"Đề thi môn Ngữ văn sẽ thay đổi căn bản"

12/04/2014 18:15

Đề thi môn Ngữ văn sẽ chuyển dần sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Từ ngày 2 đến 4/6 sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2014. Năm nay, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

Một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là thời gian làm bài thi môn Ngữ văn giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút.

Đề thi có thể gồm những tác phẩm nằm ngoài sách giáo khoa

Trước những băn khoăn, lo lắng của giáo viên và học sinh về đề thi môn Ngữ văn khi có sự thay đổi đột ngột và gấp gáp thời gian thi môn học này xuống còn 120 phút, Thứ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đối với môn Ngữ văn, vì thời gian làm bài giảm xuống còn 120 phút nên việc ra đề thi sẽ được tính toán để dung lượng đề thi phù hợp với thời gian làm bài.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi môn Ngữ văn sẽ có sự thay đổi căn bản
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi môn Ngữ văn sẽ có sự thay đổi căn bản

Từ trước đến nay, việc dạy và học môn Ngữ văn từ cấp Tiểu học đến THPT vốn quen với việc dạy theo bài văn mẫu, học sinh học tác phẩm nào thì kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó. Thực trạng này dẫn đến học sinh chỉ “học vẹt, học tủ, học lệch” chưa kiểm tra, đánh giá được năng lực tư duy, sáng tạo của học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, trong lộ trình Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới kiểm tra, đánh giá năng lực chung thực sự của người học, trong đó có năng lực riêng cho từng môn học. Việc đổi mới môn Ngữ văn cũng nằm trong xu hướng chung đó.

Đề thi Ngữ văn năm nay sẽ gồm 2 phần Đọc - hiểu và viết. Kiểm tra Đọc - hiểu là yêu cầu bắt buộc và việc này đã thực hiện từ cấp Tiểu học đến trung học. Việc dạy năng lực Đọc - hiểu đã chiếm tỷ trọng lớn thời gian và kết cấu nội dung.

Phần thi kiểm tra kỹ năng Đọc – hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể dưới dạng trích đoạn văn bản (có hoặc có thể không có trong sách giáo khoa) với yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi thể hiện kỹ năng Đọc – hiểu.

Phần thi viết, có thể bao gồm 2 phần cho thí sinh lựa chọn là bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, cũng có thể là một bài kiểm tra tổng hợp yêu cầu cả văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đây là 2 thể văn quen thuộc đã có từ nhiều năm nay trong đề thi Ngữ văn trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đề thi môn Ngữ văn yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích. Như vậy không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua quá trình học, học sinh có được năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu.

Trong đề thi môn Ngữ văn, Bộ GD-ĐT không đưa ra khái niệm cấu trúc đề thi mà chỉ thực hiện theo ma trận đề thi. Ma trận đề thi sẽ yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc ra đề thi môn Ngữ văn với thời gian 120 phút cũng dựa theo khảo sát tình hình dạy học ở cấp THPT tại các địa phương để làm căn cứ cho những đột phá trong kiểm tra, đánh giá năng lực giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá này là nhằm hướng tới mục tiêu dạy và học tốt hơn.

Trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, không chỉ môn Ngữ Văn mà các môn khác khi thay đổi thời gian vẫn phải đảm bảo yêu cầu kiểm tra, đánh giá năng lực giảng dạy và học tập tốt hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề thi môn Ngữ văn sẽ có sự thay đổi căn bản, chuyển từ việc yêu cầu học sinh học thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của các tác phẩm có trong sách giáo khoa sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Những kiến thức, kỹ năng của học sinh được vận dụng vào việc đọc hiểu các tác phẩm khác không có trong sách giáo khoa nhưng có kết cấu nội dung, độ khó tương đương những tác phẩm đã học. Đề thi dạng này cũng có thể áp dụng cho thí sinh dự thi khối C, D trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của học sinh; tránh được hiện tượng “học tủ, học vẹt”.

Đề thi theo yêu cầu phát triển năng lực toàn diện của học sinh

Phó Giáo sư, tiến sĩ (PTS.TS) Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đề xuất đổi mới đề thi môn Ngữ văn theo hướng kiểm tra toàn diện, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực học sinh. Từ đó, giúp thí sinh tiếp cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; tổ chức một kỳ thi quốc gia, làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học.

Theo phương án đề xuất, tổng điểm sẽ được tính theo thang 20 gồm: Năng lực đọc hiểu (6/20) và Năng lực viết (14/20).

PTS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đề thi môn Ngữ văn nên theo yêu cầu phát triển năng lực toàn diện của học sinh
PTS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đề thi môn Ngữ văn nên theo yêu cầu phát triển năng lực toàn diện của học sinh

Phần Đọc -hiểu: sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt với yêu cầu phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm); Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên... (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).

Như vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lý thuyết như: Tu từ là gì? Thế nào là câu đúng? Thế nào là tóm tắt văn bản?... Đề thi sẽ tập trung vào năng lực đọc hiểu của học sinh thông qua việc vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để giải quyết câu hỏi.

Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về Đọc- hiểu và kiểm tra bằng dạng trắc nghiệm như kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở bang California (Mỹ).

Phần kiểm tra Năng lực viết bao gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… ra theo dạng đề mở và đáp án mở.

Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm), yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong sách giáo khoa.

Tương tự như phần kiểm tra năng lực Đọc- hiểu, về lâu dài phần năng lực viết có thể tích hợp cả nghị luận xã hội và văn học thành một bài viết tổng hợp như bài thi viết của bang California (Mỹ).

Với đề thi như trên, điểm xét tốt nghiệp sẽ được tính cho những học sinh đạt từ 10/20 trở lên. Các trường ĐH, đặc biệt là các trường theo hướng xã hội, nhân văn căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.

Theo lý giải của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, với đề văn trên, học sinh không cần phải chép lại đề, bài làm mà trả lời thẳng vào từng câu hỏi. Đề thi theo hướng mở nên học sinh hoàn toàn tự xác định những nội dung cụ thể theo cách hiểu của mình. Với cách ra đề như trên, học sinh mang tài liệu vào cũng chẳng thể làm được gì. Cán bộ coi thi không cần phải mất thời gian khám hay bắt tài liệu các em.

Cách thức ra đề thi môn Ngữ văn như trên không chỉ kiểm tra kiến thức của thí sinh cho riêng môn học này mà các kiến thức về những môn học khác như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... đều được huy động và vận dụng vào bài viết. Cách thức ra đề như vậy sẽ kiểm tra, đổi mới đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của học sinh./.

Theo VOV.VN