Quan điểm pháp lý về quyền "thụ đắc lãnh thổ" của các bên tranh chấp
(Baonghean.vn) -Câu hỏi 30: Quan điểm pháp lý về quyền "thụ đắc lãnh thổ" của các bên tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa?
Trả lời: Để bảo vệ cho chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các bên tranh chấp đã dựa vào những nguyên tắc pháp lý chủ yếu như sau:
- Trung Quốc: Chủ quyền lịch sử.
- Philippines, Malaysia: Chủ quyền do tính kế cận địa lý.
Theo nhận xét của các chuyên gia pháp lý quốc tế thì những nguyên tắc này hoàn toàn không có giá trị để chứng minh và bảo vệ cho những hành động chiếm đóng phi pháp của các bên tranh chấp, đặc biệt là quan điểm "chủ quyền lịch sử" của họ.
Bản đồ Malaysia phát hành năm 1979 |
Học giả Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, là một trong những chuyên gia luật biển nổi tiếng của Trung Quốc và quốc tế nhận xét:
"Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ "thiêng liêng".
Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử... Nhưng những chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại... Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế.
Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là "có" thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta đã không có được điều đó...
Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), có một chiếc tàu hàng Pháp chở đồng đi qua vùng biển "Tây Sa" thì gặp cướp biển, bị cướp sạch.
Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường.
Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (có lẽ là tri huyện) địa phương.
Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng Pháp: "Nơi chúng ta đứng đây có tên là "Thiên Nhai Hải Giác" (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản".
Thế rồi tống cổ tay thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về Pháp biết ăn nói ra sao? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng.
Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy lòng vòng, coi như đã truy bắt cướp.
Đó là chứng cứ gì? Đó chính là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên: chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận "Tây Sa " là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó.
Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng "Tây Sa" là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó.
Điều đó chả phải đã chứng minh "Tây Sa" từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Thật là muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó bóp chết viên tri phủ kia!...".1
Về quyền "thụ đắc lãnh thổ" theo nguyên tắc "kế cận địa lý": một số quốc gia đã dựa vào sự kế cận về vị trí địa lý để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình, họ thường nói vùng lãnh thổ này ở gần lãnh thổ của họ hoặc nằm trong vùng biển, thềm lục địa của họ, nên "đương nhiên" thuộc chủ quyền của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lập luận này không được thừa nhận như là một nguyên tắc pháp lý. Bởi vì, trên thế giới có khá nhiều vùng lãnh thổ mặc dù nằm gần với nước này, nhưng vẫn thuộc chủ quyền của nước khác xa hơn.
"Thực tiễn lãnh thổ quốc gia không nhất thiết phải liền kề nhau, ví dụ bang Alaska tách rời các bang khác của Hoa Kỳ. Trong vụ tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc giữa Đức với Đan Mạch và Đức với Hà Lan (1969), tính kề cận địa lý không có giá trị mà sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ ra biển mới mang lại danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia có thềm lục địa đó. Ý nghĩa của nguyên tắc này cũng góp phần giúp cho việc đánh giá một cách khách quan, công bằng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời vạch trần những luận điểm mơ hồ mang tính áp đặt trong yêu sách cua Trung Quốc và các nước khác đối với Hoàng Sa và Trường Sa và Trường Sa của Việt Nam".2
---------------------------------
1 Nguồn: Báo Tiền Phong
2 Nguồn: PGS. TS. Nguyễn Bá Diến viết trên trang: nghiencuubiendong.vn
Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam
(Còn nữa)