Lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

20/06/2014 15:04

(Baonghean.vn) - Câu hỏi 27. Lập trường và chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông?

Trả lời: Lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Chiến sĩ đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: VNE
Chiến sĩ đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: VNE

Chủ trương của ta là bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích của ta ở Biển Đông; giữ gìn môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); đối với tranh chấp trên biển liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc (như vấn đề Hoàng Sa hay cửa vịnh Bắc Bộ), hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác (như vấn đề Trường Sa liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan), thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của các bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam

(Còn nữa)