Xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

04/07/2014 16:04

(Baonghean) - Với tổng đàn vật nuôi lớn nhất, nhì trong cả nước, số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta là rất lớn nhưng xử lý môi trường trong chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập. Điều đó khiến ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

Nhận đất từ năm 2001, ông Phan Nguyễn Kiều ở xóm 2, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) tập trung đầu tư xây chuồng nuôi lợn, đào ao thả cá làm trang trại. Hiện tại, trong trang trại rộng 2,1 ha , thường xuyên có 1.000 - 1.500 con vịt, 70 - 100 con lợn, xen thêm mấy trăm con gà. Hàng ngày, lượng chất thải từ đàn vật nuôi này khá lớn, thế nhưng đến nay, trang trại của ông Kiều vẫn chưa có bể khí biogas, chưa có hệ thống xử lý chất thải. “Đất chưa được cấp quyền sử dụng ổn định nên cũng chưa dám đầu tư nhiều. Chất thải của lợn, gà vịt đều được xả xuống ao cho cá ăn hoặc dồn vào hố chứa, để lâu hoai thì đem làm phân, có mùi hôi là không thể tránh khỏi”- ông Kiều bộc bạch. Xã Hưng Đạo có 6 trang trại và 30 gia trại thì theo ông Lê Văn Thành (cán bộ Ban Nông nghiệp xã), hầu hết các trang trại này đều mang tính tự phát, đầu tư không bền vững, chưa có trang trại nào tiến hành xây dựng bể khí biogas để xử lý chất thải, mà vẫn đang “thủ công” là xả thẳng xuống ao, thậm chí một số trang trại, gia trại xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm.

Toàn huyện Hưng Nguyên có 480 trang trại và gia trại, trong đó có 78 trang trại đạt tiêu chí. Số lượng trang trại, gia trại lớn nhưng trong vấn đề xử lý môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Người nông dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thuần túy thủ công sang hình thức chăn nuôi công nghiệp vẫn chưa thực sự “bắt nhịp”. Tuy nhiên, do chưa thực sự bức bách, chưa bị kiểm tra xử phạt nên các hộ dân vẫn chưa coi trọng việc xử lý chất thải trong chăn nuôi đúng quy trình. Theo ông Nguyễn Văn Trường (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện), để giải quyết được vấn đề này, trước mắt, cần có quy trình xử lý bằng hóa chất vi sinh, khử mùi như một số ít trang trại trên địa bàn đã áp dụng. Về lâu dài, cần có khu xử lý tập trung theo quy hoạch.

Trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên).
Trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên).

Nghệ An có địa bàn rộng với những tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Hiện tỉnh ta là một trong những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất cả nước với trên 1 triệu con lợn, 17 triệu con gia cầm, gần 800 nghìn con trâu bò. Thế nhưng, trong phương thức chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt vấn đề xử lý về môi trường chưa thực sự được coi trọng, ở nhiều nơi, tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ngày càng phức tạp, không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà ngay cả tại một số trang trại, cơ sở chăn nuôi, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì nước, việc xử lý và quản lý chất thải trong chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, chất thải chủ yếu được xử lý theo các biện pháp như thải trực tiếp ra kênh mương, ao hồ, ủ làm phân bón cho cây trồng hoặc xử lý bằng công nghệ khí sinh học (biogas) và gần đây, ở các trang trại quy mô lớn sử dụng thêm phương pháp đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà. Theo ông Nguyễn Công Hòa (Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT tỉnh) thì những biện pháp như ủ làm phân bón, xây dựng bể khí và dùng đệm lót sinh học giải quyết được vấn đề ô nhiễm, đồng thời tạo ra những sản phẩm khác phục vụ sản xuất. Thế nhưng, những mô hình này lại chưa nhiều so với hệ thống trang trại chăn nuôi trên địa bàn, việc chất thải vật nuôi được thải trực tiếp ra kênh mương, ao hồ gây ô nhiễm môi trường vẫn đang phổ biến.

Các trang trại hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước, kênh mương, gây thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân mắc bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa và ghẻ lở do nguồn nước bị ô nhiễm. Không những thế, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn “góp phần” làm cho, các loại dịch bệnh như lở mồm, long móng trên gia súc, tai xanh, dịch cúm gia cầm… tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Thực tế, những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển theo xu hướng trang trại, tập trung sản xuất hàng hóa. Thế nhưng, ngay từ đầu, chúng ta đã thiếu quy hoạch chăn nuôi cụ thể, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi, lò mổ còn nằm lẫn trong khu vực dân cư, trên đất vườn nhà, đất mua hoặc thuê tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, con người và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân bố rải rác trong khi sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định dẫn đến sức đầu tư vào khâu xử lý môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật pháp của người dân chưa cao. Vẫn còn phổ biến tình trạng chăn nuôi, buôn bán, giết mổ tùy tiện, khi gia súc mắc bệnh không khai báo, giết mổ gia súc bị bệnh, vứt xác gia súc bừa bãi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Trong tình hình đó, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật từ tỉnh đến địa phương lại còn thiếu đồng bộ, lực lượng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thiếu do địa bàn hoạt động rộng, số lượng sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhiều. Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nói chung về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi là chưa đúng mức, chưa hành động cụ thể.

Rõ ràng ngành chăn nuôi phát triển nếu không đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống và ngược lại, cũng tác động trực tiếp vào sức khoẻ vật nuôi, phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh. Ông Nguyễn Công Hòa cho biết: Định hướng trong thời gian tới, chúng ta sẽ từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp, trang trại, gia trại, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp. Chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao vùng đồng bằng đến nơi có mật độ dân số thấp ở trung du, miền núi, hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư. Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, ngoài các giải pháp về kỹ thuật, con giống, thì một trong những vấn đề cần được chú trọng trong thời gian tới là việc xây dựng chuồng trại phải theo đúng quy định, cách biệt khu dân cư, quy hoạch phát triển chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, xây dựng công trình khí sinh học.

Phú Hương