Dầu lạc Hưng Xuân
(Baonghean.vn) - Sau một thời gian dài, nghề ép dầu lạc thủ công ở xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) mai một do dầu thực vật công nghiệp có giá thành rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt... Nhưng nay, với xu hướng người tiêu dùng lựa chọn dầu lạc tinh chế, đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khoẻ, làng nghề có từ hơn nửa thế kỷ này đã "nổi lửa" trở lại.
Ép dầu lạc kiểu thủ công truyền thống ở xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên). |
Nghề ép dầu lạc ở xóm 10, xã Hưng Xuân theo nhận định của một số cụ cao niên trong xã xuất hiện ở địa phương vào khoảng năm 1945, do ông Trần Ngụ ở xóm 9 (từng là công nhân Nhà máy dầu Vinh thời Pháp thuộc) truyền lại. Đến những năm 80, dầu lạc Hưng Xuân đã có mặt khắp huyện nhà và các huyện lân cận, địa bàn Thành phố Vinh và sang cả một số xã thuộc Hà Tĩnh. Nhưng khi dầu thực vật công nghiệp xuất hiện với giá thành rẻ chỉ bằng phân nửa, hệ thống kinh doanh bài bản khiến dầu lạc sản xuất cầm chừng, từ chỗ hơn 80% số hộ trong xóm làm nghề rút xuống chỉ còn hơn chục hộ bám nghề phục vụ cho người dân quanh vùng và các xã lân cận là chủ yếu. Khoảng 7 năm trở lại, mặc dầu giá dầu lạc cao hơn gấp đôi giá các loại dầu thực vật công nghiệp có thương hiệu trên thị trường nhưng vẫn được nhiều bà nội trợ lựa chọn vì dầu lạc có chất lượng đảm bảo, tốt cho sức khỏe đã khiến cho người làm nghề thêm yêu quý nghề truyền thống của mình, họ càng có trách nhiệm hơn trong giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm…
Khi chúng tôi đến tham quan, ông Nguyễn Quốc Đoàn, xóm trưởng xóm 10 - là một trong số hộ làm nghề có quy mô lớn ở xã đang thu mua hơn 2 tấn lạc nhân để dự trữ phục vụ nghề ép. Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn: “Tính ra giá thành của nó cũng không rẻ bởi được ép từ lạc nguyên chất, không hề có sự pha tạp. Riêng gia đình tôi khoảng 15 ngày nhập từ 2- 3 tấn lạc nhân, lạc mua về phải thuê 3 lao động nhặt sạch sẽ, loại bỏ củ thối, củ nảy mầm rồi mới cất vào kho. Sản phẩm mộc mạc, mang đậm chất quê này vừa ngon, không có chất bảo quản, để cả năm trời cũng không đổi màu, không lắng cặn nên được đông đảo khách hàng ưa thích. Nhờ sản phẩm có uy tín đã đem lại lợi nhuận khá cho gia đình, sau khi trừ chi phí còn mức lãi ròng khoảng 10 triệu đồng/tháng/2 lao động”.
Kế bên là hộ anh Phạm Văn Sinh. Đây là một trong những hộ có truyền thống làm nghề lâu năm ở làng, hơn 25 năm theo nghề đã đem lại cho anh một cơ ngơi khang trang có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Từ máy ép ren xoay bằng tay, năm 2013, anh đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy ép thủy lực dùng mô tơ quay để ép dầu. Cơ sở sản xuất của anh Sinh được xem là nhất của làng nghề hiện nay. “Trước đây chưa có máy móc, lạc bóc vỏ xong phải cho vào cối giã tay, sau đó dùng dần mắt dày rê lấy bột rồi cho vào nồi hông đun lửa đều khoảng 40 phút, đảo ít nhất 2 lần khi thấy bã lạc ướt là đã chín. Sau đó gói thành từng bánh nhỏ cho vào lồng hông dùng đòn bẩy treo đá nặng đằn xuống cho dầu chảy ra, phải mất 3 tiếng mới được 1 lít dầu. Giờ chúng tôi làm nghề cũng tuân thủ đúng các bước nhưng vậy nhưng “khỏe re”, tất cả các khâu từ bóc vỏ lạc cho đến công đoạn cuối cùng ra thành phẩm dầu đều đã có máy móc.
Công đoạn cuối cùng là những chiếc bánh được đưa vào trục ép có ren xoay và dầu được ép ra từ đó. Thời gian chỉ mất hơn một tiếng đã xong một hông cho ra 10 lít dầu lạc nguyên chất. Theo kinh nghiệm, lạc trồng trên vùng đất thịt thường cho nhiều dầu hơn vùng đất cát. Và để dầu lạc khi nấu không có mùi nên để dầu nóng già trước khi cho thức ăn vào nấu...” - anh Sinh chia sẻ.
Hàng năm, đến giữa tháng 6 DL (khi thu hoạch xong lạc vụ xuân) bà con làm nghề lại tấp nập vào mùa ép dầu. Thời điểm chính vụ của làng là từ 6 - 8 DL, nhiều hộ làm không hết việc vì sản phẩm tiêu thụ mạnh, có nhiều khách trong và ngoài huyện đến đặt hàng để làm quà biếu mang đi xa. Theo cách tính toán của các hộ làm nghề, mỗi một nồi hông là 22 kg lạc nhân sẽ cho 10 lít dầu nguyên chất; hiện dầu loại I (dùng lạc xuất khẩu để xay) có giá 80.000 đồng/lít, dầu loại II (bóc vỏ xay ngang) có giá từ 50.000- 60.000 đồng/lít; trung bình một hộ bán được từ 20 - 30 lít dầu/ngày, cho thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các hộ còn nhận ép gia công, mỗi hông với giá 50.000 - 55.000 đồng.
Nếu người dân đi ép dầu không có nhu cầu sử dụng khô lạc, họ sẽ mua lại với giá 10.000 đồng/kg để phục vụ cho chăn nuôi gia súc… Để sản xuất được sản phẩm dầu lạc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các hộ làm nghề ở đây đều nhận thức được rằng chất lượng phải đặt làm đầu, khâu vệ sinh ATTP là khâu quan trọng. Vì thế đã có nhiều gia đình cải tạo nơi sản xuất để đạt các tiêu chí: Thoáng mát, không ô nhiễm, thuận lợi cho sản xuất đồng thời cũng dễ cho thực hiện việc làm vệ sinh máy móc, hông ép, nồi hông... Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghề có lúc thịnh lúc suy nhưng nó đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây. Được biết từ năm 2008, xã đã phục tráng, tiến tới cải tiến công cụ, rút ngắn thời gian ép và nâng cao hiệu quả thu hồi dầu, phấn đấu được tỉnh công nhận làng nghề.
Nhận định về sự phát triển của làng nghề, ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân cho biết: Hiện toàn xã có 45 hộ tham gia làm nghề, trong đó có 25 hộ làm chuyên nghiệp sản xuất quanh năm; chủ yếu tập trung ở xóm 10 (35 hộ), còn lại nằm rải rác ở 2 xóm 8 và 9. Nguyên liệu phục vụ cho làng nghề được thu mua ở các xã ven sông Lam có diện tích đất màu, đất bãi bồi lớn như xã Hưng Xá, Hưng Long (Hưng Nguyên), xã Nam Cường (Nam Đàn)…
Mỗi năm làng nghề sản xuất khoảng 50.000 lít, năm 2013, giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 4 tỷ đồng; mức thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, khi mà không ít mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tiêu dùng thiết yếu có sử dụng chất bảo quản hoặc hoá chất độc hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, thì sản phẩm sạch như dầu lạc truyền thống đang được nhiều được khách hàng hướng tới. Hiện mới chỉ được huyện công nhận là làng có nghề, định hướng thời gian tới sẽ phấn đấu để được UBND tỉnh công nhận cấp bằng danh hiệu làng nghề, tiến tới đăng ký thương hiệu tập thể cho sản phẩm dầu lạc. Như vậy thương hiệu của dầu lạc Nam Xuân sẽ có vị thế nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ngọc Anh