Tạm ứng gần 200 tỷ đồng cho DN bị thiệt hại Ðồng Nai, Bình Dương

23/06/2014 16:49

Ngày 22-6, lần thứ hai trong tháng, Bộ Tài chính phối hợp UBND tỉnh Ðồng Nai tổ chức cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm (BH) cho doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại tại Ðồng Nai. Ðến thời điểm này, các DNBH đã tạm ứng gần 200 tỷ đồng bồi thường cho các DN bị thiệt hại ở Ðồng Nai và Bình Dương. Ðây được coi là nỗ lực quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Johnson Wood - Đồng Nai đã trở lại bình thường.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Johnson Wood - Đồng Nai đã trở lại bình thường.

Tại buổi trao tiền tạm ứng BH, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bảo đảm môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Ðồng thời, sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan, DNBH khẩn trương giải quyết bồi thường, giúp các DN bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định và tiếp tục phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Trần Minh Phúc đánh giá cao sự khẩn trương và trách nhiệm của các DNBH nói riêng và Bộ Tài chính nói chung đối với việc hỗ trợ địa phương và DN bị thiệt hại trên địa bàn. Tỉnh Ðồng Nai sẽ cùng với các địa phương khác như Bình Dương, Hà Tĩnh,... cam kết tạo điều kiện tốt nhất để nhanh chóng cùng các cơ quan tài chính, DNBH... thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm giúp địa phương và DN sớm khắc phục khó khăn, đưa hoạt động SXKD trở lại ổn định, hiệu quả.

Sau gần hai tháng xảy ra sự việc gây rối, hoạt động SXKD tại Công ty TNHH Johnson Wood (khu công nghiệp Tam Phước, Ðồng Nai) đã trở lại bình thường, dù khu vực nhà kho bị cháy vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục bồi thường BH. Ông Phạm Xuân Nam, tổng vụ của DN cho biết, để bắt tay vào SX ngay, công ty đã giữ nguyên hiện trường và thuê nhà kho khác để không làm gián đoạn hoạt động. Với số tiền tạm ứng 15 tỷ đồng được nhận từ Tổng công ty Bảo Minh lần này, DN cảm thấy rất yên tâm vì Chính phủ Việt Nam đã giữ lời hứa. Là một DN Ðài Loan (Trung Quốc), qua sự cố này, chúng tôi có thể cảm nhận môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn an toàn, ổn định để DN tiếp tục hoạt động, đầu tư.

Sau lần trao tạm ứng này, thống kê sơ bộ đã có khoảng 150 DN Ðài Loan, bốn DN Hồng Công (Trung Quốc), ba DN Hàn Quốc, hai DN Trung Quốc,... được tạm ứng một phần tiền bồi thường thiệt hại. Ðây cũng là sự khẳng định cam kết và trách nhiệm của các DNBH với khách hàng, trợ giúp cho các DN khắc phục một phần khó khăn trước mắt, để sớm ổn định sản xuất trở lại. Tại tỉnh Bình Dương, đại diện Công ty Quốc tế Chutex cho biết, sẽ sử dụng số tiền 20 tỷ đồng phục hồi xưởng cắt may, lắp đặt các bàn cắt mới để tránh gián đoạn sản xuất, bảo đảm đơn hàng cũng như việc làm cho công nhân. "Chúng tôi đã tận dụng mặt bằng của nhà ăn làm nơi hoạt động cho xưởng cắt. Với sự trợ giúp của bảo hiểm và nỗ lực của DN, tôi tin rằng chỉ sau vài tuần nữa, chúng tôi có thể phục hồi được 60% công suất và sau khoảng hai tháng nữa, sẽ đạt công suất 100% như trước kia" - đại diện DN Chutex nói.

Về việc tạm ứng tiền bồi thường khi chưa đủ hồ sơ cần thiết, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các DNBH đã nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ khách hàng, nhất là trong trường hợp quan trọng như thế này. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần BH Petrolimex (PJICO) Trần Anh Tuấn cho biết, PJICO đã nhận được thông báo của hàng chục khách hàng tham gia BH với tổn thất ban đầu ước tính rất lớn. Do đó, PJICO đã cử ngay đoàn công tác tới hiện trường nắm bắt tình hình, tổ chức thăm hỏi khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng và phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tiến hành công tác giám định giá trị thiệt hại và nguyên nhân tổn thất. PJICO đã xác định trách nhiệm BH của mình, cùng các nhà đồng BH tạm ứng bồi thường gần 30 tỷ đồng cho khách hàng bị thiệt hại. "Vấn đề là DNBH cần thực hiện cam kết xử lý kịp thời và hỗ trợ khách hàng một cách tối đa trong phạm vi hợp đồng BH đã ký kết; giúp DN yên tâm, nhanh chóng ổn định và tiếp tục đầu tư SXKD tại Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như theo đúng quy định của pháp luật" - ông Trần Anh Tuấn nói. Về phía BH Bảo Việt, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Phi cho biết, qua tích cực tiến hành kiểm tra, phối hợp giám định và giải quyết bồi thường, đến nay, số tiền tạm ứng bồi thường BH cho các khách hàng tại địa bàn tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai của Bảo Việt lên tới hàng chục tỷ đồng. Tại Bình Dương, số tiền bảo hiểm Bảo Việt tạm ứng riêng cho Công ty Esquel lên tới một triệu USD, tương đương 21,2 tỷ đồng. Theo đại diện Công ty Esquel, số tiền này đã giúp DN sớm khắc phục và ổn định SXKD trở lại chỉ sau hai tuần. Với Bảo Minh, đến nay, số tiền tạm ứng cũng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Hai trăm tỷ đồng hỗ trợ các DN bị thiệt hại sau sự cố đáng tiếc vừa qua là sự ủng hộ thiết thực của thị trường tài chính nói chung đối với hoạt động SXKD của DN, vốn là những khách hàng thân thiết và lâu năm của các DNBH. Mặc dù chưa đáp ứng được đầy đủ mong muốn nhưng nguồn tài chính được giải quyết nhanh chóng này là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hỗ trợ DN bị thiệt hại. Hơn hai tháng qua, thực tế SXKD tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Ðồng Nai, Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh cho thấy, với việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để an toàn và thuận lợi hơn, cùng với các giải pháp cụ thể về đơn giản thủ tục hành chính, gia hạn, miễn, giảm và hoàn một số khoản thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng và mất việc làm,... Bộ Tài chính đã chủ động và kịp thời nắm bắt tình hình, tích cực yêu cầu các cơ quan tài chính địa phương giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh. Riêng trong lĩnh vực BH, Bộ Tài chính cho phép được áp dụng cơ chế bồi thường rút gọn, được chi bồi thường thiện chí; đồng thời yêu cầu, hướng dẫn, vận động các DNBH thực hiện các biện pháp hỗ trợ ưu việt nhất.

Trong các giải pháp về thuế, Bộ Tài chính đã gia hạn, miễn, giảm thuế, trong đó riêng số tiền gia hạn nộp thuế đối với số thuế còn nợ trước thời điểm bị thiệt hại là 214 tỷ đồng, gia hạn thời hạn nộp đối với số thuế còn nợ là hơn ba nghìn tỷ đồng. Cơ quan thuế các cấp cũng thực hiện hoàn thuế trước đối với hồ sơ hoàn thuế của các DN bị thiệt hại với số tiền 487 tỷ đồng (gồm cả các DN thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn). Qua đó, giải quyết kịp thời khó khăn về vốn cho các DN, với số thuế giá trị gia tăng được hoàn ở TP Hồ Chí Minh là 2,3 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 483 tỷ đồng,... Cơ quan thuế cũng tích cực giúp các DN khôi phục hồ sơ, báo cáo thuế, hóa đơn chứng từ thuế; không truy thu thuế nhà thầu và không phạt đối với hàng hóa, trang thiết bị nhập khẩu kèm theo dịch vụ bảo hành, miễn thuế tài nguyên, giảm 60% phí bảo vệ môi trường cho các DN. Ngoài ra, các cơ quan hải quan cũng tích cực hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, khôi phục chứng từ, thực hiện thông quan cho các DN còn nợ thuế hải quan.

Theo NDĐT