Vướng tư duy!

07/08/2014 18:04

Trong các ngày từ 29/7 đến 1/8, Báo Nghệ An có loạt bài về phản ánh về việc phát triển diện tích cao su theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015. Và ngày 4/8 cộng tác viên Trương Công Anh lại có thêm bài “ Để đề án phát triển cao su ở Nghệ An có hiệu quả”.

Có thể nói cả loạt bài 4 kỳ và bài trao đổi đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về kết quả, hạn chế thiếu sót cũng như đề xuất, gợi mở những biện pháp tháo gỡ những lực cản, khó khăn nhằm thực hiện đề án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nguyên nhân chưa thực hiện được kế hoạch về diện tích theo đề án không phải thiếu đất trồng, thiếu vốn mà thiếu một sự nhận thức đầy đủ đúng đắn về giá trị cũng như giá trị đích thực của cây cao su trên đất Nghệ An nên chưa tạo sự đồng thuận và chưa đưa ra được lộ trình và bước đi thích hợp.

Phải nói cây cao su không phải mới xuất hiện tại Việt Nam và Nghệ An mà đã được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc cách đây hàng trăm năm. Với Nghệ An cây cao su được đưa vào trồng từ những năm đầu của thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Năm 1997 tỉnh ta đã chủ trương cho phép thanh lý vườn cao su đã già cỗi trên 30 năm và sau đó đầu tư phát triển diện tích cao su giống mới. Trong suốt hơn 50 năm đứng chân trên đất đỏ ba zan Phủ quỳ và một số vùng đất ở Tân Kỳ cây cao đã khẳng định tính ưu việt và cũng bộc lộ những hạn chế. Trong đó, ưu việt của cây cao su là cây trồng đa mục đích, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng bảo vệ môi trường. Kết quả sản xuất tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng như tại địa bàn huyện Tân kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, trên vùng đồi núi đất feralit cây cao su thực sự đã mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây công nghiệp hiện tại (cà phê, chè, mía). Có thể thấy, cây cao su là loại cây nhiệt đới cành nhiều lá rộng trung bình, xanh gần như quanh năm nên khả năng phòng hộ giữ nước, chống bào mòn rửa trôi trong mùa mưa rất cao. Đặc biệt đất trồng cao su ít bị bạc màu và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn hẳn so với trồng keo, bạch đàn, bởi nó chỉ đầu tư một lần nhưng thu hoạch 25-30 năm, ngoài hàng năm cho sản phẩm chính mủ cao su, sau chu kỳ sản xuất còn cho sản phẩm gỗ. Theo tính toán của các nhà kinh tế hiện giá cao su đang biến động xuống thấp bất lợi cho người sản xuất nhưng với giá 1 kg cao mủ bán 10 ngàn đồng/kg thì mỗi năm mỗi ha cao su trồng trên đất đồi cũng cho tổng thu nhập trên 60 triệu đồng, con số này gấp hơn 6 lần so với trồng keo. Và ở thời điểm được giá 25-30 ngàn đồng/kg như cách đây ba bốn năm thì cây cao su thực sự trở thành cây siêu lợi nhuận và gấp gần 15 lần so với trồng cây nguyên liệu giấy. Đặc điểm của cây cao su là dễ trồng, dễ sống, dễ khai thác, dễ chế biến và thị trường tiêu thụ cũng khá rộng. Vì thế phát triển cao su không chỉ phù hợp với tập quán sản xuất canh tác của người dân miền núi mà điều quan trọng là khi có sản phẩm đã có đầu ra thuận lợi. Đáng tiếc, khi triển khai đề án phát triển cao su chúng ta chưa làm tốt công tác truyên truyền nên đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân miền núi nơi đang được quy hoạch (Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn...) phát triển diện tích cao su vẫn chưa hiểu biết nhiều về cây cao su. Một số cán bộ quản lý ở các cấp còn nghi ngại về tính chống chịu về gió bão, trong khi các vùng quy hoạch trồng cao su trên địa bàn đều là các huyện miền núi (Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong)- nơi được UBND Tỉnh qui hoạch trồng cao su có khoảng cách với bờ biển từ 120 đến 200 km vì vậy khả năng bị ảnh hưởng của gió bão là rất nhỏ. Cũng xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn đầy đủ đó nên trong quá trình chỉ đạo thực hiện đề án, các cấp ngành vẫn còn lệch lạc trong huy động các nguồn lực và thành phần phát triển cây cao su.

Qua kinh nghiệm xây dựng các vùng nguyên liệu mía, chè và cây nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh cũng như phát triển cây công nghiệp hàng hóa cà phê, cao su ở các tỉnh tây nguyên và đông Nam bộ cho thấy: Để phát nhanh bền vững các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ngoài làm tốt công tác quy hoạch, phải làm tốt 2 vấn đề cốt tử: Thu hút được mạnh thường quân (doanh nghiệp có đủ năng lực và kinh nghiệm) vào làm nòng cốt, trụ cột để chuyển giao công nghệ sản xuất chế biến và chịu trách nhiệm đảm bảo dịch vụ đầu vào và đầu ra cùng với sự tham gia tích cực của người dân trong vùng dự án có như vậy mới phát huy được sức mạnh nội tại tạo sự phát triển bền vững. Thực tế tỉnh đã kêu gọi được tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam vào thành lập công ty cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An và tập đoàn đã giành một nguồn vốn đáng kể (3000 tỷ đồng) ưu tiên cho kế hoạch phát triển cao su trên địa bàn Nghệ An là thành công quan trọng. Song khi nhà đầu tư vào lại chưa được tạo điều kiện hỗ trợ về quỹ đất nên việc thực hiện kế hoạch trồng cây cao su của công ty không bảo đảm lộ trình đề ra, hiện mới được giao đất trên 3500 ha /kế hoạch 11.000 ha (Theo báo cáo của Công ty đến nay đã trồng mới được gần 3000 ha cao su). Trong khi diện tích cây cao su đại điền gặp khó khăn, không đạt kế hoạch thì việc phát triển vùng nguyên liệu theo mô hình tiểu điền cũng chưa được quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tình trạng hiện cao su tiểu điền đang phát triển theo hướng mạnh ai nấy làm, nguồn cây giống và kỹ thuật trồng chăm sóc phần lớn do người dân tự phát triển khai. Cụ thể, tại các huyện được quy hoạch trồng cao su ở Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong chưa triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh hại và chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền chưa được ngành chuyên môn tham mưu ban hành. Hiện chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, vốn để phát triển cao su tiểu điền đang “án binh bất động”, nguồn lao động nông nhàn, quỹ đất nhàn rỗi trong các vùng dân cư, vẫn chưa được phát huy trồng cao su. Đó là chưa nói, hiện trên địa bàn có một khu vực có tiềm năng phát triển nhanh mạnh cây cao su cũng chưa được chú ý đó là hệ thống các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ. Được biết, trên địa bàn có 10 công ty lâm nghiệp và 19 ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý nắm giữ hàng chục ngàn ha đất rừng nghèo kiệt và đất rừng sản xuất. Nếu ngành nông nghiệp năng động, lồng ghép các dự án đưa cây cao su vào trồng trên đất rừng sản xuất và rừng nghèo kiệt thì tin chắc mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 22 ngàn ha cao su không có gì khó khăn. Tuy nhiên hiện vẫn có một số ý kiến ngần ngại việc đưa cây cao su vào trồng trên đất rừng nghèo kiệt, rừng sản xuất để khai thác trồng cao su sẽ trái với quy chế quản lý rừng. Nhưng tôi thấy đó là một sự ngần ngại vô lý. Bởi trên thực tế chúng ta đã có các cây trồng trên diện tích rừng để kết hợp thu hái sản phẩm. Đó là việc trồng thông kết hợp khai thác nhựa tại các công ty lâm nghiệp Đô Lương, Quỳnh Lưu, và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành. Việc trồng thông trên đất rừng sản xuất và trên đất rừng nghèo kiệt tại các đơn vị trên là việc làm hiệu đạt nhiều mục tiêu đã góp phần tạo nguồn thu, để vừa tái tạo rừng, tái tạo sức lao động cho người trồng rừng vừa thực hiện chiến lược bảo vệ phát triển rừng bền vững, “lấy rừng nuôi rừng”.

Nói thêm những điều đó để chúng ta thấy việc triển khai đề án phát triển cây cao su thời gian qua theo mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh thật sự còn quá nhiều điều bất cập. Không chỉ vướng mắc từ đất, nguồn vốn mà vướng từ tầm nhìn, từ phương pháp, tư duy và cách làm, cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

Văn Đoàn