Mùa măng rừng

24/05/2014 19:58

(Baonghean) - Sáng sớm, lúc con chim rừng chưa kịp cất tiếng gọi ngày, mẹ đã thức dậy lom khom dưới chái bếp nấu cơm nếp nương rồi gói ghém cẩn thận vào tàu lá chuối xanh để cha con tôi mang theo đi rừng hái măng. Sau khi đã trang bị cẩn thận tất tay, ủng và những vật dụng cần thiết như dao quắm, cuốc chim, gùi đựng… hai cha con tôi bắt đầu khởi hành. Đường rừng cheo leo sỏi đá và chằng chịt dây leo khiến chúng tôi phải khó khăn lắm mới đến được đúng khoảnh rừng có nhiều tre trúc.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm hái măng của mình, cha tôi lần theo những mô đất nhỏ quanh khóm tre,

Mang-ngay-tet-2.jpg
khóm trúc rồi lấy cuốc chim đào bới những củ măng non bẫm mọng, trắng nõn nà nằm ẩn sâu dưới lòng đất. Những củ măng non ấy ở quê tôi gọi là măng ấu, thứ măng đầu mùa ngọt bùi được rất nhiều người thích. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm được thứ măng quý này.

Cha tôi dạy, khi đi hái măng nếu thấy quanh khóm tre trúc có những mô đất nhấp nhô với những đường rạn nứt thì chắc chắn dưới ấy có những củ măng ấu đang cựa mình đội đất vươn lên. Quan sát kỹ càng theo những dấu hiệu nhận biết mà cha chỉ dạy, thỉnh thoảng, tôi cũng phát hiện ra những củ măng ấu.

Nhưng tay nghề của tôi còn vụng về nên có lúc đào măng vẫn làm những thân non bị sứt gãy một nửa. Cha lại dạy tôi cách cuốc đất sao cho vừa nhanh lại vừa lấy được nguyên vẹn những củ măng ấu. Nhờ những lời chỉ dạy tận tình của cha mà kỹ thuật lấy măng của tôi ngày càng trở nên thành thạo hơn.

Chỗ măng mà ngày ngày cha con tôi đi rừng hái về, một phần sẽ được mẹ chế biến thành nhiều món ngon giản dị như măng luộc, măng xào thịt ba chỉ, canh măng rô đồng, măng kho cá… Phần còn lại, mẹ sẽ thái nhỏ muối chua với ớt cay, quả móc mật hay đem phơi nắng làm măng khô để dành ăn dần và làm quà biếu người thân, họ hàng. Mỗi cách chế biến đều làm phong phú thêm cho hương vị của những củ măng rừng dân dã. Những hôm may mắn hái được nhiều măng, mẹ sẽ sắp hàng mang ra chợ phiên bán kiếm thêm thu nhập.

Thế rồi, sau đợt cháy rừng do nắng nóng kéo dài năm ngoái, những khóm tre trúc hóa thành tro bụi. Cha con tôi chấm dứt những ngày lên rừng hái măng và khăn gói đồ đạc vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Ngày chúng tôi trở về, ngàn măng đang bắt đầu tái sinh. Mầm xanh dần vươn lên lấm tấm. Một chiều lên thăm ngàn măng mọc mới, ánh mắt cha tôi đong đầy hy vọng. Rồi một ngày không xa nữa, rừng tre sẽ lại um tùm như xưa...

Phan Đức Lộc