Ngư dân Diễn Bích quyết chí vươn khơi
(Baonghean) - “Vươn khơi!” - Hai tiếng đó thật ý nghĩa với dân chài lúc này. Để vươn khơi hiệu quả hơn, thì phải là tàu cá công suất lớn. Người đã có tàu lớn rồi thì tích cực bám biển. Người đã “đi” tàu nhỏ thì cũng không hoãn lại được nữa việc gắng mọi cách để đóng mới tàu lớn… Anh em nhà họ Cao ở làng chài Bắc Chiến Thắng (Diễn Bích, Diễn Châu) là một trong những ngư dân như thế.
Anh Cao Văn Dũng - thuyền ngư xóm Bắc Chiến Thắng xã Diễn Bích đang đóng tàu mới trị giá gần 2 tỷ. Ảnh: Thanh Hải |
Trăng thượng huyền mảnh như ngọn lúa uốn cong khuất dần xuống phía Tây cho đằng Đông bình minh ló rạng; cũng là khi chúng tôi ngược gió biển mai nồng mùi tôm cá, theo con đường nhỏ xuống làng chài. Các tàu cá đi khơi về cập bến cá bên Diễn Ngọc đã từ đêm qua, nay về lạch bên này neo đậu. Các ngư phủ rời bến về nhà ỗm oãm gọi nói, chuyện trò. Hình như, tàu nào cũng được cá!
Trừ ngày biển động mạnh. Còn mưa nắng thực là “việc của trời” đối với bà con ngư dân Diễn Bích, cứ mải miết hết chuyến biển này tiếp chuyến biển khác. Tang tảng sáng dỡ cá xuống xong là bốc ngay lương thực, dầu, đá lên tàu để chiều tối kịp ra khơi. Xã Diễn Bích là xã đầu tiên được chọn thành lập nghiệp đoàn nghề cá cho ngư dân từ cuối năm 2013. Từ khi có nghiệp đoàn, các đoàn viên là những ngư dân bắt đầu quen với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề cá, được phổ biến nhiệm vụ, kỹ năng giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển; và nhất là ngư dân được trang bị những kiến thức về khai thác trong ngư trường quốc tế, và ý thức nâng cao cảnh giác góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khí thế bám biển lên hẳn, năng suất sản lượng khai thác hải sản cũng lên theo. Hai anh Cao Văn Dũng và Cao Văn Thắng, ở làng Bắc Chiến Thắng, thấm thoắt đã qua tuổi trai trẻ học nghề, trở thành những ngư phủ lão luyện trên vịnh Bắc bộ, trở thành thành viên của nghiệp đoàn khi biển khơi đã là một phần đời sống máu thịt của họ.
Nhà anh em họ Cao nằm cuối lối làng chài. Chưa gọi là khang trang to đẹp nhưng cũng đổ “vê”, lợp ngói kín trên bền dưới. Cao Văn Dũng và Cao Văn Thắng đều là con nhà chài nòi. Cả hai đều có cái hồ hởi, chân tình, quý khách thường thấy của người miền bể quen sóng nước hơn đất liền. Dẫn chúng tôi đi một vòng nơi tàu cá về neo đậu, anh Thắng bảo: "Dừ thấy tàu thuyền đậu san sát ri, nhưng đến chiều là đi biển hết, tàu vươn khơi hàng tuần mới về. Bữa nay về tập trung được như vầy là để về ăn Tết Đoan Ngọ mùng 5/5".
Nhẩn nha trên đường về lại nhà, Thắng rủ rỉ cho hay anh sinh năm 1972, từ năm lên 10 tuổi đã mon men theo cha đôi chuyến biển. Thắng sớm mê mẩn với biển cả qua những chuyến biển thuyền về đầy tôm cá. Làng chài Bắc Chiến Thắng vốn có truyền thống vươn khơi. Một chuyến biển như thế mất ít nhất một tuần. Trừ kỳ nghỉ hè, mỗi lần nhớ khơi xa, Thắng xin cha cho theo chuyến biển đều bị ông gạt phắt. Người làng chài nhiều đời trước lo vật lộn sóng gió, ít học nên nay rất trọng con chữ và việc học hành của con em. Cha của anh Thắng là người nghiêm khắc, đặt mục tiêu cho các con ai đi học ít ra phải lấy được tấm bằng cấp 3. Học hết lớp 12, Cao Văn Thắng dự thi Đại học Quân sự không đậu, nên nối nghề nhà bám biển vươn khơi riết từ bấy đến giờ. Trước nhà nghèo, không có tiền sắm thuyền riêng nên nhà có 7 anh em trai đều chủ yếu đi đánh cá thuê cho thuyền bà con trong vùng. Khao khát lớn nhất của anh Thắng là có một chiếc tàu cá riêng để chủ động chinh phục khơi xa.
Giọng Thắng chùng lại khi kể về giây phút hấp hối, cha anh đã nắm chặt tay từng người con trai, nói: "Nghề đi biển sóng nước lênh đênh, khi được khi mất, nhưng phải nhớ là biển nuôi sống mình, chọn nghề rồi thì phải gắn bó, siêng năng bám biển, thương yêu đùm bọc lẫn nhau...". Trước ngày cha anh mất độ 1 tháng, ở cái tuổi đã gần 80, ông vẫn cố gắng thêm một chuyến biển. Từ lời căn dặn của người cha, lại nghĩ mình được cho ăn học có phần chu đáo, phải quyết vươn lên thoát nghèo bằng nghề biển, mấy người con trai đều nỗ lực lao động. Các anh Cao Văn Tân, Cao Văn Thành sớm sắm được thuyền riêng, đi biển tạo việc làm cho anh em thu nhập trên 5 triệu đồng/người /tháng.
Thắng và người anh trai Cao Văn Dũng sinh năm 1969, thường đi làm công với nhau. Những đêm dài thức trắng giữa trùng khơi, mùa nối mùa rồi năm nối năm trên biển, cuối cùng, anh em Thắng cũng sắm được thuyền cá riêng. Năm 2008, hai anh em Dũng và Thắng mua được đôi tàu cũ của ngư dân tận Quảng Ngãi với giá một chiếc gần 500 triệu đồng. Vui mừng khôn xiết. Thế nhưng, trong suốt 1 năm từ khi có tàu mới, thu nhập chẳng khá hơn. Khi chưa có thuyền riêng, đi đánh cá thuê 1 tháng có ít nhất 5 triệu, từ khi có tàu mới nhiều chuyến lỗ tiền dầu. Một đêm, sau những mẻ lưới trống, anh Thắng nói với anh Dũng: "Anh em mình cùng cố gắng lên nhé, chuyến này mình thua lỗ, chuyến sau thần biển sẽ thương...". Thế rồi, cả hai anh em tay nắm chặt tay nhau, dâng lên một quyết tâm.
Đúng là “thần biển” không phụ lòng tin vào biển của hai anh em nhà họ Cao. Từ năm 2009 lại nay, những chuyến biển vươn khơi của tàu cá Cao Văn Thắng và Cao Văn Dũng thường “trúng”; mỗi chuyến tầm 7 - 10 ngày cho thu nhập gần 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng gần 30 triệu. Anh Thắng cho biết thêm: "Không riêng gì tàu anh em tui, bà con ở làng biển Bắc Chiến Thắng ai cũng “được mùa” vậy cả. Bình quân một năm, trừ chi phí các loại, một tàu có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng lãi. Những người chưa có tàu riêng, đi đánh cá cho các chủ tàu, một năm vẫn tích lũy được dăm, bảy chục triệu đồng. Vợ con ở nhà làm thêm nghề buôn bán ở bến cá, dịch vụ, làm các ngành nghề chế biến, thu mua hải sản... nên đời sống của ngư dân cũng khấm khá cả".
Mời chúng tôi cùng dự bữa cơm đoàn tụ ở làng biển, có Chủ tịch xã Diễn Bích Phạm Văn Hùng chung vui, anh Cao Văn Dũng chỉ vào món mực tươi ngon, bảo: "Anh em đi khơi, có cái sướng đó là luôn được thưởng thức hải sản tươi… Mực nầy câu, phơi trên tàu, giá bán một ký trên 700 nghìn đồng, chuyến biển nào hên, được cả tạ mực tươi ấy chứ". Rồi anh vui mừng khoe: “Đợt rồi, theo dõi thông tin, khắp ngư trường cả nước ngư khí thế vươn khơi bám biển, ủng hộ tinh thần ngư dân ta nơi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, bà con làng chài Bắc Chiến Thắng cũng chộn rộn lên… Hai anh em tui vừa bán đôi tàu cũ cũng được gần 1 tỷ đồng, quyết định vay mướn thêm đóng mới đôi tàu mới gần 2 tỷ; đã cho đóng trên 10 ngày rồi”.
Chủ tịch xã Phạm Văn Hùng góp chuyện: Vừa qua một số bà con trong xã cũng đã cố gắng xoay xở vay vốn ngân hàng, anh em bạn bè để đóng tàu mới hoặc đầu tư tu bổ tàu. Hôm nghe tin thời sự đưa tin một tàu của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc va húc chìm, anh em trong Nghiệp đoàn Nghề cá Diễn Bích bức xúc lắm, càng thể hiện quyết tâm vươn khơi bám biển. Cao Văn Dũng kể: "Hàng năm, vào dịp tháng 9, tháng 10 khi ngư trường thuận lợi là tàu thuyền của ngư dân Việt Nam luôn bị tàu ngư dân Trung Quốc cậy tàu lớn gây rối nhằm đẩy đuổi tàu ngư dân ta ra khỏi vùng đánh cá chung. Năm ngoái, tàu của tui, tàu của anh Tùng, anh Nam ở xóm Quyết Thành và nhiều tàu thuyền của Việt Nam liên tục bị tàu ngư dân Trung Quốc hăm dọa, gây va chạm, nhưng anh em tui bảo nhau thuyền mình nhỏ bù lại đoàn kết mình lớn, quyết không sợ, không lùi. Thấy mình cứng, kiên trì bám ngư trường nên chúng không làm được gì. Rất vui là biển cả cũng như đồng lòng với bà con ngư dân mình, riêng ngư dân làng Bắc Chiến Thắng chúng tôi ngày càng tăng sản lượng đánh bắt. Đôi tàu của anh em tôi có chuyến biển thu 150 triệu đồng đấy!...”.
Được biết, cả xã Diễn Bích nay có trên 200 chiếc tàu thuyền khai thác cá, trong đó 62 chiếc có công suất 90 CV trở lên. Sản lượng khai thác hàng năm cả xã đạt 7.000 - 8.000 tấn; đem lại tổng doanh thu từ cá một năm đạt trên 100 tỷ đồng. Và nhất là, nhiều ngư dân cùng khát vọng đóng tàu lớn vươn khơi xa như anh em nhà họ Cao làng Bắc Chiến Thắng. Theo Chủ tịch xã Hùng, thì tình yêu nước của ngư dân mình thật đáng khâm phục, ví như cả khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở địa phương, nhiều ngư dân vẫn tỏ ra chán nản với sự thất thường của ngư trường, chùn lại trước thời tiết trên biển càng ngày càng phức tạp, có ngày bất chợt gió đổi hướng, sóng cồn lên, đánh vù vù ngang đầu người đi biển, thuyền 140 CV cũng cứ neo nằm yên trong lạch. …Ấy thế nhưng dịp này, hãy về với làng biển, quan sát và nghe, ngư dân không mấy bàn chuyện sóng to gió lớn, cá ít cá nhiều nữa; mà là sự động viên nhau đoàn kết, tăng cường vươn khơi thi đua cùng với hoạt động của các hội nghề, nghiệp đoàn nghề cá các địa phương trên cả nước vươn ra vùng đánh cá chung, đến các ngư trường quốc tế giàu có và làm chủ lãnh hải biển Đông rộng lớn của đất nước...
Tạm biệt làng chài Bắc Chiến Thắng, chia tay anh em nhà họ Cao khi ngư dân Diễn Bích đã nhộn nhịp lên đường chuyến vươn khơi mới, chúng tôi cảm nhận được trong câu chuyện chân tình mộc mạc của những người ngư dân ấy sự “thật lòng” với biển; và chắc chắn không có gì có thể bắt họ đánh đổi sự “thật lòng” ấy; có chăng, chỉ khiến họ càng yêu biển hơn, sẵn sàng hy sinh vì biển cả quê hương hơn.
Đình Sâm - An Ngọc