Bài cuối: Cần một định hướng lâu dài
(Baonghean) - Tình trạng thất nghiệp khiến hơn 12.000 cử nhân, thạc sỹ của tỉnh ta phải làm trái nghề, thậm chí phải đi làm công nhân, bán hàng…Trong khi đó, số lao động có tay nghề của Nghệ An lại quá thấp, chưa đến 45% và lao động kỹ thuật cao mới đạt khoảng 7%...
Nguyên nhân dư thừa
Đi tìm nguyên nhân “ế ẩm” của hàng chục nghìn cử nhân, thạc sỹ, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung quy lại, có những lý do như: Thứ nhất, do hệ thống các công sở, doanh nghiệp trong những năm qua ít có nhu cầu tuyển dụng lao động; thậm chí, có hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm nhân công sau khủng hoảng kinh tế, dẫn đến dư thừa lao động; Thứ hai, có những bất hợp lý trong công tác dự báo giữa “cung” và “cầu” của nguồn lao động, dẫn đến người học chưa có đầy đủ thông tin khi chọn ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thứ ba, do hệ thống các trường đại học, cao đẳng “nở rộ” và cơ cấu đào tạo của các trường chưa căn cứ vào nhu cầu thực tiễn dẫn đến đầu ra của các trường thì nhiều nhưng đầu vào của thị trường lao động không “tiêu thụ” hết; Một nguyên nhân nữa là do nhiều người học theo phong trào, “Miễn cứ có cái bằng cái đã” mà chưa có nhận thức đầy đủ về nhu cầu thị trường và ít trang bị thêm những kỹ năng mềm, dẫn đến tốn kém về cả thời gian, tiền bạc theo học.
![]() |
Lao động làm việc tại Công ty Toyota Vinh. Ảnh: S.M |
TIN LIÊN QUAN |
---|
May mắn trúng tuyển và đang trong những ngày đầu làm quen với công việc ở xưởng, em Trần Mạnh Hưng (nguyên là sinh viên K4, khoa Cơ khí Động lực, ngành Công nghệ ô tô, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh) cho biết: “Học đại học nên chúng em học nhiều lý thuyết hơn thực hành, trong khi đó công việc sau khi ra trường lại đòi hỏi nhiều hơn về tay nghề. Thiết bị thực hành trong các trường cũng không theo kịp được công nghệ mới bởi những chiếc xe chúng em được học có từ cách đây nhiều năm, trong khi đó, thị trường xe ô tô hiện nay thường xuyên thay đổi mẫu mã, công nghệ. Muốn làm được chúng em phải học lại từ đầu”.
Sự bất cập trong cơ cấu ngành nghề, trong các cấp bậc đào tạo cũng dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Đơn cử như ngành Sư phạm, trước đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trường Đại học Vinh là nơi đào tạo giáo viên cho khối cấp III. Trường cao đẳng sư phạm là nơi đào tạo giáo viên của ngành học từ mầm non đến cấp II. Chính bởi sự phân cấp khá rõ ràng như vậy nên một thời đầu vào của các trường này còn rất cao, điểm đầu vào của trường Đại học Vinh thường chỉ xếp sau trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Còn tại trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An chỉ tiêu đầu vào của trường được phân theo từng huyện, riêng khu vực thành thị để có một “suất” vào trường Cao đẳng rất khó vì một ngành chỉ tuyển từ 2-3 người. Đó là chuyện của khoảng 10-15 năm về trước, còn hiện tại nhiều giáo viên cũng cảm thấy xót xa bởi ngành sư phạm dường như đang quay lại tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” bởi điểm đầu vào của các trường sư phạm mấy năm trở lại đây chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn một ít.
Một số ngành còn từ thi tuyển chuyển sang xét tuyển, trường Cao đẳng Sư phạm thì chưa năm nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Phân tích các nguyên nhân, ông Đặng Khắc Thắng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng: Trước đây việc tuyển sinh không ồ ạt, trường nào làm nhiệm vụ chuyên môn của trường ấy, không có tình trạng trường trường đua nhau mở ngành sư phạm như hiện nay. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân khối rõ ràng, tại sao một giáo viên mầm non lại nhất thiết phải là tốt nghiệp đại học, trong khi đó ngành này đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn? Thực tế, có nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân mầm non nhưng khi xin đi làm lại khó hơn sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng, trung cấp bởi họ yếu kỹ năng thực hành, ít va chạm thực tế. Còn nhà tuyển dụng (nhất là các trường tư), họ không muốn tuyển sinh viên đại học vì phải trả lương cao hơn.
Trăn trở với thực trạng ngày càng có nhiều cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, trong đó một năm có ít nhất từ 15 - 20% cử nhân không xin được việc làm nên đăng ký học lên thạc sỹ để đợi thời cơ, PGS.TS Nguyễn Đình Nhâm - Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Những năm qua, việc nâng cấp hàng loạt trường từ trung cấp, cao đẳng lên đại học nhanh chóng đã xảy ra cuộc đua thu hút đầu vào, khiến chất lượng đào tạo nhiều trường giảm sút. Về nguyên lý, nếu đưa một trường trung cấp, cao đẳng có chất lượng lâu năm lên đại học thì có nghĩa chúng ta mất đi một trường nghề tốt và có thêm một trường Đại học yếu. Vì với cấp học trung cấp, cao đẳng lâu nay chú trọng chuyên sâu về nghề, còn ở bậc đại học nâng dần lên khái quát chung hơn. Trong khi đó, lao động một số nghề đang thiếu lại không chú trọng đào tạo mà lại đào tạo ra những cử nhân mà xã hội chưa có nhu cầu. Cộng thêm vào đó chưa có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc khảo sát về nhu cầu thực tế về ngành nghề xã hội cần để phục vụ công tác đào tạo gắn với sử dụng.
Với thực trạng trên, tình hình thất nghiệp của các cử nhân đại học và các thạc sỹ chắc chắn sẽ còn kéo dài và không chỉ dừng lại ở con số 12.000 người mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều tra như đầu năm 2013. Sở dĩ có thể khẳng định điều này, bởi theo như phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp: Hiện mỗi năm Nghệ An có khoảng 20.000 sinh viên ra trường nhưng không phải tất cả con số đó đều có việc làm ngay. Số cử nhân thất nghiệp cũ chưa giải quyết xong, cộng thêm áp lực số sinh viên mới ra trường hàng năm sẽ khiến cho cơ hội việc làm càng ngày càng thu hẹp… Ngay cả sinh viên hệ cử tuyển, đi học theo nhu cầu tuyển dụng lao động của các địa phương sau khi ra trường cũng khó sắp xếp bố trí công việc.
Bất cập trong đào tạo nghề
Trong khi tình trạng cử nhân thất nghiệp đang kéo dài thì một nghịch lý lại đang tồn tại lâu nay ở Nghệ An đó là số lao động qua đào tạo nghề còn quá thấp, chiếm chưa đến 45%. Riêng lao động kỹ thuật cao chỉ mới được khoảng 7%, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển công nghệ. Đào tạo lao động kỹ thuật mất cân đối nhất là trong nông nghiệp. Hiện, chúng ta chưa đào tạo được lao động kỹ thuật để phục vụ một số ngành nghề mũi nhọn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: xi măng, vật liệu xây dựng; thủy điện; bia; chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa; Vận hành và sửa chữa máy thủy... Chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật một số nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động sau đào tạo, chưa có tác động rõ nét đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhu cầu phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh. Các cơ sở đào tạo chưa quan tâm giáo dục ý thức kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp cho học sinh cho nên một số học sinh sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại các doanh nghiệp ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp chưa cao. Phần lớn các cơ sở đào tạo vẫn còn tình trạng đào tạo theo năng lực của cơ sở mà chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Ngoài ra, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh mặc dù phát triển nhanh với 62 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề nhưng quy mô đào tạo còn nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ cấu trình độ đào tạo chưa phù hợp, thiếu cân đối giữa đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề với đào tạo sơ cấp nghề. Giáo viên tại các cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật còn nhiều bất cập như: Một số cơ sở dạy nghề số lượng giáo viên dạy cơ bản thừa, trong khi đó giáo viên dạy nghề thiếu do các sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học kỹ thuật (nhất là loại khá, giỏi) không muốn về làm giáo viên tại các cơ sở dạy nghề. Nhiều giáo viên còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tế và khả năng tiếp cận với các công nghệ hiện đại, còn yếu về trình độ ngoại ngữ, tin học. Chương trình, giáo trình đào tạo lao động kỹ thuật chậm đổi mới để thích ứng với công nghệ và thực tế sản xuất. Nội dung chương trình nặng về lý thuyết, kỹ năng thực hành còn hạn chế, nên chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích dạy nghề chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa tạo động lực phát triển dạy nghề như: Quy định mức thu học phí cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thời gian quá lâu, không sát thực tế; chính sách phân luồng và liên thông; chính sách đối với giáo viên dạy nghề; cơ chế gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động với cơ sở đào tạo.
Dù đang còn những bất cập nhưng hiện ở tỉnh ta chưa có cơ quan nào đứng ra theo dõi và nghiên cứu để dự báo về nhu cầu lao động trong tương lai. Trong công tác đào tạo nghề chưa tổ chức được việc điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề trong và ngoài tỉnh. Do vậy, chưa bổ sung thường xuyên kịp thời các nghề mới mà người học và doanh nghiệp có nhu cầu, thiếu lao động kỹ thuật cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm. Còn các trường đại học, cao đẳng trong cơ chế tự thu, tự chi hiện nay nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và địa phương cũng như không có sự giám sát từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về chỉ tiêu thì không tránh khỏi tình trạng tuyển sinh ồ ạt mà không quan tâm đến chất lượng cũng như đầu ra của sinh viên sau khi ra trường.
Cần liên kết chặt chẽ trong đào tạo, tuyển dụng
Để trang bị cho học sinh những định hướng cần thiết khi chọn trường, chọn nghề, thời gian tới cần chú trọng hơn nữa đến công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh, phải xem đây là công việc thường xuyên để các em tự lựa chọn được công việc của mình sao cho phù hợp với khả năng, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như tổ chức đào tạo theo hợp đồng với doanh nghiệp; đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp... Chủ động cung cấp lao động có chất lượng cho thị trường, chuyển dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, nhất là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tập đoàn kinh tế lớn, các ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động, tổ chức nhiều các hội chợ việc làm, thực hiện thi tuyển công khai, tăng cường thêm chính sách thu hút sinh viên khá giỏi…đảm bảo lựa chọn được những cử nhân thực sự có năng lực, có trách nhiệm, có chuyên môn về công tác tại địa phương.
Mỹ Hà - Nguyên Sơn