Ăn năn…
(Baonghean) - Trước giờ xét xử, Lê Thị Hồng Tiếp ngồi thu mình trên chiếc ghế dành cho bị cáo một cách đơn độc. Chưa một lần người dự khán nhìn thấy thị quay mặt xuống dưới khán phòng, có lẽ thị đang sợ - sợ những ánh mắt trách móc của mọi người, sợ đối diện với sự thật. Cũng chính giờ này cách đây hơn một năm, Tiếp đang là y tá trong một bệnh viện lớn, một nghề mà biết bao người trong xã hội đều mơ ước.
Vậy mà chỉ vì những toan tính vụ lợi cá nhân trước mắt, thị đã đánh mất tất cả. Ngay cả cái quyền được sống tự do như những công dân bình thường khác cũng không còn. Giờ đây, chỉ mình thị ngồi thu mình trong bốn bức tường trắng của nhà tù cùng với nỗi dằn vặt ngày đêm giằng xé.
Bị cáo Lê Thị Hồng Tiếp. |
Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An nêu rõ, Lê Thị Hồng Tiếp (SN 1984, trú tại xóm 8, xã Nam Trung, Nam Đàn), nguyên là y tá của một bệnh viện tư nhân tại TP. Vinh. Do sa vào cờ bạc và cần tiền trả nợ, Tiếp đã dựng lên một màn kịch “ảo” để lừa tiền của rất nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Cuối tháng 8/2011, từ sự quen biết với bà Nguyễn Thị Lục (SN 1964, trú tại xã Nam Tân, Nam Đàn) và biết gia đình bà đang có nhu cầu cho chồng, con đi xuất khẩu lao động, thị đã mò đến và khoe có bà cô làm Hội Chữ thập đỏ tại Pháp đang điều hành đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang các nước như Australia, Hàn Quốc, Nhật, Pháp và các nước khác trên thế giới. Nghe vậy, bà Lục mừng thầm vì nghĩ mình gặp được “quý nhân”. Bà Lục đưa cho Tiếp số tiền 126 triệu đồng để nhờ Tiếp giúp chồng, con bà đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc mà không chút nghi ngờ.
Sau khi cầm số tiền của bà Lục, thấy dễ làm ăn, Tiếp “nổ” thêm là đang cần tuyển thêm người đi xuất khẩu lao động tại nhiều nước trên thế giới. Thủ tục đơn giản, chỉ cần sổ hộ khẩu gia đình cùng chứng minh photo công chứng kèm theo số tiền 2000 USD đến 4.500 USD (tùy vào từng nước). Thị nhờ bà Lục liên hệ giúp những người có nhu cầu. Nghe vậy, bà Lục đã tìm gặp thêm 20 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và giao số tiền hơn 2,4 tỷ đồng cho Tiếp.
Sau khi nhận số tiền lớn của các nạn nhân, Tiếp không liên hệ để làm thủ tục với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào để đưa người đi xuất khẩu lao động. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được từ các nạn nhân, thị đem trả nợ, bài bạc và tiêu xài cá nhân. Riêng các nạn nhân, sau nhiều lần bị lừa ra Sân bay Nội Bài chờ xuất cảnh nhưng không thành, biết bị lừa nên đã làm đơn lên cơ quan chức năng tố cáo hành vi của Tiếp.
Khán phòng xét xử ngày hôm đó thu hút hàng trăm người. Họ đến đây với danh nghĩa là người bị hại. Họ là những người nghèo khó, thu nhập chủ yếu nhờ vào việc làm thuê và dăm ba sào ruộng. Vì tin vào những lời ngon ngọt, mơ hồ của Tiếp, họ sẵn sàng giao toàn bộ tài sản cho thị mà không mảy may nghĩ suy, nghi ngờ. Để rồi khi mọi việc bị vỡ lở, chân tướng kẻ lừa đảo lộ diện thì người dân mới bắt đầu hoang mang. Trong vụ án này, Tiếp đã lợi dụng sự cả tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Đứng trước vành móng ngựa, Lê Thị Hồng Tiếp không quanh co, ngụy biện mà khai nhận tất cả những hành vi của mình. Thị khai, vì ham mê cờ bạc nên thua lỗ nặng. Để có tiền sát phạt, gỡ lại vốn, thị đã vay mượn khắp nơi. Và khi nợ nần chồng chất, không bấu víu vào đâu để vay mượn được nữa, thị đã dàn dựng nên vở kịch để lừa những người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động chiếm đoạt tài sản, lấy tiền trả nợ và tiếp tục bài bạc. Khi nghe đại diện Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm và đề nghị mức án, thị cố gắng với tay vịn vào vành móng ngựa. Thị đã khóc rất nhiều vì nghĩ đến đứa con nhỏ. Khi thị bị bắt, đứa trẻ mới chỉ bập bẹ gọi mẹ. Giá như, những năm về trước, Tiếp biết trân trọng sự nghiệp, gia đình của mình, biết dừng lại đúng lúc thì có lẽ giờ đây, thị không phải trả giá đắt như vậy. Thị mới 30 tuổi, nghề nghiệp ổn định, có gia đình, con cái… Cuộc sống ấy đã có biết bao nhiêu người mơ ước. Vậy mà chỉ trong phút chốc, thị đã đánh đổi tất cả. Giờ đây, thứ mà Tiếp nhận được không gì khác ngoài những giọt nước mắt hối hận muộn màng cùng bốn bức tường cô quạnh.
Với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Lê Thị Hồng Tiếp phải gánh nhận mức án 17 năm tù, đồng thời buộc bị cáo bồi thường số tiền hơn 2,4 tỷ đồng cho 21 người bị hại. Phiên tòa kết thúc trong sự ăn năn muộn màng của Lê Thị Hồng Tiếp và nỗi lo lắng, bất an trĩu nặng của những người bị hại. Số tiền của họ bị Tiếp chiếm đoạt không hề nhỏ, có những người dù có kiếm cả đời cũng không bao giờ có được. Đây cũng là bài học cảnh giác cho những ai đặt lòng tin nhầm chỗ.
Hoàng Hải