Suốt những mùa vui

12/06/2014 10:39

(Baonghean) - Trong những mùa giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An, chúng tôi đã có nhiều dịp đồng hành cùng các em nhỏ, cán bộ của trung tâm VHTT để “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” với nhiều trải nghiệm thú vị. Chính những trải nghiệm ấy đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Mùa giải lần thứ XV - năm 2011, chúng tôi đã có dịp về với huyện miền núi xa xôi nhất của xứ Nghệ là Kỳ Sơn. Chẳng biết bóng đá xuất hiện và ngự trị trong trái tim của người hâm mộ ở đây từ khi nào; nhưng bất cứ mảnh sân nhỏ nào nơi thị trấn vùng cao Mường Xén này, cứ chiều chiều lại có rất đông người dân đủ mọi lứa tuổi đến tập luyện bóng đá và thi thố tài năng. Hỏi ra thì hay: Nơi mảnh đất chênh vênh bên dòng Nậm Mộ này, “sân cỏ” là một khái niệm khá xa xỉ, núi nối núi, đất bằng quá hiếm hoi nên một góc sân nhỏ cũng trở thành cầu trường.

Thế mới biết, tình yêu quá lớn đối với bóng đá đã khiến người dân nơi đây vượt khó, chắt chiu từng cơ hội để lên sân. Ngay cả đội tuyển nhi đồng con cưng của huyện thi đấu Cúp Báo cũng đành hài lòng với mảnh sân xi măng nhỏ trước Nhà văn hóa huyện. Anh Vy Văn Bích - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện lúc ấy cười thắng lợi tinh thần trước khó khăn: Đá sân xi măng sẽ giúp đội về vòng chung kết bỏ qua công đoạn phải làm quen với sân gỗ. Năm nay, Kỳ Sơn quyết đưa đội nhi đồng vào thẳng vòng chung kết… Nhìn các em say mê luyện tập bằng tất cả sự nhiệt tình, háo hức, quyết liệt đua tranh; bằng những cú xoạc bóng trên xi măng trầy da, rớm máu, ngã rồi lại dậy mà càng thương và thêm yêu.

Vì niềm vui bóng đá của trẻ thơ, trong những mùa giải đã qua, chúng tôi đã có vài dịp đồng hành cùng các huấn luyện viên như anh Trần Văn Sơn – đội Đô Lương đi về từng xã để tuyển quân. Để thuyết phục được gia đình cho phép “ngôi sao” Thái Doãn Hiếu nhập đội dự giải là không dễ. Cháu Hiếu vốn học rất giỏi, cha mẹ cháu không muốn cháu vì ham bóng đá mà xao lãng chuyện học hành. Hiếu thích tập bóng lắm nên nhờ thầy về nói hộ, vậy nên kỳ công lắm anh Sơn mới thuyết phục được gia đình cho cháu tham gia, rèn luyện sức khỏe và thi đấu.

Ấn tượng trong chúng tôi đó còn là huấn luyện viên Nguyễn Thành Quang, huyện Quế Phong trước và sau mỗi buổi tập lại đích thân cầm lái vượt hàng chục cây số để đón, đưa các cầu thủ nhí trở về nhà an toàn; là huấn luyện viên Thái Khắc Biên, đội Thái Hòa năm nào cũng “nuôi cơm, nuôi ở” miễn phí vài ba cậu học trò nhà ở xa ra “trọ học” theo lớp bóng đá của thầy… Là cổ động viên Phạm Thị Hồng ở huyện Nam Đàn đã 14 năm đi cùng Giải Bóng đá Thiếu niên- Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Không chỉ cổ vũ riêng cho đội nhà, mà hầu như ở mỗi trận đấu của giải, bà đều có mặt để tích cực động viên các cháu cố gắng lên. Tiếng hô của bà Hồng “Cháu cứ đá đi, cháu ơi! Bà thương cháu” đã trở thành ấn tượng khó phai trong mỗi người đến với giải.

Công Mạnh