Triệu phú trên vùng đất hoang
(Baonghean) - Hơn 10 năm vắt từng giọt mồ hôi chát mặn xuống vùng đất hoang hóa Hóc Môn, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Hồ Bắc ở xóm 3, xã Lăng Thành (Yên Thành) đã xây dựng nên trang trại tổng hợp, quy mô khá lớn. Mùa nào thức ấy, mỗi năm vợ chồng ông thu về nửa tỷ đồng...
Dưới cái nắng chang chang giữa chiều, ông Bắc vẫn ngược sườn đồi thăm đàn bò. Nhìn đàn bò đang gặm cỏ dưới tán rừng tràm, ông Bắc tâm sự: “Cách đây 7 năm, tui đầu tư mua 4 con bò sinh sản. Bây giờ, đàn bò gần 20 con, là tài sản lớn nhất của vợ chồng sau 12 năm làm trang trại”. Men theo từng bước chân thoăn thoắt của ông qua mấy vạt ruộng, trước mắt là một ngôi nhà nhỏ, xung quanh ao hồ và những vườn cây xanh um, có cả chuồng trại chăn nuôi gà, vịt. Tôi phải ngỡ ngàng đến thán phục ông, một “triệu phú” chân đất từ chính đồng đất đồi bạc màu quê mình. Một lão nông, quanh năm làm lụng với mấy sào ruộng khoán, chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn, mà bây giờ ông là một CCB dẫn đầu về phong trào phát triển chăn nuôi trang trại. Trong tay vợ chồng ông Bắc hiện quản lý cả một vùng đất Hóc Môn, diện tích 5 ha ao cá và các loại cây trồng khác...
Mở đầu câu chuyện làm trang trại, vợ chồng ông Bắc khoe, mới rồi, đầu tư hơn 40 triệu đồng xây dựng đường điện dài hơn 2 km vào trang trại. Từ ngày có điện lưới, cuộc sống đỡ vất vả nhiều. Hồi mới vào, đêm đến tối om om, con cái không đứa nào ở lại. Năm 2003, ông tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng, thuê máy múc hơn 1 tháng đắp con đập này. Diện tích mặt nước của đập rộng 1 ha, có nơi sâu tới 2 mét nước, có cả hệ thống tràn chống lũ, do vậy, mùa mưa không lo sạt lở thân đập. Có con đập, 1,5 ha ruộng luôn chủ động nước tưới, mỗi năm cấy 1 vụ xuân ăn chắc, năng suất lúa đạt 2,5 tạ/sào/vụ. Kết hợp với cung cấp nước tưới là nuôi thả cá.
Còn trước đây, mặc dù ruộng có nhiều, nhưng hễ hạn hán là lúa mất mùa, nhiều năm mất trắng. Bây giờ có đập, chủ động nước tưới, mỗi năm thu về 6 - 7 tấn lúa. Ngần ấy diện tích mặt nước là điều lý tưởng để nuôi thả cá. Hàng năm, ông thả các loại giống cá truyền thống, như trôi, trắm, mè, chép… lượng thức ăn phù du dồi dào, kết hợp cho ăn thêm cám gạo, cá nhanh lớn. Vào những ngày lễ, tết, thương lái đến đánh bắt, chọn những con trên 2 kg, mang đi tiêu thụ. Chiều xuống, ngồi trên bờ đập, hưởng cái cảm giác làn gió mát, rắc ít nắm cám gạo xuống mặt nước, ngắm nhìn đàn cá to ăn mồi, thật vui! Chính cái đập nước này đã tạo nên cái “hồn” của trang trại, là niềm ước ao của những người mỗi khi đến thăm trang trại này.
12 năm về trước, vùng đất Hóc Môn của xã Lăng Thành là nơi chăn thả trâu bò, do vậy, đồi núi trọc lóc. Năm 2003, thực hiện chủ trương phát triển dứa cayen của địa phương, nhiều người muốn vào đây nhận đất trồng dứa, nhưng do xa khu dân cư, nên ai cũng ái ngại. Thấy vậy, vợ chồng ông Bắc mạnh dạn nhận đấu thầu 5 ha ở vùng thấp để trồng dứa, gắn với phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, quyết chí lập nghiệp trên vùng đất khó. Trong diện tích này, có 2 ha đất trũng, nếu chịu khó khai hoang, có thể cấy được lúa, còn lại là đất ven đồi. Vạn sự khởi đầu nan, ông xây một căn nhà nhỏ, làm nơi ở, kết hợp với khai hoang ruộng nước, đảm bảo lương thực, lấy ngắn nuôi dài. Tiếp đó, vợ chồng đầu tư trồng 1 ha dứa cayen, phần còn lại ông trồng cây lâm nghiệp. Vùng đất trũng 2 ha, chính là ruộng của ông cha trước, người dân sản xuất không hiệu quả, đành bỏ hoang cho cỏ cây chen kín. Nguyên nhân là đất nhiễm phèn và không chủ động nước tưới, bởi vùng này không có hồ đập, cây lúa cấy xuống, hoàn toàn phụ thuộc nước trời. Vậy là ông bắt tay vào cải tạo. Trước hết ông đào một ao cá, thuê nhân công nhàn rỗi tại địa phương đào mương đắp bờ be, làm đất, vơ sạch cỏ, thành những thửa ruộng phẳng phiu, sử dụng nhiều phân chuồng, kết hợp với rắc vôi bột chống phèn để cấy lúa.
Vợ chồng ông Bắc chăm sóc dứa trái vụ. |
Chiều về, gió thổi rì rào trên rừng keo, vợ chồng ông Bắc hồ hởi dẫn chúng tôi đi xem vạt dứa cayen và vườn cam. Đây là thời điểm chính vụ thu hoạch dứa. Vạt dứa của ông Bắc hẵng còn xanh lắm. Bà Đào Thị Thoa - vợ ông Bắc cho biết: Dứa của người ta đã thu hoạch gần hết, còn dứa của ông bà gần tháng nữa mới thu hoạch. Trời nắng như thế này, tôi phải dùng rơm, cỏ phủ kín quả dứa, tránh ánh nắng táp, làm khô cháy vỏ dứa, giảm năng suất, chất lượng, khách hàng kén mua. Chính vì dứa chín vào vụ muộn, nên thương lái tranh nhau mua, dễ bán với giá cao. Năm nào cũng vậy, riêng tiền bán dứa đã có trên 100 triệu đồng, là nguồn thu nhập chính tại trang trại này. Cạnh đó, là vườn cam 2 năm tuổi, trên diện tích khoảng 5 sào đất. Được đầu tư phân bón NPK và phân chuồng hợp lý, chăm sóc có kỹ thuật, cây nào cũng cành lá xanh tốt, nhiều cây đã ra quả bói. Ông Bắc thổ lộ, hồi trước cứ tưởng vùng đất này khó lòng trồng được cam, nhưng sau khi xem một số mô hình trồng cam trong huyện, gia đình ông mạnh dạn trồng giống cam bù. Mặc dù chưa cho thu hoạch, nhưng cây phát triển tốt, không sâu bệnh, tin chắc vụ sau quả sẽ sai và ngon.
Ở giữa vùng đất là hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt được xây dựng cẩn thận. Cách chăn nuôi gà của vợ chồng ông Bắc là kết hợp nhốt với thả vườn. Khi gà trọng lượng dưới 3 lạng, ông nuôi nhốt, cho ăn thức ăn công nghiệp. Khi gà cứng cáp, ông thả vườn, cho ăn thêm lúa gạo, nên chất lượng thịt ngon. Điều quan trọng hơn là trang trại cách biệt với khu dân cư nên đàn gà không bị lây lan dịch bệnh. Bằng kinh nghiệm thực tế, hằng năm ông Bắc phòng bệnh cho gà bằng cách tiêm phòng đủ các loại vắc xin, nên chưa bao giờ đàn gà nhà ông bị dịch bệnh. Trong chuồng lúc nào cũng duy trì gần 100 con gà mái đẻ, từ 200 - 300 con gà thịt. Hàng năm, cung cấp cho thị trường một lượng gà thịt và trứng đáng kể. Vận dụng mặt nước ao hồ và ruộng lúa, vợ chồng ông Bắc còn chăn nuôi vịt đẻ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bắc cho cá ăn. |
Mùa nào thức ấy, quanh năm có hàng hóa bán ra thị trường, nào dứa, vải, cá, gà, vịt… do vậy, dù phải vất vả bám từng ngày, từng giờ tại trang trại, nhưng cảm thấy vui, phấn khởi. Vợ chồng ông Bắc thổ lộ, riêng đàn bò, gia đình cần việc gì nhiều tiền mới bán, còn các thứ khác có trong trang trại, mỗi năm thu hoạch ước khoảng 400 - 500 triệu đồng. Sắp tới doanh số thu hoạch sẽ lớn hơn, bởi có thêm vườn cam và hệ thống hồ đập ngày càng nuôi được nhiều cá.
Điều đáng nể phục là tuy công việc trang trại quanh năm bận rộn, vợ chồng ông Bắc chỉ thuê nhân công vào những ngày thời vụ, có những lúc sử dụng trên 10 lao động thu hoạch. Cả gia đình gồm 4 người con và 2 vợ chồng đều “lăn lưng” ra làm. Lịch trình một ngày làm việc của vợ chồng ông Bắc không khác gì chiếc đồng hồ sinh học. Tờ mờ sáng, ông đi một vòng quanh trang trại kiểm tra vườn cây ăn quả, đàn bò. Còn vợ ông ra chuồng gà, vịt thu hoạch trứng, thu dọn vệ sinh chuồng trại. Sau đó mới chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Dù công việc ngày nào cũng vậy, nhưng nhờ bao năm gắn bó, chinh phục được vùng đất Hóc Môn nên bây giờ ngày nào cũng “hái ra tiền”, mê lắm!
Rời vùng gò đồi Hóc Môn, trên đường về, trong tôi rộn ràng bao niềm vui về “vùng đất hoang” ngày nào, giờ đã thay da đổi thịt. Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội CCB xã Lăng Thành đi cùng, tấm tắc: Vợ chồng ông Bắc đều là hội viên CCB, có được điều tốt đẹp đó là nhờ lòng kiên trì, chịu khó và niềm tin của CCB luôn giữ vững và phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ!
Xuân Hoàng