Những mô hình nông thôn mới

27/05/2014 22:28

(Baonghean) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Chương đã triển khai xây dựng 26 mô hình kinh tế thuộc 3 nhóm gồm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.

Trời nắng chang chang, sau buổi gặt, hai mẹ con bác Trần Thị Vinh ở xóm Tiên Kiều, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương tranh thủ kiểm tra vườn bí của gia đình ở sát đồng lúa. Vừa sửa sang lại những quả bí già đang nằm trên giàn và chăm sóc những nụ hoa mới nở đang gặp nắng hạn, bác Vinh cho biết, thời điểm hiện nay, giá bí xuống thấp, chỉ được 3 ngàn đồng/kg nên chưa ai muốn bán.

Đặc tính của bí là có thể để trên giàn một thời gian dài mà không bị hư hỏng nên người dân trong xóm đang tìm cách mặc cả với thương lái, quyết đợi lên giá mới thu hoạch. Trong thời gian chờ đợi này, một mặt người dân xóm Tiên Kiều lo thu hoạch lúa vụ xuân, mặt khác tranh thủ nguồn nước từ mương thủy lợi để trổ xuống các vườn trồng bí, thúc các giàn bí tiếp tục ra hoa, đậu quả. Những vườn bí ở xóm Tiên Kiều chính là kết quả của mô hình hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới do Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương thực hiện.

Theo đó, cả xóm Tiên Kiều có 25 hộ dân được lựa chọn để làm mô hình trồng trọt theo hướng thâm canh. Hai giống cây được lựa chọn là đậu cô ve và bí xanh, bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng rất thích hợp với hai loại cây này. Từ năm 2012, theo tiêu chí của mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 50% chi phí gồm giống, phân bón, tiền mua tre, nứa làm giàn và tất cả các hộ dân đều được đi học tập kinh nghiệm ở các vùng thâm canh hiệu quả ở huyện Anh Sơn và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Nhờ tuân thủ lịch thời vụ và kỹ thuật chăm sóc nên ở vụ đầu tiên, những ruộng đậu cô ve của xóm Tiên Kiều đều cho sản lượng rất cao.

Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ha đậu cho thu hoạch 3,5 tấn quả. Giá bán lúc cao điểm lên đến 15 ngàn đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Kết thúc mùa trồng đậu, Ban chỉ đạo nông thôn mới tiếp tục triển khai mô hình trồng bí. Giống bí xanh HN99 được lựa chọn và phát triển tốt trên đồng đất hai lúa của các gia đình tham gia mô hình. Lúc cao điểm nhất, bí được bán với giá 13 – 15 ngàn đồng/kg, trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình trong thôn. Hiện nay, toàn xóm Tiên Kiều có 25 hộ trồng bí, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 1 sào. Đến thời điểm thu hoạch, chính quyền xã Đồng Văn chủ động gọi thương lái mang ô tô vào tận ruộng thu mua. Nếu được giá, bà con chủ động bán, ngược lại, nếu giá quá thấp, người dân cũng chưa vội thu hoạch.

Cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương kiểm tra vườn bí  đến thời kỳ thu hoạch.
Cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương kiểm tra vườn bí đến thời kỳ thu hoạch.

Ở xã Thanh Liên, các gia đình ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã, Phạm Văn Dần, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Lưu Công Hiệp, Trưởng Ban Nông nghiệp xã là 3 hộ đầu tiên mạnh dạn thực hiện mô hình trồng bí chuyên canh vào năm 2012 từ sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới huyện. Đây là những đảng viên, có chí làm giàu, có khả năng canh tác, làm mô hình ngoài mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình còn để “người dân trong xã tin tưởng, làm theo”. Năm đầu tiên, nhờ sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đi tham quan mô hình, các ruộng bí của 3 hộ trên đều cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu khác. Thấy trồng bí có hiệu quả, đầu năm 2014, có 11 hộ dân trong xóm Liên Châu đăng ký phát triển mô hình trồng bí.

Đến nay, hơn 2,5 ha đất hai lúa chuyển đổi sang trồng bí ở xã Thanh Liên đều cho thu hoạch với năng suất khoảng 40 tấn/ha. “Khi được giá thì không nói làm gì, khi bí mất giá, khoảng 3 ngàn đồng/kg, người dân vẫn có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, lại không cần quá nhiều công chăm sóc, không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Việc thu hoạch bí cũng không phải lặn lội, vất vả một nắng hai sương như trồng lúa. Năm sau, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bí, biến cây bí thành cây chủ lực và mở rộng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ra các tỉnh phía Bắc, tránh việc tư thương ép giá”, ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Vụ xuân này, mô hình cá – lúa kết hợp lần đầu tiên được triển khai ở xã Thanh Ngọc. Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới huyện, 6 hộ dân gồm Lê Viết Mãi, Phan Thị Nga, Lê Hữu Dân, Lê Ngọc Huy, Lê Hữu Năm ở xóm Ngọc Thượng và anh Lê Đắc Thảo ở xóm Ngọc Đình đứng ra xin được thí điểm mô hình nuôi kết hợp cá – lúa trong vụ xuân 2014. Sau khi cải tạo bờ vùng, bờ thửa chắc chắn, những hộ dân này được đưa đi tham quan mô hình, cách chăm sóc cá, cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý cho lúa, đồng thời được hỗ trợ 100% cá giống cũng như thức ăn cho cá. Với tổng diện tích ruộng lúa thực hiện mô hình là 4,35 ha, những hộ dân này đã mạnh dạn thả hơn 216 kg cá giống.

Theo kết quả khảo sát mô hình vào giữa tháng 5 vừa qua, sau hơn 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ sống của cá đạt 80%, cân nặng trung bình khoảng 0,6kg/con, tổng sản lượng cá của 6 hộ đạt hơn 5 tấn. Với giá thu mua tại ruộng khoảng 30 ngàn đồng/kg, tổng thu nhập từ việc bán cá đạt hơn 150 triệu đồng. Cùng với đó, sản lượng lúa đạt gần 23 tấn, với giá thu mua hiện tại, tổng số tiền thu từ việc bán lúa đạt hơn 140 triệu đồng.

Tổng thu nhập từ cá và lúa đạt hơn 290 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí, 6 hộ dân lãi ròng hơn 157 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Kỷ, cán bộ nông nghiệp xã Thanh Ngọc cho biết, kết quả khảo nghiệm mô hình cho thấy, trên cùng một diện tích, nếu xen canh cá – lúa sẽ cho thu nhập cao hơn độc canh lúa khoảng 8,2 triệu đồng/ha. Không những vậy, việc xen canh còn mang lại hiệu quả lớn về môi trường khi người dân rất ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ,…

Mô hình trồng bí, đậu cô ve hay cá xen lúa là 2 trong số 3 nhóm mô hình mà Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện Thanh Chương triển khai đồng loạt ở các xã điểm trong toàn huyện. Với mục đích giúp người dân có được cái nhìn thực tế, có sự so sánh một cách hiệu quả trong việc triển khai các mô hình, từ đó họ mạnh dạn làm theo, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của huyện đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2013 – 2014, Ban Chỉ đạo đã xây dựng 26 mô hình kinh tế phân thành 3 nhóm chính gồm trồng trọt, xen canh lúa – thủy sản và chăn nuôi, triển khai ở 20 xã với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, các mô hình đang phát huy tốt hiệu quả kinh tế và được người dân các xã mạnh dạn nhân rộng. Anh Nguyễn Tư Hùng, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết, cái được lớn nhất trong quá trình triển khai mô hình là giúp người dân thấy rằng mình hoàn toàn có khả năng nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích, một phương thức canh tác nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ và biết liên kết với nhau.

Hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế ở huyện Thanh Chương không chỉ giúp người dân các xã trên địa bàn huyện có được những địa chỉ tin cậy để học tập, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu mà còn là một trong những nội dung hiệu quả của các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Góp phần quan trọng vào việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân.

Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đang ở mức 24,9% thì đến năm 2013, tỷ lệ này giảm còn 15,09%. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, toàn huyện Thanh Chương có 13/39 xã đạt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, 4 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, có 12 xã đạt tiêu chí về cơ cấu lao động,...

Thời gian tới, huyện Thanh Chương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thêm các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất, liên kết chặt chẽ các vùng sản xuất hàng hóa với vùng tiêu thụ, giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng người dân bị tư thương ép giá, với mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nông dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thắng lợi chương trình nông thôn mới của huyện.

N.Khoa