"Lãnh đạo Trung Quốc đang lừa dối nhân dân họ"

13/06/2014 08:24

(Baonghean) - Để đánh giá rõ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, ông đánh giá như thế nào về phản ứng của dư luận cộng đồng quốc tế trong hơn 1 tháng qua đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong thời gian vừa qua, từ ngày 1/5/2014, lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành đồng thời 3 hành động: Thứ nhất là kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, việc làm này không được phía nhà nước Việt Nam cho phép, nên phía Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, vi phạm Công ước về Luật Biển 1982, vi phạm tuyên bố các bên ứng xử DOC năm 2002 về Biển Đông. Chính lãnh đạo Trung Quốc cũng vi phạm 3 tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Việt Nam do các nhà lãnh đạo hai nước đã ký từ năm 2011 - 2013. Hành động này vi phạm một loạt luật pháp quốc tế và các cam kết. Hành động thứ hai còn tệ hại hơn là họ đe dọa dùng vũ lực và trực tiếp dùng vũ lực. Trung Quốc dùng cả tàu quân sự và dân sự, đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu cá Việt Nam nhiều lần làm hàng chục tàu Việt Nam bị hư hại, nhiều người bị thương. Không chỉ bắn súng nước, vòi rồng làm hư hại tàu, mà còn đâm chìm tàu cá Việt Nam một cách tàn độc, vô nhân đạo. Rõ ràng Trung Quốc đã dùng hành động đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực. Đây là hành động bị quốc tế nghiêm cấm. Điều 2 trong Hiến chương Liên Hợp quốc nói rằng: Tất cả các cuộc tranh chấp và bang giao quốc tế, mọi quốc gia bắt buộc phải thông qua con đường đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cấm dùng vũ lực và đe đọa vũ lực. Hành động này gây bất bình cho không chỉ 90 triệu người Việt Nam và 5 triệu người Việt ở nước ngoài, 8 tỷ người trên hành tinh. Hành động thứ ba là họ nói dối, vừa đưa giàn khoan vào tác nghiệp, vừa dùng vũ lực đe dọa và áp đảo, vậy mà tại Bắc Kinh và các diễn đàn quốc tế họ nói rằng giàn khoan của họ tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, chỉ có tàu Việt Nam quấy nhiễu chứ không có việc gì cả. Trong khi đó cả thế giới chứng kiến tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam chìm cả tàu.

Tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá của Việt Nam. Ảnh: VOV
Tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá của Việt Nam. Ảnh: VOV

Từ năm 2011 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam, chứ không hẳn năm nay. Nhưng lần này cộng đồng quốc tế đã phản ứng một cách kịp thời, nhanh chóng. Về quy mô là rộng lớn trên toàn cầu, về tính chất thì gay gắt. Về chủ thể phản ứng thì có ba loại chủ thể. Thứ nhất, các học giả, các công dân, những người trung thực trên thế giới đều phản đối. Giáo sư Carthayer nói: Hành động phi pháp, hung hăng của Trung Quốc là chưa có tiền lệ. Trung Quốc đã tự đặt mình lên trên luật pháp quốc tế. Họ khoan được dầu thì họ sẽ bịt lại và đem giàn khoan nhỏ ra, sau đó sẽ lần lượt chiếm trọn Biển Đông. Về mặt quốc gia, các cường quốc đều phản đối Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, Thượng viện, Hạ viện, Ngoại trưởng và ngay cả Tổng thống Obama đều chính thức phản đối. Thủ tướng Pháp cũng liên tục có tiếng nói phản đối tại nhiều diễn đàn. Các nước EU đều đã lên tiếng phản đối. Ngay cả ASEAN, Sigapore cũng phản đối Trung Quốc. Ở cấp độ thứ ba, các diễn đàn quốc tế lớn, khu vực như Diễn đàn Bộ trưởng Bộ ngoại giao lần đầu tiên ra tuyên bố về Biển Đông, Diễn đàn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tuyên bố về vấn đề Biển Đông, và lần đầu tiên Hội nghị G7 (7 cường quốc hàng đầu về công nghiệp) có một tuyên bố lo ngại về tình hình Biển Đông, đây là lần đầu tiên từ khi thành lập đến nay G7 mới có tuyên bố như vậy.

Phóng viên: Thiếu tướng có thể đánh giá thêm về những tác động của dư luận cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc? Và việc Việt Nam mời các nhà báo nước ngoài đến thực địa chứng kiến sự thật, kể cả báo chí Trung Quốc?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chắc chắn phản ứng của cộng đồng quốc tế có tác động đến Trung Quốc. Đã 12 năm nay, lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng mọi diễn đàn để tuyên truyền Trung Quốc phát triển hòa bình. Bộ máy tuyên truyền gần 4000 tờ báo viết, 400-500 đài phát thanh, truyền hình, nhồi nhét rằng Trung Quốc phát triển hòa bình, phát triển nhanh mạnh nhưng không can thiệp vào nội bộ nước khác, không xâm phạm chủ quyền nước khác. Nhưng với hành động như vừa rồi thì không ai còn tin Trung Quốc nữa. Nhân chuyện này, cần nhắc lại ông Khơrutsop – khi còn làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) từng nói “Chỉ những kẻ ngu mới tin Trung Quốc”. Tôi tin những người trung thực không ai tin Trung Quốc. Đây là thất bại lớn của Trung Quốc, buộc họ muốn hay không cũng phải điều chỉnh hành vi. Trung Quốc không thể sống riêng được. 1.3 tỷ người Trung Quốc cần phần còn lại của thế giới. Nếu không có 8 tỷ người thì Trung Quốc không thể tồn tại được.

Lần này, chúng ta sẵn sàng mời các phóng viên lên tàu cảnh sát biển, kiểm ngư, tàu cá, để chứng kiến hành động, ghi toàn bộ hành động đe dọa dùng vũ lực và trực tiếp đe dọa dùng vũ lực để nói rằng tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã và đang lừa dối 1,3 tỷ dân Trung Quốc và lừa dối 8 tỷ người trên hành tinh này. Chính các nhà báo nước ngoài sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu hành động của Trung Quốc. Việc mời phóng viên quốc tế ra thực địa như thế là rất hiệu quả, rất tốt.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, theo ông thì Việt Nam nên tiếp tục làm gì để thế giới hiểu hơn bản chất vấn đề và từ đó đi đến những hành động ủng hộ hiệu quả hơn đối với việc thực thi pháp luật, bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nói chung, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên Biển Đông nói riêng, chúng ta huy động nhiều lực lượng, quan trọng nhất là lòng dân. Chính vừa rồi nhà nước ta có hành động rõ ràng, mạch lạc, đúng đắn, cho nên 90 triệu người trong nước thể hiện sự đồng thuận với Đảng và Nhà nước, 5 triệu người Việt nước ngoài đồng thuận rất cao đối với trong nước. Đó là sức mạnh vô địch. Chính vừa rồi mặt trận truyền thông: báo chí, mạng… là lực lượng đặc biệt quan trọng.

Chưa bao giờ, từ cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, lần đầu tiên nhà nước ta tạo điều kiện cho báo chí đưa tin kịp thời, khách quan, đúng đắn những diễn biến thực sự trên Biển Đông. Đây là điều ta làm đúng theo điều 70 của Hiến pháp: Công dân có quyền được thông tin. Báo chí là lực lượng đầu tiên, chủ yếu, cung cấp thông tin đầy đủ, báo chí có vai trò cực lớn. Ngoài việc ta chuẩn bị mặt trận quân sự, trừ phi họ bắt buộc chúng ta phải tự vệ, thì mặt trận báo chí chúng ta đã làm rất tốt. Chính báo chí góp phần giúp cộng đồng dư luận quốc tế hiểu rõ và phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nếu không có báo chí ta không làm được điều này.

Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước cần có đánh giá tích cực hoạt động của báo chí thời gian vừa qua. Báo chí chúng ta làm rất kịp thời, hiệu quả và tích cực. Chưa bao giờ ta làm tốt như vậy. Tôi cho 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng tốt, nhưng chính họ cũng bị chính quyền Trung ương Trung Quốc lừa dối. Do đó, chúng ta phải tuyên truyền bằng tiếng Trung Quốc để 1,3 tỷ người Trung Quốc trong nước và 200 triệu người Trung Quốc ở nước ngoài hiểu thực chất vấn đề và hiểu chúng ta, ủng hộ chúng ta. Ta cần có sự hợp tác với báo chí, truyền thông quốc tế. Bởi không một quốc gia nào có thể phát triển được nếu bị cô lập. Lực lượng báo chí cần được tạo điều kiện để mở rộng đối ngoại. Ta mời các cơ quan báo chí lên tàu, trao đổi, hội thảo, kéo họ về… Thế giới coi báo chí là quyền lực thứ 4, nếu ta tranh thủ được báo chí thì sẽ có nhiều thuận lợi trong cuộc đấu tranh này.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, nhân Ngày Báo chí cách mạng 21/6 sắp đến, ông có kỳ vọng gì với báo chí để tiếp tục cuộc đấu tranh này hiệu quả hơn, nhất là với một tờ báo đảng như báo Nghệ An?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lực lượng báo chí Việt Nam trong thời gian vừa rồi, trước vụ việc Trung Quốc có các hoạt động phi pháp ở vùng biển chủ quyền của đất nước, đã hoạt động rất tuyệt vời. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói, báo chí là một mặt trận, các nhà báo chúng ta đúng là những chiến sỹ kiên cường và dũng cảm trên mặt trận này. Lên cả tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá, đến vùng biển Trung Quốc hung hăng, là chấp nhận sẵn sàng hy sinh. Với tư cách là một công dân, một đảng viên, một người con xứ Nghệ, tôi kỳ vọng lực lượng báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Nghệ An nói riêng, hãy sẵn sàng tác nghiệp những nơi khó khăn nhất, hy sinh gian khổ nhất, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, khách quan nhất, để phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của chúng ta.

Tôi cho rằng thời gian vừa qua Báo Nghệ An đã làm được rất nhiều việc, là điểm sáng trong 63 đơn vị cả nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng các đồng chí làm được điều này.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương!

P.V (thực hiện)