Phát huy vai trò của hòa giải cơ sở

20/05/2014 14:56

(Baonghean) - Hoạt động hòa giải cơ sở góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn tồn tại ở từng gia đình, ngõ xóm, thôn bản… Đặc biệt, từ ngày 1/1/2014, Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động này.

Tham gia buổi hòa giải cùng Hội Phụ nữ xã Thạch Ngàn (Con Cuông) tại bản Kẻ Gia mới thấy được sự dày công của những người được coi là “vác tù và hàng tổng”. Được biết, trước khi tiến hành buổi hòa giải, các thành viên trong tổ đã phải mất hàng tuần để nắm bắt nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình vợ chồng anh K là do anh hay uống rượu. Còn ngay tại buổi hòa giải, các thành viên bằng kinh nghiệm sống của mình để phân tích, khuyên bảo anh K rằng “uống rượu không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, thất thoát về kinh tế, mà còn không làm chủ được bản thân, có những lời lẽ, hành động xúc phạm vợ con”; “uống rượu nhiều sớm muộn cũng dẫn đến phát sinh bệnh tật, lúc đó không những anh khổ, mà vợ con của anh còn mất chỗ dựa, cuộc sống gia đình sẽ như thế nào?...”.

Sau 2 tiếng đồng hồ, những lời lẽ phân tích thấu tình đạt lý của các thành viên trong tổ đã khiến anh K thấu hiểu. Anh xúc động, nói: “Vì hay uống rượu nên tôi thường gây gổ với vợ con, có những lúc vì không làm chủ được hành vi của mình nên đã đánh vợ đến mức phải nhập viện, nhiều lúc vợ phải bỏ đi... Giờ được tổ hòa giải phân tích, tôi đã nhận ra tác hại của rượu, tôi thật sự ân hận. Vì vậy, tôi xin hứa từ nay bỏ rượu, tu chí làm ăn để vợ con đỡ khổ...”.

Tổ hòa giải thôn Lam Khê, xã Chi Khê (Con Cuông) tìm hiểu thực tế tại địa bàn.
Tổ hòa giải thôn Lam Khê, xã Chi Khê (Con Cuông) tìm hiểu thực tế tại địa bàn.

Phấn khởi bởi mâu thuẫn lâu nay tại gia đình anh K được hòa giải thành công, chị Hà Thị Phan, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Ngàn cho biết: Là một trong những điểm nóng của huyện Con Cuông về bạo lực gia đình. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền để chị em biết cách phòng tránh hành vi bạo lực, Hội Phụ nữ thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức hoạt động hòa giải. Bằng hình thức này, nhiều hành vi bạo lực đã được lên án, nhiều gia đình đã tìm lại được sự yên ấm, hơn hết là cuộc sống của chị em đã bớt đi gánh nặng. Ngoài ra, cũng bằng hình thức hòa giải, nhiều vấn đề phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân cũng được giải quyết kịp thời, nhờ đó tình làng, nghĩa xóm được giữ vững.

Gắn với hoạt động hòa giải, từ năm 2009 đến nay ở làng Trống, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) còn kết hợp xây dựng mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em”. Bà Trương Thị Mai, một người dân sống tại địa bàn, cho rằng: Việc kết hợp hòa giải với hoạt động giúp nhau xóa đói giảm nghèo làm cho kết quả hòa giải thêm bền vững. Bởi nhiều gia đình mâu thuẫn xuất phát từ chỗ thiếu thốn do không có việc làm, thu nhập không ổn định. Sau khi được hòa giải, được hỗ trợ phát triển kinh tế, gia đình không những hòa thuận, mà còn yên tâm sản xuất.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.829 tổ hòa giải (trên tổng số 5.370 khối, thôn, xóm, bản), với 37.171 hòa giải viên. Trong đó, 1.499 hòa giải viên có trình độ đại học, 722 hòa giải viên có trình độ cao đẳng, 18.149 hòa giải viên có trình độ trung học... Tổ chức của các tổ hòa giải về cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: bí thư chi bộ, xóm trưởng, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các thành viên khác của Mặt trận cùng một số tổ liên gia là già làng, chức sắc tôn giáo, những người có kinh nghiệm, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Bằng sự hiểu biết pháp luật, lòng nhiệt tình, sự tận tâm, tận lực của các hòa giải viên, công tác hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả. Nhiều vụ việc đơn thư, tranh chấp kéo dài được các tổ hòa giải cơ sở vận động, phân tích thấu tình đạt lý nên đã không xảy ra mâu thuẫn phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các tổ hòa giải tiếp nhận 7.689 vụ việc thì đã tổ chức hòa giải thành công 5.827 vụ việc, chiếm trên 75,78%.

Theo đánh giá của ông Dương Hữu Dung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Công tác hòa giải những năm qua đã góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Người dân đã tự giải quyết được những mâu thuẫn của mình bằng con đường thương lượng, thỏa thuận vừa thấu tình đạt lý mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền. Công tác hòa giải còn có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ gìn trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển, củng cố tình đoàn kết trong nhân dân.

Bài, ảnh: Quảng An

Tại Điều 9, Chương II, Luật Hòa giải ở cơ sở có quy định hòa giải viên được hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, UBND cấp huyện, xã cần quan tâm, chủ động bố trí kinh phí, cơ sở vật chất hợp lý, ổn định công tác hòa giải theo đúng tinh thần của Luật Hòa giải ở cơ sở và các quy định hiện hành. Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ thêm kinh phí động viên các tổ hòa giải ở cơ sở, có khen thưởng hợp lý đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để công tác hòa giải phát huy hết vai trò trong việc giữ gìn và tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân, góp phần xây dựng an ninh trật tự tại mỗi địa phương.