Bạn bè quốc tế lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

08/07/2014 16:20

Ngày 7-7, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của QH Nguyễn Kim Khoa đã tiếp thân mật Ngài Ê-tô A-ki-mô-ri, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Hạ viện Nhật Bản và các thành viên trong Ðoàn đang có chuyến thăm và làm việc ở nước ta. Tham dự, có Ngài Hi-rô-si Phu-ca-đa, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại buổi gặp, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của QH đã thông báo về tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép và chủ trương giải quyết của Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của QH cảm ơn và đánh giá cao Nhật Bản đã sớm ủng hộ Việt Nam, phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Hạ viện Nhật Bản Ê-tô A-ki-mô-ri và các thành viên trong Ðoàn bày tỏ đồng tình và ủng hộ chủ trương của Việt Nam, đồng thời kịch liệt phản đối thái độ và hành động gây hấn của Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực các lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đảo.

Tại cuộc gặp, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước theo luật pháp quốc tế; tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, Chính phủ, QH và hai Ủy ban tương xứng mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

* Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao, tại thủ đô Vác-sa-va, Ðại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa" với sự tham dự của hơn 50 nhà khoa học, học giả nguyên là nghị sĩ, cựu sĩ quan cấp cao và đại diện một số cơ quan truyền thông Ba Lan, Việt Nam. 13 tham luận, ý kiến của các học giả người Ba Lan được trình bày tại hội thảo đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ nghiên cứu khoa học, các tham luận nêu rõ những việc làm sai trái của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh hàng hải tại Biển Ðông, đồng thời phản đối Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, làm gia tăng tình hình căng thẳng trên Biển Ðông. Tại hội thảo, hưởng ứng cuộc vận động hướng về biển, đảo quê hương, một nhà sưu tầm Việt Nam đã trưng bày hai tập bản đồ do Ðức xuất bản năm 1896 và 1929, trong đó có bản đồ Trung Quốc với đường biên giới cực nam chỉ đến đảo Hải Nam, cung cấp thêm tư liệu lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

* Tại phiên họp thứ 92 Hội đồng thường trực Pháp ngữ, cơ quan chính trị của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, tại Pa-ri (Pháp), Tổng Thư ký Hội đồng thường trực Pháp ngữ A.Ði-úp đã bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng hiện nay trên Biển Ðông; kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ðại sứ Dương Văn Quảng, Ðại diện cá nhân của Chủ tịch nước bên cạnh Hội đồng thường trực Pháp ngữ khẳng định, những hành động của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông. Ðại diện một số nước cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng kéo dài tại Biển Ðông, yêu cầu các bên không đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Kết thúc phiên họp, Hội đồng thường trực Pháp ngữ đã thông qua văn bản bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Ðông gần đây, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và bằng biện pháp hòa bình.

* Ðoàn đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Giơ-ne-vơ do Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành dẫn đầu đã tham dự Lễ hội các dân tộc và Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ðảng Lao động bang Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) với tư cách là khách mời danh dự. Trước sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế, Ðại sứ Nguyễn Trung Thành đã thông báo về căng thẳng gần đây ở Biển Ðông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; làm rõ quá trình hình thành tranh chấp đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tại Biển Ðông; đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, để giải quyết tranh chấp. Các thành viên Ðảng Lao động và bạn bè quốc tế đánh giá cao nội dung chia sẻ của Việt Nam về tình hình trên Biển Ðông. Thời gian gần đây, Hội Hữu nghị với Việt Nam của nhiều nước gồm Thụy Sĩ, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Ðan Mạch, Hà Lan... đã phối hợp cùng ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, kiên quyết đòi Trung Quốc chấm dứt ngay mọi hoạt động đe dọa đối với Việt Nam cũng như đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

* Ngày 6-7, hàng trăm người Việt Nam, trong đó nhiều người là hội viên các hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Áo đã tập trung hòa bình tại Quảng trường nhà thờ Xtê-phan để phản đối các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc kể từ khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ðoàn đã diễu hành hòa bình qua nhiều tuyến phố chính của thủ đô Viên, trước khi kết thúc trước Trụ sở Ðại sứ quán Trung Quốc tại Viên. Cũng trong cuộc tuần hành hòa bình, đoàn đã lấy chữ ký của người tham gia vào thỉnh nguyện thư, gửi Ðại sứ quán Trung Quốc tại Viên, gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và Ủy ban ASEAN tại Viên để phản đối các hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam...

Cuộc tập trung hòa bình phản đối Trung Quốc tại Áo đã thu hút sự quan tâm, chú ý và nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân địa phương và du khách quốc tế, giới phóng viên tại Viên.

Tàu Trung Quốc vây ép và đâm tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Tàu Trung Quốc vây ép và đâm tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

ĐP (tổng hợp)