Cần khoanh vùng sản xuất nguyên liệu
(Baonghean) - Thực tế phổ biến hiện nay là bà con nông dân đang sản xuất theo tập quán nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu. Mỗi nhà làm vài sào ruộng, nuôi một con trâu, vài con lợn, chục con gà, trồng vài thước rau đủ cung cấp quanh năm cho gia đình. Với cung cách làm ăn kiểu này thì may ra xóa được đói là tốt lắm rồi. Hiện nay các tổ chức, đoàn thể không ngừng vận động bà con mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nhưng xem ra bà con chưa mấy mặn mà.
Cấp ủy, chính quyền đã tổ chức nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như: Đưa cây ngô, đậu vào trồng thay thế lúa vệ cho thu nhập cao gấp nhiều lần; Đem bầu, bí, dưa, hành vào trồng cho thu nhập gấp cả chục lần trồng ngô, lúa. Không ít hộ mạnh dạn chuyển nuôi cá lúa hay thay trồng lúa là nuôi cá, nuôi tôm…giúp họ trở thành những triệu phú, tỷ phú. Nhưng tiếc rằng ít người chịu khó học và làm theo, thậm chí huyện, tỉnh xây dựng mô hình thành công, tổ chức hội thảo đầu bờ, rút kinh nghiệm, ai cũng công nhận có lợi lớn, nhưng khi huyện tỉnh rút, mô hình cũng “đi theo” luôn. Tập quán sản xuất lạc hậu đã ăn sâu vào người dân cả ngàn đời nay, cứ thế đến vụ là gieo hạt, thả giống, ít tính toán đến đầu ra, không tìm hiểu thị trường. Chưa nói đến trồng ra rồi ít quan tâm chăm bón.
Một số vùng nông thôn miền núi khi đưa cây bí, cây dưa hấu vào trồng thử, cán bộ lo lắng bởi tính chịu khổ không chịu khó của bà con. Bí trồng ra quả to, quả nhỏ, không đều, thậm chí quăn queo, chỗ thắt, chỗ phình; Dưa hấu quả không đều, không được che để nắng đốt cháy sạm. Tâm lý mỗi loại trồng một ít đủ cung cấp theo kiểu tự sản, tự tiêu, trồng nhiều sợ không bán được, không tạo ra nguồn hàng hóa lớn hay ít nhất đủ chuyến xe chở. Trong chăn nuôi cũng vậy, tâm lý nuôi cho có, tiết kiệm chút nước gạo, tý cơm, canh thừa, không mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lớn. Trong khi đồng cỏ nhiều, thức ăn sẵn, điều kiện khí hậu, môi trường thuận lợi.. nhưng không mạnh dạn làm ăn, chưa làm đã sợ lỗ. Tất cả những yếu tố đó đang là lực cản, là những chiếc vòng vô hình cột chặt bà con với đói nghèo, nếu không sớm thay đổi tư duy, không mạnh dạn làm ăn lớn, khó thoát nghèo nhanh và bền vững.
Để đạt mục tiêu thoát nghèo, phải mạnh dạn khoanh vùng sản xuất lớn, tạo nguyên liệu hàng hóa lớn. Tạo ra vùng trồng rau, bầu bí chuyên canh để làm quen thị trường, chuyên cung cấp thực phẩm cho thị trường, tất nhiên phải đủ xe, đủ hàng, có ký kết hợp đồng cung ứng. Bài học trồng rau, bí xanh, bí đỏ, dưa hấu tại xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) nay đã tạo ra thương hiệu. Ở vùng đất này, thay cho cây ngô, cây lúa vệ được thay thế bằng cây bí đỏ, bí xanh, dưa hấu cho thu nhập giá trị gấp nhiều lần, trở thành địa chỉ quen thuộc của khách hàng. Hay thương hiệu cam Bãi Phủ, cam Con Cuông đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
Để đạt mục tiêu thoát nghèo bền vững, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền và chủ thể là bà con nông dân phải mạnh dạn xây dựng hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện quy hoạch và vận động bằng được bà con sản xuất vùng nguyên liệu, tạo nguyên liệu hàng hóa lớn theo thế mạnh từng vùng.
Phùng văn Mùi