Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 28

15/05/2014 20:09

Trong phiên họp sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014.

Ngày làm việc đầu tiên phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VOV
Ngày làm việc đầu tiên phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VOV

Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2013 cả nước đã đạt và vượt 10 chỉ tiêu kinh tế, xã hội; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt theo Nghị quyết của Quốc hội; 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP và tỷ lệ giảm nghèo trung bình của cả nước).

Trong 4 tháng đầu năm 2014, kinh tế, xã hội có sự phục hồi rõ nét, lạm phát được kiềm chế, thu ngân sách đạt khá, vốn đầu tư nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước, tiến độ giải ngân vốn ODA đạt khá. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; dịch bệnh ở trẻ em, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp... Bên cạnh đó, các hoạt động vi phạm chủ quyền nước ta ở Biển Đông, các thế lực thù địch gây nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thêm những kết quả mới nhất về kinh tế, xã hội có một số lĩnh vực đạt kết quả tích cực hơn so với nội dung báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2013 nước ta đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng GDP của năm 2012, đưa quy mô kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.900 USD.

Cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về điều hành kinh tế, xã hội năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đã có những thay đổi tích cực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa vững chắc; tổng cầu nội địa còn yếu; doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng cao hơn so với trước.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, khả thi hơn về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vấn đề bức xúc về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung vào Báo cáo, nhất là tác động của vụ việc tới nền kinh tế đất nước; các dự báo và giải pháp giải quyết những khó khăn về kinh tế, xã hội.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ các quyền theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982; thông báo kịp thời đến các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sẽ sớm tổng hợp và bổ sung vào báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Chiều 15/5, trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012”.

Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2010-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% (2006) xuống 28,8% (2010); tại 62 huyện nghèo đã giảm từ 58,33% (2010) xuống 43,89% (2012). Bình quân, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%.

Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra những hạn chế đó là tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Tỉ lệ nghèo cao trong khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 50% trong tỷ lệ nghèo chung cả nước). Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh đây là những khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới.

Đóng góp ý kiến với báo cáo của Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đa phần đều đồng tình với những nội dung được đề cập trong báo cáo, khẳng định các chính sách pháp luật về giảm nghèo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và tạo được sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Tuy nhiên để kết quả giảm nghèo bền vững, ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cơ bản phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh phát triển giáo dục để nâng cao nguồn nhân lực và dân trí; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những khu vực này với thứ tự ưu tiên là giải quyết việc làm cho người lao động rồi sau mới đến nguồn thu cho địa phương. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ gắn với giao đất, giao rừng cho người dân. Gắn kết phát triển kinh tế miền núi nông thôn với nông nghiệp xanh, sạch. Vấn đề này cần phải triển khai ngay bởi tài nguyên rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý đề nghị báo cáo của Chính phủ cần có thêm nhận định, phân tích tính chất bền vững của công tác giảm nghèo ở mức độ nào, liên quan đến sự tăng trưởng và đầu tư ra sao, có tỷ lệ thuận giữa tăng trưởng và giảm nghèo hay không. Bên cạnh đó cần rà soát hiệu quả của các chính sách liên quan đến giảm nghèo, các chính sách ấy có thực sự tạo ra động lực giảm nghèo cho người dân hay không, có khuyến khích người dân phấn đấu thoát nghèo hay không?

Ông Phan Trung Lý cũng kiến nghị Thường vụ Quốc hội xem xét có nên ra Luật về giảm nghèo bền vững hay không bởi chúng ta có quá nhiều thông tư, chính sách liên quan đến giảm nghèo, không thể tản mạn mà nên tập trung vào thành một Nghị định, hay Luật. Ông Lý cũng cho rằng báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đầy đủ, chi tiết; nhiều ý kiến giám sát sắc sảo, chặt chẽ, nên chăng lựa chọn các nội dung giám sát ấy để đưa vào luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cũng kiến nghị phải xem xét lại các chính sách về giảm nghèo, xem xét các chính sách đã chạm được vào cuộc sống hay vẫn chỉ mang tính nửa vời. Mặt khác việc rà soát các chính sách để cắt bỏ những yếu tố trung gian làm giảm các nguồn lực trực tiếp đến với người nghèo.

Theo chinhphu.vn/vov