Dư luận sẽ luôn ủng hộ lẽ phải!

16/05/2014 10:56

(Baonghean) - Bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế lên tiếng phản đối, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn khăng khăng luận điệu: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Biển Đông, Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng lịch sử....". Mặc dù một vài tờ báo chính thống Trung quốc đưa ra những thông tin này, song những lý lẽ đưa ra không thuyết phục. Chính quyền Trung Quốc còn đổ lỗi cho nước khác đã gây ra căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Tuy nhiên, về phía người dân Trung Quốc, nhiều người đã nhận ra được bản chất của vấn đề, chân tướng của sự thật nên trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc tiếp tục xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ Việt Nam, chỉ trích chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Khi người Trung quốc lên tiếng

Một người dân Trung quốc có nickname Miyami viết trên trang Tianya.com: “Đường chín đoạn vốn chỉ có chính phủ nói thế thôi, chỉ là quân cờ để thực hiện chính sách của chính quyền, nếu căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc, chắc chắn chúng ta sẽ phải bỏ đường 9 đoạn”. Một người dân Trung quốc khác Xiaotuan viết trên mạng Weibo.com: “Đường chín đoạn vẽ đến cổng nhà người ta, nhưng lại yếu thế, mang nặng chủ nghĩa duy quyền, bá quyền”. Một nickname khác có tên Zhizhi viết trên mạng Sina.com: “Chúng ta ức hiếp người khác, như thế không phải là phong cách của một nước lớn. Mọi người cứ thử nhìn lại đường chín đoạn mà xem, nếu thật sự căn cứ theo chủ quyền đó, người ta sẽ sống thế nào đây, vừa xuống biển đã coi như vượt biên. Chúng ta không nên ức hiếp các nước nhỏ, nên cùng nhau đàm phán, tránh gây xung đột”.

Bạn đọc có nickname Friench1986 viết trên mạng Fyjs.cn: “Về vụ tranh chấp trong những ngày gần đây trên biển Đông, tôi có ý kiến nếu nói về căn cứ lịch sử thì phía Việt Nam có chứng cứ lịch sử chắc chắn hơn chúng ta”.

Từ những ý kiến này của người dân Trung quốc có thể thấy mặc dù chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực để người dân và thế giới hiểu việc họ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam theo hướng có lợi cho Trung Quốc, song dư luận Trung Quốc khá tỉnh táo. Trên cộng đồng mạng đã xuất hiện những tiếng nói phản bác quan điểm của chính quyền nước này. Rõ ràng, nhiều người dân Trung quốc đã nhận ra được, đâu là sự thật, đâu là lẽ phải.

Người dân Ukraine tham gia phản đối Trung Quốc gây hấn trên vùng biển Việt Nam.
Người dân Ukraine tham gia phản đối Trung Quốc gây hấn trên vùng biển Việt Nam.

Khi các chính phủ lên tiếng

Trên thế giới, phản ứng của dư luận quốc tế lên án cách hành xử của Trung quốc cũng đã mạnh mẽ hơn, ở mức độ cao hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng hối thúc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông thông qua kênh đối thoại. Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh: căng thẳng ở Biển Đông xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 cách bờ biển Việt Nam 193 km cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng các biện pháp hăm dọa. “Quan điểm của chúng tôi là cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng sự hăm dọa. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi đối thoại nhằm tìm giải pháp trong vấn đề này.”

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định việc Trung Quốc có các hành động khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Đông là quan điểm của nhiều nước và nó nằm trong chuỗi hành động chiến lược của Bắc Kinh nhằm thôn tính các vùng biển tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Pháp hôm 14/5 cũng đã lên tiếng phản đối chính sách gây hấn, hiếu chiến của Trung quốc tại Biển Đông. Tại cuộc họp báo ở Quai d’Orsay, trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, khi bình luận về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay.

Cũng trong buổi họp báo chiều 14/5 tại Hà nội, chuẩn đô đốc Pháp Pascal Ausseur, Vụ phó phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Vụ Phát triển quốc tế, Tổng cục Trang bị Vũ khí của Pháp nhân chuyến thăm Việt Nam nhận định: "Những vụ việc xảy ra gần đây là vấn đề mang tầm quan trọng đối với Việt Nam trong việc kiểm soát vùng bờ biển. Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình trên biển Đông và Pháp là một trong những nước đi đầu trong việc soạn thảo ra văn bản này”. Ông Ausseur nói: “Pháp muốn nhấn mạnh tới việc cần sớm giải quyết vấn đề phức tạp này thông qua biện pháp hòa bình. Khu vực biển Đông ngày càng trở nên quan trọng và sự ổn định tại đây sẽ mang lại an ninh ổn định cho châu Á và thế giới”.

Trả lời phỏng vấn của báo chí tại Nga, Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định: “Nga có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn không muốn rắc rối trong quan hệ với các đối tác của mình. Chính sách đối ngoại của Nga là giữ vững độc lập, tự chủ. Có thể Nga sẽ có kênh tác động hoặc ảnh hưởng nào đấy mà không cần tuyên bố, tuyên truyền công khai, còn nhiều biện pháp khác Nga có thể thông qua đối với tình hình hiện nay. Tôi tin rằng, Nga sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn xung đột leo thang”.

Mối đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực

Thông tin báo chí quốc tế hôm 15/5 cũng đã tiếp tục trích dẫn ý kiến của nhiều học giả quốc tế phản đối hành động của Trung quốc xâm chiếm vùng biển của Việt Nam. Trang mạng của tạp chí địa - chính trị có uy tín bậc nhất của Italia - "Limes" đã đăng tải một bài viết dài về tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông. Sau khi tường thuật lại những diễn biến vừa qua và phản ứng của Việt Nam, tác giả bài báo khẳng định Bắc Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách ngoại giao đầy tính hăm dọa, đồng thời cho rằng bằng những hành động của mình, Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Tờ Financial Times của Anh cho rằng: Dù toan tính của Trung Quốc là như thế nào, hành động này của họ đã châm ngòi cho những phản ứng mạnh mẽ của quốc tế. Hai chuyên gia Australia Malcolm Cook và Elliot Brennan cho rằng động thái này của Trung Quốc là rất đáng lo ngại, thiếu thiện chí và đáng thất vọng.

Trong đó, chuyên gia Malcolm Cook - Hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Singapore - nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông là bằng chứng mới nhất của cách tiếp cận thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký hoặc tham gia đối thoại có tính xây dựng để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Việt Nam không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là “khiêu khích” trong thời gian qua. Trong khi đó, ông Elliot Brennan, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, thuộc Viện Chính sách phát triển và an ninh Australia khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Biển Đông là động thái cực kỳ đáng lo ngại và thất vọng, khi nó diễn ra trong bối cảnh các cuộc đối thoại và đàm phán song phương đã và đang diễn ra thuận lợi.

Xung quanh những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, trả lời phỏng vấn báo "Làn sóng Đức" ngày 15/5, Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị (SWP) ở thủ đô Berlin, cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan gần bờ biển Việt Nam là điều đáng ngạc nhiên vì các chuyên gia khu vực đã khẳng định không có trữ lượng lớn về dầu mỏ ở đây. Vì vậy, có thể nói việc làm này của Trung Quốc mang động cơ chính trị. Ông Will khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tạo ra sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực giảm xung đột trên Biển Đông, cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết. Tiến sĩ người Đức cũng cho rằng hành động nêu trên của Trung Quốc không phải là việc làm đầu tiên nhằm thực hiện yêu sách lãnh thổ chiếm tới gần 80% tổng diện tích Biển Đông, với cái gọi là "đường chín đoạn" của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như vi phạm DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2002.

Với những phản ứng và phân tích này, có thể thấy thế giới nhận thức rất rõ những hành động leo thang nguy hiểm của Trung quốc. Những hành động ngang ngược này đã vi phạm luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận.

H. Điệp