Chuyến thăm Cuba lịch sử của Ngoại trưởng Pháp

14/04/2014 14:11

Khai thông về chính trị được kỳ vọng sẽ mở ra hợp tác mạnh mẽ về kinh tế giữa Cuba và Pháp cũng như EU.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã có chuyến thăm lịch sử tới Cuba. Chuyến thăm Cuba của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đánh dấu việc quan chức cấp cao Pháp lần đầu tiên tới thăm quốc đảo ở Mỹ Latin sau 31 năm.

Ngoại trưởng Pháp Fabius và Ngoại trưởng Cuba Parilla (ảnh: VOA)
Ngoại trưởng Pháp Fabius và Ngoại trưởng Cuba Parilla (ảnh: VOA)

Chuyến thăm diễn ra sau khi Cuba và Liên minh châu Âu đồng ý khởi động các cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ giữa hai bên. Ngoại trưởng Pháp không đặt mục tiêu ký kết văn kiện làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác sau này song nó là dấu hiệu cho thấy, không chỉ Pháp mà cả Liên minh châu Âu đang sẵn sàng cho những bước đi cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện quan hệ với Cuba.

Động cơ của Pháp

Trước hết, phải đặt chuyến thăm này của Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius đến Cuba trong bối cảnh là quan hệ giữa Cuba với Liên minh châu Âu (EU) đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Hai bên bắt đầu xúc tiến các cuộc trao đổi hợp tác từ đầu năm nay.

Về phần mình, tất nhiên nước Pháp cũng có những tính toán riêng cho chuyến đi này. Ông Fabius đã phát biểu tại Cuba rằng nước Pháp ghi nhận những “thay đổi ngoạn mục của Cuba trong việc thực hiện những cải cách về kinh tế và xã hội” và ông nói rằng Cuba là một “người bạn” của nước Pháp và giữa những người bạn thì dù còn tồn tại nhiều bất đồng, hai bên vẫn có thể nói hết được với nhau.

Thực ra, bên cạnh ý nghĩa chính trị, như việc là một Bộ trưởng Pháp đầu tiên đến thăm Cuba từ 31 năm qua, chuyến đi của ông Fabius cũng có mục đích rất lớn là hợp tác kinh tế. Chúng ta đều biết rằng sau cuộc cải tổ nội các vừa qua ở Pháp thì ông Fabius giờ đây không chỉ đảm trách Bộ Ngoại giao mà còn phụ trách cả lĩnh vực Ngoại thương của Pháp. Bản thân ông Fabius nhiều lần tuyên bố rằng ngoại giao kinh tế sẽ là một ưu tiên lớn của ông trong thời gian tới. Vì thế, đây cũng có thể coi là chuyến đi của ông Fabius trên cả cương vị phụ trách Ngoại thương của Pháp.

Pháp muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Cuba. Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, hiện đã có khoảng 60 công ty Pháp đang làm ăn tại Cuba và trước viễn cảnh cải cách ở Cuba, các nhà đầu tư Pháp đang mong chờ cơ hội đầu tư vào Cuba. Các doanh nghiệp Pháp đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng đặc khu kinh tế của Cuba ở khu vực cảng nước sâu Mariel, thế nên chuyến đi này của ông Fabius được coi là để đón đầu cơ hội đó. Ngoài ra, còn phải kể đến tổng thể chiến lược ngoại giao kinh tế của Pháp ở khu vực châu Mỹ Latin và Caribbean. Trước khi đến Cuba thì ông Fabius đã tháp tùng Tổng thống Pháp thăm Mexico để ký “đối tác chiến lược” và 41 hợp đồng kinh tế. Pháp đang rất chú trọng đến quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực này, trong đó có Cuba.

Tiến tới bình thường hóa quan hệ đôi bên

Diễn ra trong bối cảnh sau khi Liên minh châu Âu phát đi tín hiệu muốn thúc đẩy hợp tác với Cuba và được Cuba đáp trả lại vào hồi tháng 3 vừa qua, chuyến thăm Cuba lần này của Ngoại trưởng Pháp có thể là sự khởi động quá trình đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Cuba nhằm tiến tới việc bình thường hoá quan hệ giữa hai bên.

Đây là điều mà cả hai bên đang trông đợi. Trong chuyến đi đến Cuba, Ngoại trưởng Pháp có tuyên bố rằng “Cuba không có vấn đề gì không thể hòa giải với Pháp”. Pháp là cường quốc quan trọng hàng đầu ở châu Âu nên quan điểm này của Pháp cũng được xem như là một phần quan điểm của châu Âu.

Ông Fabius có tuyên bố ông hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Latin và Caribean (CELAC) trong đó đa số các nước ủng hộ Cuba và yêu cầu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận. Trên thực tế thì quan hệ giữa Cuba và EU đã bắt đầu được khởi động từ năm 2008 với các cuộc đối thoại trên nhiều lĩnh vực.

Đến tháng 3/2014 vừa qua, Cuba đã đồng ý với đề nghị của EU về việc tiến hành những thảo luận về một hiệp định chính trị song phương mới. Nếu các thảo luận này tiến triển thì dự tính đến năm 2015, hai bên có thể chuyển sang thảo luận về các hiệp định thương mại, đầu tư. Chính vì thế, chuyến đi này của Ngoại trưởng Pháp được xem như là một bước đi mới để đặt thêm các nền tảng cho các thảo luận sau này.

Ý định của châu Âu, thông qua Pháp, là trước khi tiến hành các thảo luận chính trị, hai bên có thể hợp tác được với nhau để hiểu hơn về nhau qua các dự án chung như triển khai các hoạt động y tế nhân đạo ở châu Phi, một lĩnh vực mà Cuba có thế mạnh. Hai bên đều có lợi nếu quan hệ được cải thiện. Cuba thì cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Hiện đầu tư nước ngoài ở Cuba chỉ chiếm khoảng 8% GDP nước này trong khi theo tính toán, nếu muốn đạt con số tăng trưởng 6-8%/năm thì Cuba cần có tỷ lệ đầu tư nước ngoài ở mức 25-30% GDP. Ngược lại, các doanh nghiệp EU cũng mong chờ cơ hội đầu tư vào một thị trường hầu như hoàn toàn mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng về du lịch, vận tải biển và y tế như Cuba.

Chuyến đi thăm dò

Báo chí phương Tây nêu rõ, trong chuyến thăm này, Pháp và Cuba không có ý định ký kết một thoả thuận nào. Chuyến đi này của ông Laurent Fabius là một chuyến đi mang ý nghĩa chính trị. Nó đặt dấu chấm hết cho sự xa cách ngoại giao giữa hai bên suốt nhiều năm qua và đặt các nền tảng cho các đối thoại sau này.

Giữa Cuba và EU vẫn còn rất nhiều khác biệt, nhất là về chính trị, vì thế không thể đòi hỏi các hợp tác kinh tế lập tức đến khi mà các khúc mắc chính trị giữa hai bên chưa được giải tỏa. Hai bên đã đặt ra một lộ trình cụ thể và chuyến đi này của ông Fabius là để thúc đẩy lộ trình đó đi đúng hướng và đi nhanh hơn.

Một khi đối thoại chính trị mang lại kết quả thì chắc chắn sẽ có hợp tác kinh tế. Như Pháp hiện tại có kim ngạch ngoại thương với Cuba là 280 triệu euro, nếu quan hệ tiến triển, con số sẽ gấp nhiều lần như thế. Pháp và nhiều nước châu Âu, chẳng hạn Tây Ban Nha, có rất nhiều quan tâm đến hợp tác kinh tế với Cuba nhưng các hợp tác này còn phải được khai thông về mặt chính trị, ở đây là lộ trình cải cách của Cuba cũng như các cam kết mà hai bên đặt ra cho nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không nhắc đến vai trò của nước Mỹ trong tiến trình này. Mỹ vẫn đang cấm vận Cuba nên EU có muốn làm gì với Cuba, một nước nhỏ nằm ngay sát nước Mỹ, cũng sẽ phải thận trọng và thăm dò thái độ của Mỹ, đồng minh hùng mạnh và quan trọng nhất của họ./.

Theo VOV