"Khoảng trống" du lịch nghỉ dưỡng

09/07/2014 14:29

(Baonghean) - Trong xu hướng du lịch nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng hiện nay, du lịch nghỉ dưỡng ở Nghệ An đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu vui. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có thì du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn rất nhiều “khoảng trống”...

Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình du lịch kết hợp việc tham quan thưởng ngoạn, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa với việc bồi bổ sức khỏe hoặc chữa bệnh, giúp phục hồi sức khoẻ và lấy lại tinh thần sau những ngày làm việc mệt mỏi, những căng thẳng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Xét về mặt bản chất, yêu cầu để hình thành nên du lịch nghỉ dưỡng vẫn không ngoài các yếu tố như khí hậu trong lành, cảnh thiên nhiên tươi đẹp và có nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như thư giãn. Nói như vậy để thấy rằng, Nghệ An rất giàu tiềm năng và tài nguyên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng: Với hơn 83 km bờ biển tuyệt đẹp; hệ thống rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt ở khu vực phía Tây Nghệ An, thuộc dạng lớn nhất trong cả nước và đã được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với quan cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vỹ; nhiều hang động nổi tiếng được thiên nhiên kiến tạo độc đáo và gắn với các phát hiện về di tích khảo cổ như hang Thẩm Ồm, hang Bua, hang Thẩm Chạng, hang Cỏ Ngùn (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp); nhiều loại thác nước đẹp như thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Xao Va, thác Bảy Tầng, thác Ba Cảnh (Quế Phong), thác Đũa (Quỳ Châu); các suối nước khoáng nóng có thể chữa bệnh như suối nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương), nước khoáng Bản Khạng (Quỳ Hợp)...

Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ. Ảnh: Sỹ minh
Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ. Ảnh: Sỹ Minh

Trong lần về thăm Nghệ An, tham dự Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), ông A - Lanh - Đờ - Vô, trưởng đoàn công tác của Tổ chức hợp tác phát triển Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam rất hứng thú với việc ăn nghỉ trong các ngôi nhà sàn, tham quan các hang động và đạp xe hưởng thụ khí hậu vùng miền núi này. Ông cho hay: “Người đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc du lịch chữa bệnh không nhất thiết lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi. Điều quan trọng nhất là họ cần được sự thoải mái, thanh thản, thưởng ngoạn cảnh đẹp hay rèn luyện sức khỏe. Tuy chưa được khám phá Nghệ An nhiều nhưng bản thân tôi rất thích cảnh sắc, khí hậu trong lành nơi đây. Biển và những vùng đồi núi ở đây rất thích hợp cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng”… Giàu tiềm năng là vậy nhưng du lịch nghỉ dưỡng những năm qua của Nghệ An chưa được khai phá, phát lộ.

Có thể coi Bãi Lữ Resort là nơi tiên phong phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Nghệ An. Bãi Lữ Resort được triển khai từ năm 2005 đến năm 2008 chính thức khai trương, đi vào kinh doanh. Đây là khu du lịch sinh thái biển độc lập nằm trong vòng cung biển Đông Nam Lạch Vạn – Cửa Hiền – Cửa Xá, có diện tích gần 160 ha, tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Hệ thống dịch vụ văn hoá thể thao phong phú, bên cạnh các dịch vụ ăn uống, phòng nghỉ Bãi Lữ Resort còn có hệ thống dịch vụ phong phú: Hội nghị - hội thảo, massage, karaoke, lửa trại, văn hoá văn nghệ, câu lạc bộ thơ, xe điện, làng nướng, câu cá giải trí, câu mực ban đêm, xe đạp tình yêu…tour du lịch khám phá danh lam thắng cảnh và tìm hiểu văn hóa truyền thống về lịch sử xứ Nghệ quanh Bãi Lữ. Ông Nguyễn Quang Tình - giám đốc kinh doanh Bãi Lữ Resort cho biết: Bãi Lữ Resort chủ yếu đón khách nước ngoài từ các nước như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, các nước Đông Âu.

Sau Bãi Lữ Resort, những năm qua, ở Nghệ An cũng đã có một vài dự án, công trình được khai trương, xây dựng thế nhưng đều không thành công, trở nên đầu voi đuôi chuột. Du lịch nghỉ dưỡng ở Nghệ An thời điểm vừa qua chững lại với những lý do: Loại hình du lịch này chưa sẵn sàng đón “nhà giàu” và tương đối “ghẻ lạnh” với khách bình dân; Thứ đến, để xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng bề thế yêu cầu khắt khe là nhà đầu tư phải “trường vốn” và có tâm, có tầm, quan điểm phát triển dài hơi chứ không phải “ăn xổi”; Và cuối cùng, địa phương chưa có những cơ chế, chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư….

Bắt nguồn từ quan điểm phát triển đưa ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với bước phát triển nhanh, bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020, có tầm nhìn tới năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chương trình định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời triển khai xây dựng Đề án thu hút đầu tư các dự án lĩnh vực du lịch, nhằm tạo ra bước chuyển biến mới về sản phẩm du lịch, để Nghệ An trở thành trung tâm du lịch mạnh của vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, Nghệ An liên tục mở các hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn, kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư du lịch ở Nghệ An. Bên cạnh đó, tỉnh không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội; vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia phong trào giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, tạo sự thống nhất, đồng thuận cho phát triển du lịch; tăng cường đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch nói chung và du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, Nghệ An đang có nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể: Tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử văn hoá của Nghệ An để nâng cao hình ảnh Nghệ An và du lịch Nghệ An. Đồng thời giáo dục ý thức trách nhiệm toàn dân đối với việc bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hoá, môi trường tự nhiên, xã hội và phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa phi vật thể; đa dạng hóa các loại hình du lịch trên cơ sở tiềm năng sẵn có của du lịch Nghệ An như du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch nghiên cứu tìm hiểu văn hóa - lịch sử; du lịch làng nghề, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm...).

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng, hoạt động lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh du lịch. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; thực hiện phát triển du lịch đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc…Trong chuyến về làm việc tại Nghệ An thời điểm đầu năm 2014, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam có gợi ý: Du lịch phụ thuộc vào số lượng và chất lượng các dịch vụ gia tăng cung cấp cho du khách. Để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, Nghệ An có thể bắt đầu từ mô hình những tour "home stay" (ở cùng với người dân tộc) rồi đến nghỉ dưỡng kết hợp khu bảo tồn, resort ven biển.

Thanh Sơn