Vợ lính đảo

29/05/2014 16:07

(Baonghean) - “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua..." - xin mượn lời trong bài hát "Nơi đảo xa" của nhạc sỹ Thế Song để phác họa hình ảnh người chiến sỹ Hải quân. Và phía sau họ là hậu phương, nơi những người vợ lính đảo đang tảo tần, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để các anh chắc tay súng canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc…

Niềm hạnh phúc của mẹ con chị Bùi Thị Yến.
Niềm hạnh phúc của mẹ con chị Bùi Thị Yến.

TIN LIÊN QUAN

Thời điểm cả nước đang hướng về Trường Sa thân yêu, chúng tôi đã tìm đến nhà chị Bùi Thị Yến ở xóm 14, Phúc Thành, Yên Thành vào buổi chiều muộn cuối tháng 5. Chị đang tất bật lo bữa cơm chiều cho hai thiên thần nhỏ: con gái Văn Bùi Quỳnh Chi (sinh năm 2007) và con trai Văn Bùi Minh Trí (sinh năm 2012). Trong tiếng bi bô của cậu bé Minh Trí nũng nịu đòi mẹ, tiếng cô con gái Quỳnh Chi hỏi xem hôm nay nhà mình ăn món gì, tiếng mẹ dỗ dành con, căn nhà như ấm áp lạ thường.

Dù trước đó cả hai là bạn học cùng lớp cấp 3, thế nhưng chỉ đến khi chị Yến nhập học Trường Dược ở Hải Dương, anh Văn Minh Tài là học viên Trường Đại học Lục quân 1, cả hai mới để ý đến nhau, và tình yêu cũng đến rất tình cờ, nhẹ nhàng, bền bỉ qua những cánh thư. Năm 2001, anh ra trường và được điều về Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh – Khánh Hòa). Vẫn biết làm vợ người lính sẽ chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, ít có thời gian chăm sóc vợ và các con, bố mẹ anh ở Long Thành tuổi cũng đã cao, thế nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn trước mắt, năm 2006, anh về phép và một đám cưới giản dị diễn ra đầm ấm có sự góp mặt của đồng đội, bạn bè và họ hàng hai bên. Đợt đó anh được nghỉ phép hơn 1 tháng – cũng là đợt nghỉ phép nhiều nhất của anh. Bởi những năm sau đó anh Tài tiếp tục được điều động đi các đảo Tiên Nữ, Sinh Tồn và hiện nay anh đang chỉ huy huấn luyện ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa.

Chị bảo rằng trước khi lấy anh, chị đã nghĩ đến cảnh xa chồng biền biệt, thế nhưng đó mới chỉ là trong ý nghĩ. Chỉ đến khi sinh con, nuôi con một mình, tự quyết định những việc mà đáng lẽ là của anh – chị mới thấm thía và càng thấy mình cần phải cứng rắn hơn, quyết đoán hơn, để sẽ là chỗ dựa vững chắc cho anh, cho các con và cho cả bố mẹ già yếu. Chị đã tự lên cho mình một kế hoạch rất cụ thể: Từ việc chăm các con, đưa đón con đi học, thăm ông, bà nội đến việc mua sắm, sửa chữa nhà cửa. Dù anh ở xa nhưng mỗi lần chị có ý định làm một việc gì đó, chị đều gọi điện ra đảo hỏi ý kiến của anh, anh có đồng ý chị mới thực hiện.

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của chị Yến khi một mình nuôi hai con nhỏ. Khổ nhất là lúc con ốm đau, một mình không biết kêu ai, ông, bà nội thì già yếu, chị chỉ biết ôm con và khóc. Thế nhưng những lúc anh gọi điện về hỏi thăm, chị vẫn bảo mẹ con khỏe cả, chị mong anh mạnh khỏe, vững tay súng để bảo vệ biển đảo quê hương. Kể cả thời điểm này, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở quần đảo Trường Sa, chị rất lo, trưa nào, tối nào cũng mở thời sự để nghe tình hình. Đợt này, đang vào mùa huấn luyện, anh Tài cũng ít gọi điện về, thế nhưng lần nào gọi điện về cho chị, anh cũng bảo chị yên tâm, biển đảo vẫn là của ta, cả nước, cả thế giới đang hướng về Trường Sa, không có gì phải băn khoăn cả, các anh ở ngoài này quyết gìn giữ, bảo vệ đến cùng.

Vẫn biết chồng ở đảo, được Đảng và Nhà nước, nhân dân quan tâm, chị mừng lắm. Mỗi lần anh được về phép, dù thời gian rất ngắn, nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của chị. Bởi chị có thể trổ tài nội trợ, nấu các món ăn mà anh thích, điều quan trọng là thức ăn chị nấu ra có người khen ngon, dù lời khen ấy đối với nhiều người phụ nữ rất đỗi bình thường nhưng với vợ của lính đảo, đó là những lời động viên hiếm hoi, quý giá hơn gấp nhiều lần những món quà khác. Còn anh thì tranh thủ sửa chữa đoạn dây điện bị đứt hay cái quạt điện bị hỏng cho mẹ con. Tính anh ít nói, cứ im lặng làm và không bao giờ phàn nàn với vợ chuyện này chuyện kia.

Thấy có khách đến chơi nhà, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Liên chạy sang, trong câu chuyện với chúng tôi, bà tâm sự: Ngày chị Yến lấy chồng, bà đã bảo với con là quyết định lấy chồng bộ đội con phải biết hy sinh, làm vợ bộ đội phải biết chịu thiệt thòi về mình. Được cái cháu Tài ở xa nhưng những lúc rảnh rỗi lại gọi điện về hỏi thăm vợ con, nói chuyện với bố mẹ, nhờ bố mẹ chăm sóc vợ con nên chúng tôi cũng yên lòng”. Thấy các cháu hay ốm đau, con rể lại đi xa, bố mẹ chị Yến đã quyết định cho vợ chồng chị mảnh đất trong vườn, hỗ trợ hai vợ chồng xây nhà, mở cho chị Yến một hiệu thuốc nho nhỏ đầu ngõ. Như thế cũng tiện cho chị Yến và cho cả ông bà. Từ ngày về ở với ông bà ngoại, anh Tài đi xa cũng yên tâm hơn. Quỳnh Chi và Minh Trí đỡ quấy mẹ.

Nhắc đến hai con, đôi mắt chị Yến sáng ngời hạnh phúc, dù có vất vả đến bao nhiêu chị cũng chịu đựng được, vì bên chị đã có các con. Chia tay mẹ con chị Yến trong bóng chiều hoàng hôn, bóng chiều gợi nhớ về sự sum họp, sự đoàn tụ sau một ngày làm việc. Đi xa lắm rồi mà vẫn thấy bóng mẹ con chị đứng vẫy tay nơi đầu ngõ, mang theo niềm day dứt của chị: mong một ngày gần nhất được ra đảo thăm chồng, thăm đồng đội của chồng.

Lời bài hát “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh...” nghe da diết, tự hào biết bao. Những người lính đảo như anh Tài vẫn ngày đêm chắc tay súng vì phía sau họ đã có một hậu phương thủy chung.

Thanh Thủy