Đẩy mạnh liên kết để phát triển
(Baonghean) - Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, thời gian qua ngành du lịch đã đẩy mạnh công tác liên kết giữa các vùng, miền, liên kết với các tỉnh trong khu vực, trong nước, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Nghệ An đến với du khách. Tuy nhiên, hiệu quả liên kết vẫn còn nhiều hạn chế.
Một trong những địa phương được tỉnh chọn ký kết hợp tác du lịch có bề dày truyền thống nhất là TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1995, hai tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại Thị xã biển Cửa Lò đã diễn ra Hội nghị hợp tác, phát triển du lịch giữa Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh. Đây là dịp để hai địa phương nhìn lại những kết quả đạt được sau một thời gian dài hợp tác, liên kết nhằm tuyên truyền quảng bá, xây dựng điểm đến, hỗ trợ trong phát triển dịch vụ, xây dựng nhân lực ngành du lịch… Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó giám đốc Sở VHTT và DL bên thềm hội nghị, được biết: Nổi bật nhất trong liên kết phát triển du lịch giữa hai tỉnh thời gian qua là phối hợp đưa tin, giới thiệu các hình ảnh du lịch trên tạp chí, báo, đài truyền hình, trang web của Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh... góp phần tích cực cho việc thu hút khách du lịch đến với Nghệ An, quê hương Bác Hồ và đến với TP Hồ Chí Minh.
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có 4 dự án đầu tư về du lịch tại Nghệ An (2 khách sạn 4 sao và 2 công viên)... Nhờ đẩy mạnh công tác khảo sát, phối hợp cùng phát triển, trong những năm qua, Nghệ An là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và khách du lịch quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng lượng khách (ước khoảng 20%). Ngoài ra, hai tỉnh đã phối hợp khảo sát, xây dựng, phát triển, mở rộng khai thác các tuyến, tour du lịch nội vùng, liên vùng, liên khu vực trong nước và quốc tế...
Ông Nguyễn Văn Chấn – Tổng giám đốc liên doanh du lịch Apec Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Hai tỉnh đều có những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hai tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá nhiều hơn nữa với những hình thức hấp dẫn, ví như xây dựng các tour theo chủ đề “Về thăm xứ Nghệ”, “Xuôi dòng sông Lam” hay “Về với miền Tây”... Còn ông Võ Văn Nhanh – Giám đốc Công ty khách sạn Sài Gòn – Kim Liên Nghệ An có ý kiến: “Tiềm năng du lịch của Nghệ An rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên trong khai thác vẫn còn hạn chế, Nghệ An mới chỉ khai thác được một mùa, còn các mùa khác Nghệ An mới chỉ là trạm dừng chân. Mong muốn của chúng tôi là các công ty lữ hành Nghệ An cần nghiên cứu, xây dựng các điểm đến của Nghệ An vào mùa đông”.
Cùng vui khắc luống tại Lễ hội Hang Bua 2014. Ảnh: Thành Chung |
Thời gian qua các công ty lữ hành đã liên kết chặt chẽ, bài bản với các điểm đến trong tỉnh có tiềm năng du lịch như Cửa Lò, Nam Đàn, TP. Vinh, các huyện miền Tây, hay các tỉnh trong khu vực, quốc tế để xây dựng các tour, tuyến du lịch phục vụ nhu cầu du khách. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Trình – Phó Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Vietravel có trụ sở tại Tecco – Quang Trung - Thành phố Vinh được biết: Bên cạnh liên kết xây dựng hệ thống các chi nhánh tại các tỉnh, các nước, liên kết còn đóng vai trò là đầu mối để Vietravel xây dựng và phát triển sản phẩm tour, tuyến mới đa dạng hơn, tận dụng được các lợi thế riêng của từng địa phương nhằm tăng cường tính liên kết sản phẩm trong vùng, giúp các tỉnh có điều kiện thu hút khách du lịch nhiều hơn từ những giá trị văn hóa, ẩm thực, lịch sử của địa phương.
Thời gian qua, Vietravel đã được Vietnam Airlines chính thức phối hợp để triển khai xúc tiến du lịch song phương Việt - Lào bằng cách tung ra hàng loạt sản phẩm sử dụng đường bay thẳng giữa hai thành phố như Vinh - Vientiane - Udonthani; Vinh - Vientiane - Bangkok – Pattaya… Phối hợp Vietnam Airlines xây dựng các tour dành cho người cao tuổi (theo thống kê, lượng khách hàng trong độ tuổi từ 50 trở lên chiếm trên 35% trong tổng số du khách của Vietravel hiện nay) như: “Về miền đất địa linh nhân kiệt – Quy Nhơn - Hầm Hô”; “Hà Nội – Ninh Bình – KDL Tràng An – Vịnh Hạ Long”; “Đà Nẵng – Hồ Truồi – Huế - Bà Nà – Hội An”…
Chính nhờ sự liên kết này lượng khách du lịch đến Nghệ An nói riêng, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ nói chung ngày càng gia tăng cả về chất lượng lẫn số lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, các tỉnh trong khu vực chưa thật sự chú trọng trong việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Những mô hình du lịch như “Hành trình kinh đô Việt cổ’’, hay ‘’Con đường di sản miền Trung’’, hoặc “Một ngày ăn cơm ba nước – Ba cố đô một điểm đến’’; “Ba quốc gia một điểm đến”… nhằm gắn kết những điểm du lịch, những di sản thiên nhiên, văn hóa của dải đất miền Trung với các điểm du lịch khác trong cả nước và với các cố đô của Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch như vậy chưa được quảng bá rộng rãi, hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn.
Một trong các lý do cơ bản đó chính là mối liên kết giữa các tỉnh trong khu vực còn lỏng lẻo, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng cho toàn vùng. Các địa phương hầu hết phát triển theo các thế mạnh tiềm năng sẵn có, chưa tận dụng được các thế mạnh và nguồn lực tổng hợp liên vùng gắn với các vùng du lịch với các vùng và địa bàn trọng điểm kinh tế. Hoạt động quảng bá xúc tiến còn mang tính riêng biệt, chưa xây dựng được hình ảnh du lịch chung của các địa phương để giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với các sự kiện du lịch, văn hóa, xã hội của các địa phương chưa được phát huy và tạo ra các chương trình, sản phẩm mới. Việc tổ chức các đoàn khảo sát chưa thường xuyên, kết nối điểm đến từ Nghệ An đến với các tỉnh, khu vực chưa nhiều, thường xuyên.
Để khai thác hết tiềm năng du lịch sẵn có, ngoài phát huy nội lực, vấn đề liên kết vùng, miền, khu vực cần được triển khai bài bản, chặt chẽ hơn từ chính các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch. Ngành du lịch các bên cần thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, chương trình tour để giới thiệu đến các doanh nghiệp, trong và ngoài nước. Trên cơ sở những định hướng trong chương trình hợp tác phát triển, các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch, tour du lịch kết nối các tuyến, điểm.
Phối hợp với hiệp hội du lịch địa phương vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia kích cầu thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn. Phối hợp xây dựng các điểm mua sắm, nhà hàng, các hãng tacxi, vận chuyển khách du lịch đạt chuẩn. Lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch, bãi biển, bến xe, nhà ga… Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên tham gia, không chỉ riêng ngành du lịch.
Thanh Thủy