Khủng bố ở Tân Cương: "Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm"

25/05/2014 18:18

(Baonghean) - Một kẻ tình nghi đã bị bắt và giam giữ tại tỉnh Bayingolin, phía Nam Urumqi nơi xảy ra vụ tấn công vào một khu chợ, khiến 39 người chết và hơn 90 người bị thương vào thứ 5 vừa qua. Được biết, 4 nghi phạm khác đã chết trong vụ tấn công, tất cả được xác định là người dân tộc Tân Cương.

Sau vụ tấn công vào quảng trường Thiên An Môn, vụ chém giết và đánh bom tại nhà ga ở Urumqi và Côn Minh hồi tháng 3 và 4 năm nay, vụ tấn công mới nhất này được chính quyền Trung Quốc cho là thuộc chuỗi tấn công khủng bố tổ chức bởi các phần tử ly khai của vùng tự trị Tân Cương. Với mức độ nghiêm trọng và bạo lực ngày càng tăng lên, có thể thấy mâu thuẫn giữa dân tộc thiểu số Tân Cương và chính quyền Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch 1 năm chống khủng bố. BBC đã có bài phân tích bình luận về mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa vùng tự trị Tân Cương và chính quyền Trung Quốc:

Tân Cương nằm ở cực Tây của Trung Quốc, giáp biên với 8 quốc gia: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Trước khi người Hán nhập cư vào Tân Cương thì phần lớn dân cư nơi đây thuộc tộc người Uighurs. Tôn giáo chính của họ là đạo Hồi, ngôn ngữ chính bắt nguồn từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, người Uighurs tự nhận định mình có mối liên hệ mật thiết về văn hoá và sắc tộc với các quốc gia Trung Á. Kinh tế của họ phát triển chủ yếu nhờ nông nghiệp vào trao đổi hàng hoá thông qua con đường tơ lụa nổi tiếng. Cho đến những năm 2000 thì 40% dân số Tân Cương đã là người Hán, trong đó có không ít là quân đội Trung Quốc đóng trong vùng và một con số không xác định người nhập cư không đăng ký lưu trú.

Tân Cương có một lịch sử tự trị liên tục nhưng điều mà người ta được biết ngày nay là vùng đất này thuộc quyền cai trị của Trung Quốc kể từ thế kỉ 18. Năm 1949, nhà nước Đông Turkestan tuyên bố nắm quyền Tân Cương độc lập nhưng nhanh chóng bị xoá sổ. Cũng trong năm này, Tân Cương chính thức trở thành một phần lãnh thổ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Trong thập niên 90, sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết và tuyên bố độc lập của nhiều nhà nước Hồi giáo ở Trung Á, các nhóm ly khai Tân Cương nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng đều bị chính quyền đàn áp và đi vào hoạt động ngầm.

Như vậy, mâu thuẫn giữa Tân Cương và chính quyền Trung Quốc bắt nguồn từ lịch sử lâu dài nhưng có vẻ như những phát triển gần đây mới là tác nhân đẩy mâu thuẫn kinh tế và văn hoá giữa người Tân Cương và người Hán lên đến đỉnh điểm. Trong vài thập niên trở lại đây, những dự án năng lượng và công nghiệp đã đem lại sự phồn thịnh cho nhiều thành phố lớn ở Tân Cương. Đây là yếu tố thu hút nhân lực có trình độ cao từ nơi khác về làm việc. Người bản địa lấy đó làm bất mãn khi cho rằng có sự phân biệt đối xử giữa họ và người Hán. Cùng với đó là việc tôn giáo, văn hoá và kinh tế của người bản địa dần bị đồng hoá, theo như lời lên án của các nhóm hoạt động ly khai.

Đáp lại, Trung Quốc chọn biện pháp tăng cường đàn áp vũ lực, điều động quân đội trấn áp Tân Cương, đặc biệt là sau những cuộc biểu tình trên đường phố vào thập niên 90. Năm 2008, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, một lần nữa gọng kìm lại được siết chặt. Nhưng chỉ đến năm 2009 mâu thuẫn mới thực sự leo thang khi hàng loạt vụ bạo động xảy ra ở thủ phủ Tân Cương, Urumqi. Theo báo cáo của các cơ quan chính quyền, khoảng 200 người thiệt mạng, phần lớn là người Hán. Tháng 6 năm 2012, 6 người Uighurs đánh cắp một chiếc máy bay nhưng thất bại do sự phản kháng của hành khách và phi hành đoàn. Đổ máu vào tháng 4 và tháng 6 năm 2013 khi quân đội nổ súng vào một đám đông được các phương tiện truyền thông quốc gia mô tả là trang bị dao và tấn công vào các toà nhà chính phủ.

Thứ 6, quân đội được tăng cường tại Urumqi, bắt đầu chiến dịch chống khủng bố.
Thứ 6, quân đội được tăng cường tại Urumqi, bắt đầu chiến dịch chống khủng bố.

Như vậy, so sánh các vụ tấn công trên với chuỗi các sự kiện vừa xảy ra trong vòng hơn nửa năm trở lại đây, có thể thấy bản chất của các vụ tấn công đã có thay đổi lớn. Mục tiêu chuyển từ chính quyền sang dân thường và có xu hướng mở rộng ra ngoài phạm vi Tân Cương (vụ tấn công vào Thiên An Môn ở Bắc Kinh và nhà ga Côn Minh ở Vân Nam). Chính quyền Trung Quốc cho rằng tổ chức ly khai phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đứng sau những hoạt động khủng bố kể trên, đồng thời tung tin rằng ETIM có ý định lập nên nhà nước Đông Turkestan ở Tân Cương. Năm 2006, Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng ETIM là "tổ chức ly khai vũ trang lớn nhất trong số các tổ chức ly khai Uighur". Tuy nhiên vấn đề là ETIM chưa từng đứng ra thừa nhận đứng sau các vụ tấn công, cũng như tiềm lực của tổ chức này vẫn còn là ẩn số, gây hoài nghi về khả năng tổ chức các vụ tấn công cực đoan nghiêm trọng kể trên.

Có thể thấy Trung Quốc đang đối diện với không ít vấn đề căng thẳng trong và ngoài nước. Là sự trùng hợp tình cờ hay là sự tranh thủ thời cơ của các nhóm ly khai, khi mà Trung Quốc đang mải tranh chấp với các quốc gia láng giềng? Dù gì đi nữa thì có lẽ Trung Quốc cũng nên xem xét xem nên tập trung giải quyết cái nào, chứ đừng đi chọc ngoáy nồi cơm nhà người trong khi ở nhà mình thì "vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm"!

Nấm Linh Chi