm kiếm việc làm trong nước vẫn còn khó khăn đối với nhiều lao động nông thôn thì chủ trương XKLĐ vẫn là một trong những giải pháp được đưa ra trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội những năm tiếp theo. Vì vậy, hệ thống Ngân hàng Chính sách - Xã hội, NN&PTNN cần tạo điều kiện cho lao động xuất khẩu vay theo như Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Các ngân hàng không nên ấn định một mức vay cứng nhắc là 20, hay 30 triệu đồng mà nên linh động bằng cách cho vay theo tỷ lệ chi phí của từng thị trường nhằm giúp người lao động có việc làm ổn định và góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương.

Minh Quân