Tiền điện nhà sếp EVN tăng, hàng xóm Thứ trưởng giảm

15/07/2014 20:15

Đại diện EVN Hà Nội cho biết tiền điện của gia đình đều tăng do thời tiết nắng nóng và việc tăng này so với việc sử dụng điện là hợp lý.

Tăng là hợp lý

Trước những bức xúc của dư luận về việc giá điện tăng đột biến trong thời gian vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã cử đại diện là Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội, các giám đốc điện lực quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm và một số chuyên gia của Tổng công ty tham gia trả lời phỏng vấn trực tuyến Vnexpress, giải đáp những thắc mắc của độc giả, người dân.

Thông tin tại cuộc phỏng vấn trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban kinh doanh của EVN Hà Nội cho biết, trong tháng 6 vừa qua, tiền điện của gia đình ông cũng tăng. Theo ông Thắng gia đình ông cũng chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng kéo dài, các cháu nghỉ hè nên các thiết bị sử dụng điện cũng như thời gian sử dụng điện của gia đình tăng lên nhiều so với các tháng trước đó.

"Tôi cũng hiểu rằng sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà tăng cao khiến các thiết bị dùng điện, đặc biệt là điều hòa tăng nhiều", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Đại diện EVN Hà Nội cho biết tiền điện của gia đình đều tăng do thời tiết nắng nóng và việc tăng này so với việc sử dụng điện của gia đình là hợp lý.

Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Thắng còn dẫn công thức tính tổn thất điện năng cụ thể bằng công thức Q=K x F x chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà. Trong đó, K là hệ số truyền nhiệt, F là diện tích của vách trần. Hai thông số này gần như không đổi, do vậy tổn hao nhiệt sẽ phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời.

Ví dụ như nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C, và nhiệt độ trong nhà đặt là 25 độ C thì chênh lệch nhiệt độ là 5 độ C. Giả sử trong những ngày nắng nóng nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C thì tổn hao nhiệt sẽ là 15 độ C, tức là tăng gấp 3 lần, đồng nghĩa lượng điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng gấp 3 lần. Theo khuyến nghị của nhà sản xuất cũng như chuyên gia, nếu chúng ta tăng 1 độ của điều hòa thì sẽ tiết kiệm được lượng điện năng từ 3-7% và ngược lại.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng cho biết, tiền điện của gia đình ông cũng tăng tiền điện do thời tiết nắng nóng.

"Hiện các cháu lại đang nghỉ hè và bật điều hòa và thiết bị làm mát cả ngày. Gia đình tôi thấy việc tăng này so với việc sử dụng điện của gia đình là hợp lý", ông Trung nói.

Đây hầu hết là những lý do mà trước đó đại diện EVN Hà Nội đã từng đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công thương diễn ra vào ngày 7/7 vừa qua.

Trong khi đó, cũng tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lại cho biết, giá điện nhà hàng xóm của Thứ trưởng giảm nhiều hơn so với tháng trước đó.

"Từ 1/6, ngành điện thay đổi cơ cấu biểu giá điện chứ không có chuyện tăng giá điện. Về chính sách, tôi khẳng định không có chuyện tăng giá điện, thậm chí, nếu thực hiện theo biểu giá mới còn có nhiều bậc giảm giá. Hàng xóm nhà tôi còn bảo giá điện giảm nhiều hơn so với tháng trước", Thứ trưởng Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Bộ đã chỉ đạo EVN kiểm tra rà soát lại việc hóa đơn có trường hợp tăng giảm. "Bộ Công Thương sẽ có kết luận sau khi có giải trình báo cáo của EVN", ông Hải cho hay.

Hóa đơn tăng phản đối, giảm sẽ kiểm tra

Cũng tại cuộc phỏng vấn trực tuyến, sau khi nhận được câu hỏi của độc giả Anh Kiệt về việc hóa đơn từ ngày 14/4 đến 13/5 là gần 1,3 triệu đồng. Còn từ 14/5 đến 13/6 là hơn 3 triệu. Điện tiêu thụ tăng hơn gấp đôi trong khi thời gian dùng điều hòa chỉ tăng đôi chút, liệu có sự khuất tất về chỉ số, ghi giảm tháng trước, dồn tăng tháng sau để người dân phải trả tiền điện ở mức giá cao.

Với số điện của khách hàng sử dụng, theo cách tính giá bậc thang thì càng dùng nhiều, giá điện càng cao!

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội khẳng định, không có chuyện ghi giảm tháng trước, để dồn tháng sau. Với số điện của khách hàng sử dụng, theo cách tính giá bậc thang thì càng dùng nhiều, giá điện càng cao.

"Theo số liệu bạn đưa ra thì từ 14/5 đến hết 31/5, hóa đơn điện được tính theo cơ cấu biểu giá cũ của thông tư 19 Bộ Công Thương ban hành. Từ 1/6 đến 13/6, hóa đơn điện được tính theo cơ cấu biểu giá mới theo thông tư 16", ông Nguyễn Quang Trung nói.

Tuy nhiên, trước thắc mắc về việc hóa dơn giảm trong khi tháng trước cao chót vót, liệu có phải là kết quả sau khi báo chí lên tiếng phản ánh ngành điện mới tính đúng tính đủ của chị Hoàng Thu Lan, ông Ngô Đạt Đức - Giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm Hà Nội thay vì một mực phủ nhận lại cho biết sẽ cử người tới nhà chị Hoàng Thu Lan để... điều tra, làm rõ.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, sở dĩ việc hóa đơn tăng đột biến đã được giải thích từ trước đó nhiều lần, đã có thông cáo gửi rộng rãi cho các cơ quan báo chí khi nhận được phản ánh cua khách hàng.

"Các trường hợp phản ánh có địa chỉ chúng tôi sẽ cử ban chuyên môn tới để kiểm tra các trường hợp có địa chỉ cụ thể, để giải thích và giải quyết, bất kể trường hợp tăng hay giảm. Tôi cũng xin đính chính, không phải điều tra mà là kiểm tra cụ thể", ông Nguyễn Quang Trung nói.

Theo đọc báo