Cái khó cho kinh tế trang trại

23/06/2014 15:30

(Baonghean) - Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ nhằm mục đích đưa kinh tế trang trại trở thành mô hình kinh tế năng động, hiệu quả tận dụng tối đa quỹ đất, tạo ra giá trị kinh tế cao, bền vững. Tuy nhiên, thực tế mô hình kinh tế này tại Đô Lương đang còn những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ.

Trang trại nuôi lợn rừng của anh Tô Hoài An ở xã Giang Sơn Tây.
Trang trại nuôi lợn rừng của anh Tô Hoài An ở xã Giang Sơn Tây.

Hiệu quả từ kinh tế trang trại

Khởi nghiệp từ năm 2002 tại xứ Làng cũ, sau hơn 10 năm mở đất, vợ chồng anh Bùi Thế Phượng và chị Nguyễn Thị Thủy, xóm Bắc Giang, xã Giang Sơn Tây đã có trang trại hơn 2 ha cho doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng, lãi ròng hơn 400 triệu đồng. Để có được doanh thu đó, anh Phượng chị Thủy đã rất trăn trở, linh hoạt trong việc thử nghiệm áp dụng nuôi trồng rất nhiều loại cây, con vào khu trang trại của gia đình. Từ việc trồng chuối, kết hợp nuôi cá, vịt, đến áp dụng mô hình nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp...

Cách trang trại Phượng - Thủy không xa, mô hình trang trại lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi các loại con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao của cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp xã Giang Sơn Tây, Tô Hoài An. Từ chủ trương nhận khoán quản lý đất lâm nghiệp, anh An đã mạnh dạn nhận 8 ha vùng Lèn Khúa - Cầy Lội trồng cây nguyên liệu kết hợp chăn nuôi gia cầm sinh sản, lợn rừng, dê... Nhờ có dự án từ chương trình vay vốn trồng rừng của WB, anh An đã phủ kín 8 ha rừng, nuôi lợn rừng, dê, gà đồi dưới tán rừng mang lại hiệu quả rõ nét, được nhiều hộ dân học tập và làm theo. Chủ trang trại Tô Hoài An cho biết: Đất rừng ở Giang Sơn Tây tương đối lớn nên hình thức làm trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi đang khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, xã đang có khoảng 10 trang trại theo hình thức này. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, xây dựng trang trại theo mô hình VAR, VACR do các hộ tiến hành đổi đất, tích tụ đất vườn, đất cưỡng và cả đất rừng tiếp tục nhân rộng.

Tại xã Giang Sơn Đông, một xã vùng bán sơn địa được chia tách từ xã Giang Sơn trước đây kinh tế trang trại cũng phát triển khá mạnh, đang tạo ra nguồn lực khá lớn cho xã và xu thế ngày càng phát triển. Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã hiện có 31 trang trại, gia trại, trong đó trang trại đạt tiêu chí có 10 cái chủ yếu phát triển theo mô hình SXKD tổng hợp chăn nuôi lợn, bò kết hợp nuôi cá, trồng rừng. Từ điều kiện thực tế của địa phương xã đang khuyến khích các hộ dân có diện tích đất lớn lập quy hoạch để phát triển mô hình kinh tế trang trại”. Tiêu biểu trong số các trang trại của xã Giang Sơn Đông có trang trại của gia đình anh Nguyễn Cảnh Sửu xóm Liên Giang, được hình thành đi vào sản xuất năm 2010, trên diện tích 1,2 ha anh đầu tư chuồng trại nuôi 500 con lợn thịt, 15 con lợn nái theo phương thức nuôi công nghiệp. Ngoài quy hoạch diện tích nuôi lợn, anh còn đào ao thả cá, chăn nuôi gà, vịt và trồng rừng tạo ra doanh thu hàng năm trên 3 tỷ đồng, cho lợi nhuận ròng 600 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đô Lương có 85 trang trại đạt tiêu chí, trong đó hình thức trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp chiếm nhiều nhất với 37 trang trại, 20 trang trại lâm nghiệp, 21 trang trại chăn nuôi... Tổng diện tích đất các trang trại quản lý 1.238 ha, bình quân diện tích mỗi trang trại 14,56 ha, các trang trại tạo việc làm cho hơn 420 lao động, tạo giá trị sản lượng hàng hóa 127.500 triệu đồng, lợi nhuận chiếm từ 15-20% tổng số vốn đầu tư. Hầu hết các trang trại, gia trại ở Đô Lương được hình thành trên vùng đất khó, đất cằn, đất đồi vệ kém hiệu quả, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư xây dựng theo mô hình trang trại, nhờ sự năng động, dám nghĩ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thì chính vùng đất cằn đó đã cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần vùng đất nông nghiệp trồng lúa thuần và ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế bền vững.

Tăng mức hạn điền, khơi thông nguồn vốn

Để kinh tế trang trại phát triển mạnh, theo hướng bền vững, Huyện ủy Đô Lương có Nghị quyết số 04/NQ-HU và UBND huyện có Đề án số 221/ĐA-UB về phát triển kinh tế trang trại, trong đó tập trung thực hiện 3 nội dung: Tạo điều kiện để các chủ trang trại tích tụ ruộng đất như thuận lợi trong việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận QSD đất; cơ chế miễn giảm tiền thuê đất 3 năm đầu và huyện trích ngân sách hỗ trợ lãi suất 3 năm đầu cho mức vay 30 triệu đồng/1 trang trại. Năm 2009, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, Hiệp hội kinh tế trang trại Đô Lương được thành lập thực hiện chức năng tập hợp lực lượng các chủ trang trại để chia sẻ thông tin; cầu nối giữa người dân với chính quyền cấp xã, huyện và phối hợp giải quyết vấn đề đầu ra.

Cũng nhờ có sự ra đời của Hiệp hội trang trại mà các trang trại trên địa bàn huyện đã định hướng phát triển về chiều sâu; có sản phẩm chủ lực, có định hướng phát triển thông qua nhu cầu thực tế thị trường. Ông Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Huyện Đô Lương luôn tạo điều kiện và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Song hành với việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, trong quá trình duyệt quy hoạch huyện lưu ý các xã cũng như các phòng chuyên môn rà soát những vùng đất xấu nhưng có khả năng làm kinh tế trang trại, làm các vùng chuyên canh, là chỉ đạo ưu tiên việc dồn đất và các thủ tục đất đai để có định hướng phát triển rõ ràng, lâu dài.

Tuy nhiên, một số khó khăn đang ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Đô Lương đó là chính sách thuê đất và giải ngân nguồn vốn theo nhu cầu vay đầu tư phát triển trang trại. Đa số các chủ trang trại hiện nay đang hợp đồng thuê đất với UBND các xã thời hạn chỉ 5 năm. Với thời hạn này là quá ngắn để có thể đầu tư sản xuất kinh doanh dài hơi như loại hình kinh tế trang trại. Ngoài ra mức thuê đất hiện nay do 2 bên thỏa thuận không theo một quy định cụ thể nào, thường là cao hơn hẳn quy định của Nhà nước, điều này cũng gây khó khăn cho các chủ trang trại, đặc biệt lúc “khởi nghiệp”. Do vậy, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất thì cần thiết phải chuyển hợp đồng thuê đất từ xã sang hợp đồng thuê đất với UBND huyện để được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, và tính giá thuê đất theo quy định.

Đây là “nút thắt” cần tháo gỡ, và từ đó có cơ sở pháp lý để các chủ trang trại có những điều kiện thế chấp vay vốn. Tổng hợp từ Ngân hàng NN& PTNT Đô Lương, kênh cho vay chủ yếu để phát triển loại hình kinh tế này thì dư nợ cho vay phát triển kinh tế trang trại mới chỉ đạt 15 tỷ đồng, cho 25 trang trại vay. Như vậy, so với số lượng trang trại được công nhận thì mới chỉ có gần 30% số trang trại được tiếp cận từ nguồn vốn này với mức vay bình quân mới chỉ dưới 700 triệu đồng/1 trang trại là quá thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển. Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Đô Lương khẳng định: Ngân hàng có đủ nguồn vốn, lãi suất ưu đãi sẵn sàng giải ngân đáp ứng đủ nhu cầu vay của kinh tế trang trại. Vấn đề ở chỗ, UBND huyện và các xã phải hướng dẫn, giúp đỡ các chủ trang trại hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo hướng dẫn thì chúng tôi sẵn sàng giải ngân nguồn vốn.

Rõ ràng, để Đô Lương đạt mục tiêu đến 2015 có 100 trang trại và đến 2020 có 150 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/ TT-BNN của Bộ NN& PTNT thì rất cần sự tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, nguồn vốn và tăng cường định hướng phát triển trên cơ sở phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội trang trại.

Hữu Nghĩa