Nhùng nhằng chuyện ụ nổi hay tàu biển?

22/04/2014 19:55

14h ngày 22/4, TAND Tối cao tiếp tục phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng phạm, về các hành vi tham ô và cố ý làm trái.

Bị cáo Dương Chí Dũng bị đưa từ xe thùng vào phòng xét xử.
Bị cáo Dương Chí Dũng bị đưa từ xe thùng vào phòng xét xử.

TIN LIÊN QUAN

Bước đầu, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc khai chỉ nhận rượu ngoại và phong bì tết từ bị cáo Trần Hải Sơn, không nhận tiền tỷ như cáo trạng quy kết.

Trong phiên toà xét xử chiều nay, Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines). Ở phiên sơ thẩm, ông Chiều bị TAND TP Hà Nội 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.

Bị cáo Trần Hữu Chiều khai nhận có tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M, và đoàn công tác không phân công ai là trưởng đoàn. Khi được thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều khẳng định việc mua ụ nổi 83M của Nga là dựa trên cơ sở nội dung đã đã báo cáo Tổng giám đốc (Mai Văn Phúc - PV). Đồng thời, nguyên Phó TGĐ Vinalines khẳng định không có sự trao đổi riêng với Lê Văn Dương, SN 1970, cựu đăng kiểm viên để làm báo cáo.

Khi được thẩm vấn, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng, có nhiều lúc ông ta ký kết văn bản nhưng... không đọc, do tin tưởng cấp dưới. Tuy nhiên, ông Mai Văn Phúc cũng thừa nhận, những sai phạm ở Vinalines có phần trách nhiệm của mình.

Bị cáo Mai Văn Phúc vẫn khẳng định việc "ăn chia" là không có. Họ ăn chia xong rồi thì bị cáo mới về nhận chức.

Dẫn giải bị cáo Mai Văn Phúc đến tòa
Dẫn giải bị cáo Mai Văn Phúc đến tòa

Tại phiên toà, bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định không hề bị bất cứ tác động nào đến các lời khai trong quá trình điều tra.

Đến phần thẩm vấn bị cáo Mai Văn Khang, cựu Phó TGĐ Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương. Trả lời câu hỏi của chủ tọa "Bị cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ?", ông Khanh ấp úng: "Nếu HĐXX xét thấy bị cáo không có tội thì minh oan cho bị cáo, nhưng nếu thấy có tội thì xin giảm nhẹ hình phạt ạ".

Trong phần thẩm vấn các đăng kiểm viên về ụ nổi 83M, bị cáo Lê Văn Dương (cựu cán bộ Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, thời điểm Vinalines mua ụ nổi, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn về đăng kiểm ụ nổi. Do vậy, bị cáo phải tham khảo các văn bản liên quan. "Theo nhận thức của bị cáo, ụ nổi không phải tàu biển" - bị cáo Dương khai trước Hội đồng xét xử.

Hội đồng xét xử đã yêu cầu dẫn giải ba bị cáo bị cách ly sáng nay (Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng) ra trước vành móng ngựa để thẩm vấn; yêu cầu chuyển các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hải Sơn sang phòng bên cạnh để đảm bảo công tác xét xử.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) xác nhận bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội cố ý làm trái là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, Đức cũng phân giải lại việc đến giờ mới nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển.

Việc áp mã số ụ nổi, bị cáo Huỳnh Hữu Đức khẳng định đây là loại hàng hóa thông thường, không cần giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành cũng như giấy chứng nhận đảm bảo ô nhiễm môi trường. Vậy nên bị cáo và các đồng phạm đã cho phép thông quan. Về quy định tuổi thọ của tàu biển, ụ nổi, tòa cho rằng làm hải quan, các bị cáo buộc phải biết điều này...

Bị cáo Trần Hữu Chiều trả lời Hội đồng xét xử.
Bị cáo Trần Hữu Chiều trả lời Hội đồng xét xử.

Bị cáo Đức lập luận, nếu bản thân có động cơ, mục đích thì đã có việc tư lợi, nhận tiền chứ không thể cố sức để một món hàng như ụ nổi 83M được thông quan. Theo bị cáo, chỉ vì nhận thức chưa chuẩn nên dẫn đến sai sót. Bị cáo cho rằng tòa sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 9 tỷ đồng trong số thiệt hại do thương vụ ụ nổi gây ra là quá nặng nề cho bị cáo vì khâu thông quan là khâu cuối cùng, dù gì ụ nổi cũng đã về đến Việt Nam, đã mua rồi.

Đến lượt mình, bị cáo Lê Văn Lừng (cựu cán bộ hải quan Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa), cấp dưới của ông Đức, cho rằng đến phiên phúc thẩm bị cáo mới nhận ra những sai phạm của mình...

Nói về lý do xin giảm án, bị cáo Lừng trình bày hoàn cảnh, với 8 năm tù là quá nặng với bị cáo này. "Vợ bị cáo đang ung thư giai đoạn cuối, bố mẹ già, bị cáo lại nhiều năm công tác trong ngành quân đội, 6 năm bảo vệ quần đảo Trường Sa... mong quý Tòa xem xét giảm nhẹ mức án".

Về khoản bồi thường dân sự 9 tỷ đồng, bị cáo Lừng cho rằng, đó là khoản tiền quá lớn, kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ.

Trong phần thẩm vấn cựu cán bộ hải quan Lê Ngọc Triện, bị cáo này cũng "kể khổ" hoàn cảnh gia đình, qua đó xin HĐXX giảm án cho mình. Ngoài ra, bị cáo Triện cũng xin giảm mức bồi thường dân sự, cho rằng, mức bồi thường 9 tỷ đồng là quá lớn.

Chủ tọa hỏi đại diện Vinalines về những thiệt hại liên quan đến mua ụ nổi 83M, đại diện đơn vị này cho rằng, bình quân mỗi tháng phải chi 800 triệu đến 1 tỷ đồng để bảo quản ụ nổi. Cũng theo đại diện Vinalines, đã có chủ trương bán ụ nổi để thu hồi vốn, nhưng do cơ quan điều tra cho rằng, đây là vật chứng liên quan đến vụ án, do vậy, phải chờ giải quyết xong vụ việc.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, biên bản báo cáo giám định của đăng kiểm viên Lê Văn Dương không sai. Kết luận đề xuất của Dương trong văn bản này cũng đúng.

Khẳng định tại toà, đại diện Bộ GTVT cho rằng, ụ nổi không phải tàu biển. Bởi tàu biển phải di động được, còn ụ nổi là cố định, muốn di chuyển phải thông qua một phương tiện khác.

Vợ bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị Tòa xem xét, hủy kê biên. Bà này cho rằng, một phần tiền mua nhà do mẹ đẻ và của bản thân bà tiết kiệm được, mua 2 căn hộ đứng tên chị Thảo - bạn gái ông Dũng.

Tại tòa vợ Mai Văn Phúc, bà Ngô Thị Vân đưa ra yêu cầu giữ lại ngôi nhà tại Hạ Long, Quảng Ninh do nguồn tiền mua từ năm 1983 do bà Vân bỏ tiền mua. Ngôi nhà hiện tại đang ở Thụy Khuê nhà nước chuẩn bị lấy đất, không có sổ đỏ.

Đến 17h37', Hội đồng xét xử quyết định dừng buổi làm việc. Ngày mai (23/4), tòa tiếp tục làm việc.

Theo GTVT