Xây dựng thương hiệu: Vẫn thiếu và yếu
(Baonghean) - Là tỉnh có nhiều lợi thế về các sản phẩm công nghiệp nông thôn nhưng do việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm ra thị trường còn hạn chế nên giá trị sản xuất của các làng nghề, doanh nghiệp nông thôn còn thấp. Năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến công là sẽ tập trung hỗ trợ cho các làng nghề, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Thương hiệu sản phẩm là yếu tố quan trọng trọng việc chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị hàng hóa. Tuy có vai trò quan trọng nhưng trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm còn chưa được chú trọng. Toàn tỉnh có 126 làng nghề nhưng đến nay số làng nghề xây dựng được thương hiệu chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy chú trọng xây dựng thương hiệu nhưng chưa có chiến lược quảng bá nên sản phẩm chưa đến được với người tiêu dùng. Trong lúc đó, có hàng chục làng nghề khác đang tạo ra giá trị sản xuất lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn người dân thì chưa có được một thương hiệu và đang bị chìm nổi theo thị trường.
Nhiều sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu qua khâu trung gian nên không ít sản phẩm làng nghề xứ Nghệ khi ra thị trường phải mang một thương hiệu khác. Lúc này giá trị sản phẩm đã cao hơn gấp khoảng 3 - 4 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng không hề biết đó là những sản phẩm được làm từ các làng nghề Nghệ An. Từ năm 1995 đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh có khoảng 371 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu nhưng số lượng các sản phẩm của làng nghề, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp.
Sản xuất sản phẩm mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong. |
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề là thiếu vốn, thiếu công nghệ và sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan chuyên môn. Như làng nghề rượu Phúc Mỹ tại xã Hưng Châu (Hưng Nguyên). Phúc Mỹ là một trong những làng có nghề nấu rượu truyền thống từ bao đời nay, thời điểm hưng thịnh cả làng có tới 250 hộ tham gia nấu rượu, theo thời gian giảm xuống 120 hộ và nay duy trì 100 hộ chuyên nấu rượu nếp cổ truyền. Rượu Phúc Mỹ uống êm, có mùi thơm đặc trưng của nếp Hưng Châu nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, điều mà các hộ trong làng nghề Phúc Mỹ trăn trở nhất hiện nay là thương hiệu rượu Phúc Mỹ vẫn chưa có trên thị trường, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhiều gia đình trong làng nghề vẫn phải mượn thương hiệu rượu của các làng nghề khác để bán.
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Châu, cho biết: Rượu làng Phúc Mỹ ngon nhưng trên thị trường vẫn chưa nhiều người biết, người ta mới biết đến rượu Nghi Phú, Nghi Ân là chủ yếu. Làm thế nào để khẳng định thương hiệu rượu nếp Phúc Mỹ là vấn đề được chính quyền, người dân trăn trở nhưng qua bao năm vẫn chưa thực hiện được. Xã đã tiến hành tham quan học hỏi các làng nghề nấu rượu đã có thương hiệu như rượu Làng Vân – Bắc Giang để học tập quy trình sản xuất rượu theo hướng công nghiệp nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hương vị của sản phẩm và đang từng bước để xây dựng được thương hiệu rượu nếp Phúc Mỹ.
Trong những năm qua, việc hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đã được nhiều cơ quan chức năng thực hiện. Từ năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá ở Nghệ An. Theo đó, sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng cho việc đăng ký nhãn hiệu/kiểu dáng trong nước và 10 triệu đồng ở nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Khuyến công đã xây dựng 111 đề án với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia hội chợ triển lãm, phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu. Tập trung ở một số sản phẩm có lợi thế của tỉnh như chè, dệt may, mây tre đan, nước mắm, dệt thổ cẩm... Tổ chức thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và qua đó phát hiên, tôn vinh các cơ sở sản xuất, các sản phẩm này ra thị trường.
Như Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, giai đoạn 2002 - 2010, công ty đã tham gia nhiều gian hàng ở hầu hết các kỳ hội chợ, triển lãm tại Thành phố Vinh, Diễn Châu và một số hội chợ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường đã giúp cho sản phẩm của công ty có mặt trên hầu hết các thị trường trong nước và cũng đang được thị trường Lào rất ưa chuộng. Năm 2012, công ty đã xuất khẩu được 1.800 lít nước mắm sang thị trường Malaysia. Nước mắm Vạn Phần nay đã là một thương hiệu, đó cũng nhờ quỹ khuyến công đã hỗ trợ quảng bá.
Cũng là một doanh nghiệp được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH Đức Phong đã xây dựng cho mình được một thương hiệu vững mạnh và càng ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà còn cả ở châu Âu. Tháng 3 vừa qua, công ty đã được hỗ trợ 92 triệu đồng để tham gia hội chợ thương mại tại Đức. Sau khi trở về, ông Thái Đại Phong, Gám đốc công ty cho biết: Châu Âu là một trong số những thị trường lớn nhất của thế giới, với dân số hơn 450 triệu người. Đức nằm ở vị trí cửa ngõ, giúp kết nối với các thị trường quan trọng khác trong khối, cũng như ngoài khu vực châu Âu. Vì vậy, đây được đánh giá là thị trường rất hấp dẫn và đầy tiềm năng. Tại hội chợ, sản phẩm mây tre đan của công ty được đánh giá rất cao về mẫu mã, chất lượng và đã có nhiều đề nghị được tìm hiểu nhiều hơn với mong muốn hợp tác. Việc phát triển thiết kế sản phẩm mới của Đức Phong được tiếp cận từ nhiều kênh như: Tham gia các hội chợ quốc tế, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm thiết kế chuyên nghiệp của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam... nhằm tìm ra mẫu mã phù hợp với đặc điểm sản phẩm của doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Hiện nay, trong tình hình kinh tế chung thì nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương và tỉnh còn rất hạn chế. Năm 2014, nguồn vốn tỉnh cấp cho hoạt động khuyến công trên 4 tỷ đồng, cộng thêm hơn 500 triệu đồng từ kinh phí khuyến công Trung ương. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Những năm trước, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên nội dung phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình sản xuất chỉ chiếm 10% tổng kinh phí khuyến công nên hiệu quả mang lại chưa cao. Trước đòi hỏi của thị trường, trung tâm sẽ nâng kinh phí cho nội dung này và giảm bớt nội dung đào tạo nghề. Trước mắt, xây dựng đề án và chờ phê duyệt và tiến tới sẽ hỗ trợ một cách tích cực để các doanh nghiệp, làng nghề sớm tiếp cận được nguồn hỗ trợ này.
Bài, ảnh: Phạm Bằng