Cuộc "cách mạng đồng ruộng" ở Thanh Tường

26/05/2014 08:14

(Baonghean) - Chỉ trong vòng 1 năm, nhờ sáng tạo trong cách làm và hiệu quả từ công tác tuyên truyền, Thanh Tường (Thanh Chương) trở thành xã “đi sau” nhưng “về trước” trong công cuộc dồn điền, đổi thửa, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá….

Về Thanh Tường (Thanh Chương) giữa tiết trời tháng 5 nắng gắt, nhưng những mệt mỏi dường như tan biến khi chứng kiến “mùa vàng” bội thu trên mảnh đất khô cằn này. Thay vì những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chỗ cao chỗ thấp, giờ đây, bát ngát vùng bán sơn địa Thanh Tường là màu no ấm của cây lúa trĩu hạt trên những thửa ruộng ngút tầm mắt. Tự hào dẫn chúng tôi đi thăm đồng mùa gặt, ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Thanh Tường chia sẻ trong niềm vui được mùa: “Năm nay thắng to nhờ nhiều yếu tố: Trước hết, nhân dân thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống của phòng Nông nghiệp huyện phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đặc biệt là nhờ hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, người dân thuận lợi trong canh tác, sản lượng hơn hẳn!”

Ông dẫn chúng tôi xuống thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Hải (xóm 7, Thanh Tường). 1 năm về trước, gia đình anh Hải cùng các hộ khác trong xóm từng phản đối kế hoạch dồn điền, đổi thửa của xã. Thế nhưng, được sự vận động, tuyên truyền của cán bộ xã, cùng với việc tận mắt chứng kiến những động thái tích cực trong cải tạo cơ sở vật chất, những hộ dân từng bất đồng ý kiến đã trở thành những người tiên phong trong việc chuyển đổi, thậm chí còn vận động anh em, họ hàng cùng nhận những thửa ruộng gần nhau để “quy về một mối”, tiện canh tác và thu hoạch.

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Thanh Tường.
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Thanh Tường.

Đứng cạnh bên, anh Nguyễn Trọng Hữu - em rể của anh Hải khoát tay trong tiếng máy gặt liên hoàn, góp chuyện: “Đại gia đình tôi 18 khẩu, cùng canh tác trên thửa ruộng này. Trước đây lúc chưa dồn điền, mỗi nhà làm 5, 6 thửa trải dài khắp: Làng Rộng, Mậu Sẹo, Đồng Hói…, mà mỗi thửa chỉ bé như lòng bàn tay, đi cả ngày chưa thăm hết đồng vì mất thời gian di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Giờ thì quá tốt rồi, đây là mùa đầu tiên anh em trong nhà quây quần canh tác trên thửa ruộng mới, đỡ công, sức mà năng suất cao”.

Vùng Mậu Trại, vùng đất canh tác mới của đại gia đình anh Hải xưa nay vẫn được người dân xã Thanh Tường lắc đầu xem là vùng đất khó. Chỗ cao thì sỏi đá khô cằn, chỗ trũng thì lụt lội triền miên, thế mà giờ đây, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, năng suất 3,3 tạ/ sào trong năm đầu tiên canh tác trên đất mới đã mang lại niềm vui không kể xiết. Gia đình còn năng động cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, nuôi chim bồ câu… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngắm ruộng đồng bờ bãi của Thanh Tường, điều dễ nhận ra khó khăn của xã nhà trong việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, do các mảnh ruộng đều nằm ở “thế cài răng lược”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 1994, ruộng đất ở Thanh Tường được chia đều cho các hộ dân, trung bình mỗi hộ nhận ruộng rải rác ở 5 - 10 vùng đất, thậm chí cá biệt có hộ còn nhận ruộng nằm ở hơn 20 vùng đất khác nhau. Manh mún, nhỏ lẻ, xen kẽ gây nên nhiều khó khăn từ việc di chuyển, đến thủy lợi, phân bón… đều bất tiện. Năm 2008, chủ trương dồn điền đổi thửa lần thứ I do UBND huyện Thanh Chương phát động cũng đã phần nào khắc phục được tình trạng đó, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập. Mọi công việc tưởng chừng sẽ hoàn thành vào thời điểm năm 2011, khi kế hoạch dồn điền, đổi thửa được mang ra toàn dân bàn bạc và chỉ đạo sát sao, thế nhưng vẫn vướng 2 xóm 7 và 8 chưa đồng thuận. Cái khó thứ nhất chưa giải quyết rốt ráo, thì sang thời điểm năm 2013, khi hầu hết các các xã trong toàn huyện đã về đích, Thanh Tường lại đối đầu với khó khăn về hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi và cống tiêu thoát nước.

Nhận diện khó khăn để tìm ra giải pháp phù hợp, một mặt, Thanh Tường tập trung cải tạo, mở mới các tuyến đường nội đồng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi để nhân dân thuận lợi, yên tâm trong sản xuất làm ăn. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tổ chức các chuyến đi học tập kinh nghiệm ở những xã khởi sắc nhờ dồn điền, đổi thửa. Nhiều cách làm hay, sáng tạo và năng động, cùng với quyết tâm cao, giờ đây, ruộng đồng rộng lớn và cơ giới hóa nông nghiệp đã trở nên gần gũi với người dân xã Thanh Tường. Chị Nguyễn Thị Lan (xóm 2), phấn khởi: “Trước đây, mùa gặt vất vả không kể hết, nhưng giờ có máy móc thay sức người! Trung bình máy gặt đập liên hoàn nớ là cứ 10 phút/ sào, tất tần tật các công đoạn. Nhờ dồn điền, đổi thửa, ruộng đồng thoáng đãng, chơ như trước thì mỗi mảnh được một chút, máy gặt chạy chưa nóng đã hết ruộng rồi, tốn kém mất công lắm!” Gia đình chị Lan tự nguyện nhận 3 sào ruộng trên vùng đất khó. “Tuy xa nhà nhưng được cái tiện nước nôi, phân bón, máy móc… Thôi rứa là mừng, là công bằng, vì nếu nhận ruộng gần, đất tốt thì chỉ được 1 sào thôi, chủ trương khuyến khích tự nguyện nhận ruộng xa, ruộng khó của xã là rứa mà!”- chị Lan hồ hởi chia sẻ.

Ông Lê Đình Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương khẳng định: “Đề án dồn điền, đổi thửa được thực hiện trên toàn huyện với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, như hỗ trợ 1 triệu đồng/ xóm nếu về đích đúng tiến độ. Từ một huyện gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi ruộng đất, đến thời điểm này, Thanh Chương đã cơ bản hoàn thành. Nhờ vậy, cơ giới hóa nông nghiệp cũng có bước tiến mạnh mẽ, trước đây, toàn huyện chỉ có 80 máy nông nghiệp các loại, nhưng thời điểm đầu năm 2014 này đã có gần 800 máy. Hệ thống giao thông nội đồng đạt chuẩn tạo nhiều thuận lợi cho người nông dân bám ruộng sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại trên toàn huyện còn 3/38 xã chưa hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, đó là Cát Văn, Võ Liệt và Thanh Lâm. Bài học kinh nghiệm từ Thanh Tường rất hữu ích cho các xã đó, bởi biết biến bất lợi thành ưu thế là bài học lớn của xã Thanh Tường trong lộ trình dồn điền, đổi thửa, mang lại thành công chỉ sau 1 năm tăng tốc”.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, gắn chuyển đổi ruộng đất lần 2, Thanh Chương có 35/38 xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Toàn huyện đã mở mới được hơn 293 km đường nội đồng, nắn chỉnh và mở rộng trên 675 km; đồng thời lắp đặt hơn 41.000 cống giao thông và cống thủy lợi, tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân sản xuất nông nghiệp.

Phương Chi