Ngân hàng thừa vốn, khách hàng không dễ vay

27/06/2014 18:00

(Baonghean) - Chưa bao giờ khách hàng vay vốn được “nuông chiều” như hiện nay - Đó là nhận xét của một cán bộ ngành ngân hàng trước tình trạng các tổ chức tín dụng dư thừa nguồn vốn, trong khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Những doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh tốt đang được các ngân hàng mời chào cho vay với lãi suất cạnh tranh. Tuy vậy, điều kiện vay vốn vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, do đó mặc dù ngân hàng thừa vốn nhưng khách hàng cũng không dễ vay.

Ngân hàng thừa vốn cho vay (ảnh có tính minh họa, chụp tại Ngân hàng ACB chi nhánh Nghệ An).
Ngân hàng thừa vốn cho vay (ảnh có tính minh họa, chụp tại Ngân hàng ACB chi nhánh Nghệ An).

Ngân hàng loay hoay đẩy vốn

Nhiều doanh nghiệp cho biết hầu như ngày nào cũng có nhân viên của các ngân hàng mời vay vốn, nhưng trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế, doanh nghiệp cũng cân nhắc cẩn trọng trong đầu tư. Thế nhưng, mặc dù ngân hàng tăng cường các biện pháp đẩy vốn “ế” nhưng khách hàng không dễ dàng vay. Ông Nguyễn Xuân Thông - Giám đốc chi nhánh VIB Vinh chia sẻ: Do khủng hoảng kinh tế, không có nhiều cơ hội tốt để doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đảm bảo sinh lời, đảm bảo trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nên niềm tin của ngân hàng đối với doanh nghiệp không cao. Khách hàng phải có tài sản đảm bảo thế chấp và có tính thanh khoản cao, chúng tôi mới cho vay. Đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tốt, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, ngân hàng sẵn sàng đầu tư vốn.

Theo các tổ chức tín dụng, nguồn vốn huy động đang dôi dư nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và khách hàng hạn chế, nhu cầu vốn thấp, rất khó tìm được khách hàng tốt để cho vay. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc chi nhánh HDBank Nghệ An cho biết: 6 tháng đầu năm nguồn vốn huy động của chi nhánh tăng mạnh, tính đến 31/5/2014, tổng nguồn vốn huy động của HDBank Nghệ An đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 600 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với đầu năm. Những người có nhu cầu vay thực chủ yếu vay làm nhà, mua xe, còn vay sản xuất kinh doanh rất ít. Một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn, nhưng bản thân doanh nghiệp đang mắc nợ xấu ở các ngân hàng khác nên HDBank không thể cho vay.

Còn một số doanh nghiệp nhỏ vừa nhu cầu vay vốn chỉ 1 - 2 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không ít doanh nghiệp vay vốn nhưng làm ăn không được, nhanh chóng trả vốn cho ngân hàng. Trước thực tế này, ngân hàng đã làm đủ mọi cách để tiếp cận khách hàng, tất cả các dự án nhà ở cao tầng trên địa bàn TP.Vinh đều ký hợp tác liên kết 3 bên, trực tiếp gặp các chủ đầu tư để ký hợp đồng mua nhà, tất cả người mua nhà đều có thể vay vốn tại HDBank; Bà Hiền cũng cho biết 1/3 vốn trong tổng dư nợ của chi nhánh là cho vay liên kết.

Tương tự, chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn đang dư thừa lượng vốn khá lớn. Tính đến 20/6/2014, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó tổng dư nợ chỉ đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so đầu năm. Ông Phan Hữu Phùng - Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn chia sẻ: Những năm trước áp lực huy động vốn, nay ngân hàng đối mặt với áp lực tăng trưởng tín dụng cho vay. Hiện, hấp thụ vốn của doanh nghiệp và khách hàng rất kém, đầu tư dài hạn trên địa bàn Nghệ An rất ít, các đơn vị mở rộng kinh doanh không nhiều, do vậy tăng trưởng tín dụng rất khó mặc dù ngân hàng rất muốn đẩy vốn cho vay, lãi suất cho vay của chi nhánh hiện từ 8% - 10%/năm. Cán bộ, nhân viên ngân hàng phải chủ động tìm khách, đi tiếp thị, phát thư ngỏ đến từng doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, ki ốt kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhưng thỉnh thoảng mới có một vài khách đến vay vốn.

Khách hàng vẫn khó vay

Thực tế cho thấy ngân hàng đang dư thừa vốn, muốn đẩy vốn ra, nhưng không ít khách hàng vẫn khó tiếp cận vốn. Ông Phan Văn Dương, chủ trang trại chăn nuôi ở xóm 2, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) bộc bạch rằng, ông làm kinh tế trang trại đã 13 năm nay, với quy mô khá lớn nhưng tiếp cận vốn vay rất hạn chế. Trang trại rộng hơn 4 ha, riêng đầu tư xây dựng hạ tầng hết 4 - 5 tỷ đồng. Quy mô chăn nuôi hiện nay gồm 10.000 con vịt đẻ, 2.000 con gà thả vườn, gần 4 ha ao cá; ngoài ra còn có 10 lò ấp trứng vịt lộn; mỗi ngày đàn vịt đẻ 9.500 quả trứng, tất cả đều cho vào lò ấp để bán trứng vịt lộn, mỗi ngày bán được xấp xỉ 30 triệu đồng. Quy mô trang trại lớn, nhu cầu vốn lưu động hàng năm cần khoảng 1 tỷ đồng, thế nhưng “chúng tôi thế chấp 2 bìa đất gồm nhà ở trong làng và bìa đất trang trại, ngân hàng chỉ cho vay 190 triệu đồng. Hồi đầu năm dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ ở một số địa phương, sản phẩm của trang trại không bán được, buộc phải nuôi cầm cự, mỗi ngày đàn vịt ăn hết 26 triệu đồng tiền thức ăn. Kẹt vốn quá, gia đình tôi xin vay thêm 100 triệu đồng, nhưng ngân hàng từ chối không cho vay, trong khi cả 2 bìa đất của gia đình đều nằm trong ngân hàng, muốn vay vốn ở ngân hàng khác cũng chịu, vì không có tài sản thế chấp nữa, rất khó cho trang trại”. - ông Dương bức xúc.

Cùng chung bối cảnh, ông Nguyễn Quốc Huệ - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường Thị trấn Hưng Nguyên cho hay: Năm 2010, HTX bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX mới, tự hạch toán thu chi. Với 5 loại hình hoạt động dịch vụ gồm: dịch vụ thủy nông, dịch vụ môi trường, vật tư nông nghiệp, nhà ở cho thuê, chăm sóc cây xanh. Ngoài vốn góp điều lệ, hàng năm HTX cần vốn khoảng 500 triệu đồng để đầu tư hoạt động nhưng chẳng có vốn, bản thân chủ nhiệm và phó chủ nhiệm HTX phải dùng bìa đất cá nhân của gia đình thế chấp ngân hàng vay 400 triệu đồng cho HTX hoạt động. Thời điểm này, HTX đang rất cần vốn để mua vật tư phân bón cung ứng cho vụ hè thu nhưng thiếu vốn, rất khó khăn.

Trong bối cảnh này, để khách hàng và ngân hàng gặp nhau, theo ông Phan Hữu Phùng- Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn: Khách hàng và ngân hàng cần thương thảo với nhau, có thể cơ cấu lại khoản nợ cũ, định giá lại thời gian trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho vay thêm để khách hàng có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất, có điều kiện trả nợ vốn vay tốt hơn. Về phía khách hàng cần cơ cấu lại nguồn đầu tư hợp lý, đầu tư cốt lõi, chuyên sâu theo lợi thế của mình để tăng sức cạnh tranh thị trường.

Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế rất lớn, song trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, sản xuất, kinh doanh chưa hết khó khăn, khả năng hấp thụ vốn và trả nợ kém. Vì vậy, ngân hàng cẩn trọng trong đầu tư vốn, tín dụng tăng chậm là điều dễ hiểu. Rõ ràng các nhà băng vẫn tính toán chắc ăn, chưa mạnh dạn đầu tư, cũng như chấp nhận rủi ro.

Quỳnh Lan