Giữ "lửa" nghề

22/07/2014 20:33

(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên ở làng biển, vị mặn mòi hoà quyện cùng mùi thơm đặc trưng của nước mắm tinh khiết, thứ đặc sản quê hương dường như đã trở thành tình yêu, nỗi luyến lưu mỗi khi xa quê kiến ông luôn trăn trở. Để rồi về hưu, người thương binh Hoàng Đức Thương (khối Hải Giang I, phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò) quyết tâm phát triển kinh tế từ chính nghề nước mắm, những mong góp phần gìn giữ và phát triển nét đẹp truyền thống của quê hương.

Thương binh Hoàng Đức Thương kiểm tra chất lượng nước mắm.
Thương binh Hoàng Đức Thương kiểm tra chất lượng nước mắm.

Nhà ông nằm dọc theo con đường chạy thẳng ra Cảng cá Cửa Hội. Nơi đây là chợ cá sầm uất vào mỗi sáng sớm, khi những con tàu vừa cập bến sau chuyến ra khơi. Từ bé, ông đã làm quen với nghề làm nước mắm, với ông “cái nghề ấy cực nhưng mà đáng trân quý”. Bởi trong ký ức của mình, thời ông bà, bố mẹ ông đã một nắng, hai sương miệt mài “chưng, cất những giọt tinh tuý của biển cả”. Vừa dẫn tôi đi thăm nơi ủ, hong, phơi nước mắm với những dãy thùng lớn, bé… vừa chia sẻ: Nghề làm nước mắm cũng lắm công phu, từ cách chọn cá sao cho tươi, ngon, cách trộn đều đúng tỷ lệ muối và quan trọng là cá được ủ đúng quy trình trong suốt 12 tháng và phơi kỹ, được nắng thì nước mắm sẽ thơm, ngon. Rồi ông mời tôi nếm thử. Cảm nhận vị ngọt đậm đà, lan tỏa để thấy tình yêu của người thương binh già với cái nghề truyền thống của làng biển dù đã nhiều năm ông sống xa quê hương.

Năm 20 tuổi ông bước vào quân ngũ. Đó là những ngày tháng ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Huế, vào tận miền Đông Nam bộ. Ông bị thương ở chiến trường Quảng Trị năm 1968. Đó là trận đánh không thể nào quên trong ký ức của người lính già. Ông kể: hôm đó, Tiểu đội 1, Đại đội 11, Tiểu đoàn 4 do ông làm Tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ tiền trạm, bất ngờ trúng bom địch. Trong trận chiến ấy, ông bị thương nặng, cánh tay trái trúng mảnh bom. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông được cử đi học sỹ quan hậu cần và về công tác tại Sư đoàn 968, Quân Khu 4. Vết thương chiến tranh còn in hằn trên cơ thể người lính già với thương tật 1/4. Những khi trái gió, trở trời, ông lại phải chịu đựng những cơn đau do vết thương tái phát. “Mảnh đạn còn trong cánh tay, trên trán và suốt đời làm bạn với nó” – ông tếu táo đùa.

Ngày trước gia đình ông nghèo lắm. Vợ ông là công nhân xí nghiệp chế biển thủy sản. Những năm kinh tế khó khăn, xí nghiệp giải thể, bà vẫn tiếp tục tự làm nghề. Thế nhưng, để chăm lo cho 4 người con ăn học, kinh tế gia đình ông luôn chật vật. Nhận thấy, nghề làm nước mắm thuận lợi để phát triển vì nguồn cung cấp cá tươi sẵn có, lại có kinh nghiệm với nghề truyền thống này. Hơn nữa, nghề làm nước mắm không chỉ là đem lại thu nhập cho gia đình còn góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, bởi vậy ông Thương đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất. Đó là đầu những năm 2000, ông vay vốn ngân hàng gần 100 triệu đồng để xây dựng bể chứa sản xuất nước mắm. Ban đầu, gia đình ông làm 10 thùng chứa, mỗi năm sản xuất 5 - 6 tấn nước mắm.

Mặc dù nghề làm nước mắm ở Hải Giang đã có từ lâu đời, thế nhưng thời điểm cách đây chừng 5 năm, hầu hết các gia đình làm nghề phải tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để phát triển nghề, ông mạnh dạn mua xe bán tải nhỏ đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Ông chia sẻ: “Nước mắm Cửa Lò lúc đó chưa được biết đến nhiều. Bởi thế, người dân chúng tôi đã “tìm hướng đi” cho sản phẩm làng nghề bằng cách đóng chai và vận chuyển, đi giới thiệu khắp nơi, có khi là Đô Lương, Nam Đàn, có khi lên tận mãi Quỳ Châu, Quế Phong… để người dân biết đến nước mắm Cửa Lò nhiều hơn”. Nhờ vậy, sản phẩm nước mắm ngày càng đến được với nhiều vùng quê. Sản phẩm bán chạy nên gia đình ông đã mở rộng thêm quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình ông sản xuất chừng 15 tấn/năm. Vào những thời điểm sản xuất nhiều, ông còn thuê thêm 3 - 4 lao động. Thu nhập từ nghề làm nước mắm mang lại khoảng 150 triệu đồng/năm.

Cũng chính nhờ thu nhập cao từ nghề mà đời sống gia đình ông ngày một khá giả, có điều kiện chăm lo cho 4 người con ăn học đầy đủ. Ông giáo dục các con ngay từ bé về sự chịu khó, chăm chỉ vươn lên như chính nghị lực của những người dân miền biển một nắng hai sương. Nhờ vậy, các con ông đều đỗ đại học và thành đạt, ông chia sẻ: “Có được điều đó phần lớn là nhờ vào nghề truyền thống của cha ông để lại”. Cũng chính bởi tâm niệm đó mà người thương binh già luôn trăn trở tìm cách để phát triển làng nghề.

Sau khi về hưu, ông đảm nhiệm vai trò Bí thư chi bộ khối, kiêm Trưởng làng nghề nước mắm Hải Giang I. Với vai trò này, ông luôn đi đầu, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền các hộ làm nghề giữ gìn và phát triển thương hiệu làng nghề. Ông còn tham mưu với chính quyền địa phương triển khai phương thức, các hộ liền kề theo dõi, giám sát lẫn nhau để đảm bảo chất lượng sản phẩm của làng nghề… Với định hướng phát triển làng nghề gắn với xây dựng sản phẩm du lịch, ông Thương chủ động tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về ý thức làm du lịch, không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm mà còn quảng bá về nghề truyền thống, quy trình làm ra từng giọt nước mắm thơm ngon, đậm đà, riêng có của làng. Nhờ vậy, ý thức làm du lịch của người dân ngày càng được nâng cao. Sản phẩm nước mắm Hải Giang I ngày càng “níu chân” được du khách thập phương mỗi lần đến du lịch Cửa Lò.

Nhờ sự nhiệt tình đầy tâm huyết của Bí thư chi bộ khối Hoàng Đức Thương, đến nay, khối Hải Giang I có trên một nửa số gia đình duy trì và phát triển tốt nghề truyền thống. Nói về người bí thư chi bộ khối trách nhiệm, ông Trần Minh Thức, Khối trưởng khối Hải Giang I cho biết: “là Trưởng làng nghề, ông Thương luôn đóng vai trò chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề tại các hội chợ du lịch hàng năm được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua những buổi tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nước mắm Hải Giang I đã đến được nhiều miền quê, địa phương trên cả nước và ngày càng có nhiều du khách tìm đến với sản phẩm làng nghề chúng tôi. Ông luôn quan tâm, sát sao với từng hộ làm nghề, chú trọng xây dựng ý thức làm du lịch cho người dân, góp phần đưa thương hiệu nước mắm Hải Giang ngày một lan toả. Không chỉ vậy, ông Thương còn đảm nhận vai trò cán bộ mặt trận khối nên luôn tích cực đi đầu mọi hoạt động; các cuộc vận động, quyên góp, ủng hộ…”. Dù bận rộn với nhiều vai trò nhưng với ông Thương, đó là niềm vui của tuổi già. Với ông, ngoài công việc làm nghề, hoạt động xã hội cũng chính là cách thể hiện trách nhiệm và tình yêu với làng xóm, quê hương.

Dẫn tôi đi thăm làng nghề nước mắm truyền thống, ông tự hào rằng làng nghề bây giờ đã bắt đầu khẳng định được thương hiệu. Thế nhưng, ông vẫn đau đáu một điều, làm sao du lịch làng nghề được tổ chức chuyên nghiệp, sản phẩm nghề truyền thống ở Hải Giang trở thành sản phẩm du lịch được yêu thích và ngày một vươn xa hơn…

Đinh Nguyệt