Siro hoa quả mập mờ chất lượng "vào mùa"
Mùa hè, các loại siro hoa quả dùng để pha chế nước uống được các chủ cửa hàng săn lùng liên tục. Và cũng từ đây, những loại siro không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có cơ hội chen chân vào trong thực đơn của mọi người.
Mua bao nhiêu cũng có
Mặc dù mới là thời điểm đầu hè song nhu cầu sử dụng các loại siro hoa quả đã tăng lên đáng kể. Chủ một gian hàng tạp hóa ở khu chợ Đồng Xuân (giấu tên) cho biết từ giữa tháng tư, lượng khách đến lấy siro đã tăng lên rất nhiều so với tháng trước. Trung bình một ngày, chủ gian hàng này “đẩy” được cả chục lít siro.
Nhu cầu tăng lên khiến cho hoạt động kinh doanh mặt hàng siro, hoa quả ngâm, thạch…cũng tăng theo. Nhiều gian hàng trước đây không buôn bán mặt hàng này thì nay cũng đã nhập về bán. Không chỉ giới hạn trong chợ Đồng Xuân, ở các tuyến phố lân cận như Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Hàng Buồm, Hàng Giầy…mặt hàng này cũng được bày bán tràn lan. Chủ một cửa hàng có tên “Shop Gia Linh” (phố Hàng Buồm) khẳng định: “Ở phố này, nhà nào cũng bán ít nhiều. Có điều là có nhà bày bán công khai, có nhà thì lại cất bên trong, khách cần thì mới đem ra, chủ yếu là dành cho khách quen”.
Theo quan sát, có cửa hàng cẩn thận đặt các chai siro này lên kệ hàng làm bằng sắt hoặc gỗ nhưng cũng có không ít cửa hàng các chai siro được đặt ngay trên nền gạch.
Các chai siro bày ngay trên nền gạch. Ảnh: Phục Long |
Mặt hàng siro hoa quả bày bán cũng rất đa dạng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Tại một cửa hàng ở địa chỉ số 86, phố Hàng Buồm, có ba loại siro hoa quả khác nhau được bày bán. Loại rẻ nhất đựng trong can nhựa 2 lít, có giá 50 nghìn đồng, loại thứ hai đựng trong chai nhựa 600 ml có giá 55 nghìn đồng và loại thứ ba đựng trong chai sành 750 ml, có giá tới 150 nghìn đồng. Bà chủ của gian hàng này tự tin giới thiệu “Siro cam, chanh, bạc hà, táo, nho, dâu…màu gì, mùi gì cũng có tất. Muốn lấy bao nhiêu thì sẽ có bấy nhiêu”.
Tiềm ẩn nguy cơ
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các can siro bày bán ở chợ Đồng Xuân và các tuyến phố lân cận đều có dán nhãn mác đầy đủ. Song khi cầm một can lên xem kĩ thì thấy chúng không hề có thông tin về ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Mở một can ra ngửi thử thì mùi siro xộc lên đậm đặc gấp nhiều lần so với các loại siro hoa quả tự làm ở nhà, vốn chỉ có hương thơm nhẹ dịu.
Các loại siro bày bán tràn lan |
Để “kiểm chứng” hương vị của các loại siro, chúng tôi đến chợ Nhà Xanh (Dịch Vọng, Cầu Giấy) uống thử các bịch nước ngọt được rao bán khắp chợ. Mỗi bịch nước có giá chỉ 5 nghìn đồng nhưng hương vị, màu sắc thì không khác gì loại nước trái cây thứ thiệt. Nhưng khi cái ngọt vừa tan ở đầu lưỡi thì ở cuống họng lại xuất hiện vị đăng đắng, càng chép miệng càng thấy đắng hơn.
Lê Thị Xuân (21 tuổi), một người bạn tôi đang làm nhân viên pha chế của một quán trà sữa trên đường Nguyễn Phong Sắc quả quyết: “Thứ nước này dùng “nước cốt” để pha chứ không phải nước ép hoa quả đâu. Mỗi bịch nước có giá chỉ 5 nghìn đồng mà lấy hoa quả thật để ép thì lãi ở đâu ra”. Không chỉ có thứ nước ngọt này mà ngay cả các loại trà sữa bán rong trong chợ cũng đều dùng siro rẻ tiền pha chế. “Mỗi cốc trà sữa bán rong chỉ có 8 nghìn đồng trong khi trà sữa “xịn” có giá 20 nghìn thì đủ biết chất lượng như thế nào!”, Xuân cho biết.
Người tiêu dùng vẫn sử dụng các loại “nước hoa quả” được pha chế từ siro mà không để ý tới chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Phục Long |
Hiện tại, các loại siro hoa quả mập mờ thành phần, chất lượng vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi. Số khác để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhiều cửa hàng giấu sản phẩm bên trong, chỉ khi khách quen, khách “sành” muốn mua thì họ mới cung ứng với số liệu bao nhiêu cũng có.
Vì mập mờ nguồn gốc, chất lượng và không qua kiểm định nên rất có thể các loại siro này có chứa phẩm màu hóa học để nước siro đều và bền màu. Phẩm màu tổng hợp hoá học là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)... Nếu các loại siro hoa quả này chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm thì sẽ gây hại rất lớn đến sức khỏe người dùng, gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư…
Theo đọc báo