Trang tin Đài Loan tố Trung Quốc cướp đất của Việt Nam

19/06/2014 09:26

(Baonghean) - Tiếp nối các hành động leo thang trong việc hiện thực hóa ý đồ xâm chiếm biển Đông, Trung Quốc không chỉ xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, điều động tàu chiến đến khu vực biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, mà còn có ý đồ dân sự hóa vùng biển đảo của Việt Nam bằng nhiều hình thức như kinh doanh du lịch, đưa tàu cá ra khai thác, đánh bắt... Việc làm sai trái này không chỉ bị dư luận cộng đồng quốc tế lên tiếng phản ứng mà ngay cả dư luận nội địa Trung Quốc cũng không thể chấp nhận. Ngày 18/6, trang tin Want China Times của Đài Loan cho hay một tờ báo Trung Quốc – tờ Economic Observer đưa tin Bắc Kinh sẽ cho đăng ký quyền sử dụng đất ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là hành động cướp đất, phi pháp, không thể chấp nhận và đáng bị lên án, tố cáo.

Want China Times cho biết tờ Economic Observer (trụ sở tại Bắc Kinh) đưa tin Văn phòng Đăng ký Bất động sản thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc công bố nước này sẽ công nhận quyền sở hữu và sử dụng “bất động sản” trên biển và đảo mà nước này tự cho là thuộc “chủ quyền lãnh thổ” của Trung Quốc. Economic Observer cho hay hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới sẽ được áp dụng vào năm 2018. Tờ báo này còn loan tin bất kỳ người dân hay doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng có thể đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất, nhà ở, vùng biển ở những đảo và quần đảo trên biển Đông, bao gồm các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Want China Times đã đưa ra bình luận cho rằng việc thực hiện hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới này cho thấy Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của nước này ở biển Đông. Theo Want China Times thì tờ Economic Observer đã đăng tải chủ trương mị dân, bịp bợm, dối trá của chính quyền Trung Quốc bằng lối giải thích: “Bất động sản” cụ thể ở đây là “đất, vùng biển và đảo, nhà ở, những tòa nhà, rừng cây và các vật thể bất di bất dịch”.

Trang tin này còn cho biết thời gian gần đây, Trung Quốc còn tăng cường các hoạt động xây dựng trái phép bao gồm: xây dựng trường học phi pháp tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa và xây đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, tham vọng coi biển Đông như “ao nhà” của Trung Quốc đã không thể dấu diếm ngay cả dư luận trong nước. Ý đồ mở rộng bành trướng về biển Đông để hiện thực hóa yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” vô căn cứ đã được nhà cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc “chính sách hóa” thành một lộ trình chi tiết, cụ thể, với bước đi ngày càng hung hăng, bạo ngược, không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định lùi bước, từ bỏ tham vọng.

Tàu Trung Quốc (phía sau) áp sát,  ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Tàu Trung Quốc (tàu lớn, phía sau) áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Một mặt, Trung Quốc tỏ ra lo sợ Việt Nam đa phương hóa việc giải quyết vấn đề biển Đông, ngăn cản và né tránh việc đưa vấn đề biển Đông ra “cán cân công lý” của quốc tế để giải quyết. Mặt khác, Trung Quốc vẫn thực thi chính sách nước lớn, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa, vừa lu loa chiêu bài “giữ gìn hòa bình ổn định”, vừa thực hiện chính sách ngoại giao soái hạm, tàu chiến. Biểu hiện “mất điểm” rõ nhất của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế là Trung Quốc ngang nhiên đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, đưa tàu chiến, máy bay quân sự, điều động lực lượng lớn tàu biển vào vùng biển Việt Nam, thực hiện các hành động khiêu khích, quấy rối, gây hấn, đâm húc... nhưng vẫn tổ chức họp báo vu vạ Việt Nam, vẫn gửi văn bản “tố cáo” Việt Nam lên Liên Hợp quốc để hòng “lộng giả thành chân”.

May mắn thay, chính các hãng tin lớn của quốc tế đã “thực mục sở thị”, đã cử phóng viên đến tận thực địa để mắt thấy tai nghe sự thật ở biển Đông nên đã kịp thời phản biện, bẻ gãy lập luận xảo trá của phía Trung Quốc. Không ít lần tại các cuộc họp báo ở Trung Quốc, phóng viên báo chí thế giới đã khiến người đại diện chính quyền rơi vào thế vòng vo, lúng túng, bao biện, phơi lộ bộ mặt thật của kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Qua sự việc này cho thấy Trung Quốc vừa âm thầm tiến hành các chính sách bành trướng, lấn chiếm, vừa “nửa kín nửa hở” tung các tin có tính chất “đưa đường” để thăm dò phản ứng của các bên. Rất có thể, nếu các bên liên quan không tỏ rõ sức mạnh đủ lớn về mọi mặt để Trung Quốc cân nhắc thiệt hơn và điều chỉnh chính sách, thì việc chính quyền Trung Quốc tiến hành cướp đất và trao quyền sử dụng cho người dân sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian không xa. Đó là điều những nước trong khu vực không thể không lưu ý.

Chí Linh Sơn