Nội dung Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông

11/07/2014 17:52

(Baonghean.vn) - Câu hỏi 42. Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông?

Trả lời: Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (tiếng Anh: Code of Conduct, viết tắt là COC).

Về các thành tố cơ bản của COC, ASEAN đã thể hiện rõ chủ trương mong muốn COC sẽ phải là một công cụ đóng góp hiệu quả hơn cho hỏa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Theo đó, cách tiếp cận chung của ASEAN là COC cần phải dựa trên và nhân lên cao hơn từ DOC. Cụ thể, nội dung của COC sẽ thể hiện:

- Nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),...

Giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: PVN
Giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: PVN

- Mục tiêu của COC là nhằm tạo ra khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên tắc trên.

- Các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông: Trước hết, đó là phải vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Đồng thời, nhấn mạnh việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

- Cơ chế bảo đảm thực hiện COC, trong đó có việc thiết lập cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện COC, xây dựng các cơ chế xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, TAC.

Theo quan điểm của ASEAN, COC vừa phải kế thừa những điểm tích cực của DOC, vừa phải được nâng cao thêm trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện DOC và nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Như vậy, cùng với việc nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC (hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982), ASEAN mong muốn COC phải có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC, phải có cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Tài liệu của ASEAN về các thành tố chính của COC nêu trên sẽ là cơ sở để ASEAN trao đổi quan điểm của mình với Trung Quốc.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây mới là quan điểm từ phía ASEAN. Do đó, ASEAN còn phải thương lượng cụ thể với phía Trung Quốc và quá trình này sẽ không phải dễ dàng vì quan điểm của các bên còn rất khác nhau, không dễ gì có thể đi đến thống nhất một sớm một chiều được.

Chúng ta đã biết, DOC từng được thai nghén và thông qua cấp chuyên viên những năm 1990. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, mãi đến năm 2002, Trung Quốc mới đặt bút ký với ASEAN văn bản này. Và phải chờ thêm gần 9 năm nữa, Quy tắc hướng dẫn thực thi một tuyên bố ký kết cách đấy 10 năm mới được chứng thực. Tại sao các tài liệu quan trọng này phải chờ mãi bao nhiêu năm nay Trung Quốc mới chịu đàm phán (từ 1990)? Tại sao thương thảo kéo dài đến ngần ấy năm mới đạt được thỏa thuận (từ 2002)? Và liệu khi nào thì Trung Quốc và ASEAN mới ký kết được văn bản cuối cùng mà khu vực và thế giới đang nóng lòng đón đợi: COC?

Căng thẳng vừa qua tại Biển Đông xuất phát từ những quyết đoán đơn phương của Trung Quốc trong phạm vi biển được bao bọc bởi "đường lưỡi bò". Tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc bắt giữ hoặc đe dọa tàu cá của Việt Nam, của Philippines, ngăn cản tàu thăm dò của hai nước này, thậm chí còn nhiều lần cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là căn nguyên của mọi bức xúc trong khu vực và thế giới. Vì vậy, con đường từ DOC đến COC là còn dài.

Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng không ai đoán chắc phải chờ bao nhiêu thời gian nữa các bên mới đi tới COC; tức là chấp thuận ở cấp độ cao hơn, có sự ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế, quy định hành vi ứng xử của các bên trên Biển Đông. Con đường từ DOC đến COC, cho dù có thêm bản hướng dẫn vẫn đang ở phía trước. Bởi vì yêu sách biên giới biển theo "đường lưỡi bò" đã được chính thức hóa bằng Công hàm của Chính phủ Trung Quốc gửi lên LHQ và bằng những hoạt động gây sức ép trên thực địa nhằm giành sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ.

Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam

Còn nữa