Pin năng lượng mặt trời "made in Viet Nam"

08/06/2014 17:22

Với số giờ nắng cao, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong ứng dụng các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). Tuy nhiên, do giá thành cao, các sản phẩm pin NLMT khó khăn trong việc phổ cập sử dụng bởi các dự án sử dụng pin NLMT thường mất một khoảng thời gian dài (lên đến 10 – 12 năm) để thu hồi vốn đầu tư.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong ứng dụng pin NLMT
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong ứng dụng pin Năng lượng mặt trời

Dùng pin NLMT thu hút năng lượng để dùng hàng ngày hoặc dùng làm nguồn dự phòng khi mất điện đang là giải pháp tối ưu được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn ngày càng tăng tại khu đô thị lẫn khu vực nông thôn chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Diệp Bảo Cánh - Tổng giám đốc công ty Năng lượng Mặt Trời Đỏ - cho biết, công ty đặt tại lô C2, cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Sản phẩm chính của công ty là tấm pin thu NLMT công suất từ 3Wp - 280Wp. Hệ thống điện mặt trời sử dụng công nghệ SIPV với tổng công suất 50,16 KWp lắp đặt tại Viện môi trường và tài nguyên (ĐH quốc gia TP.HCM) mỗi năm sản xuất hơn 70MWh. Một hệ thống đáng chú ý khác là hệ thống điện mặt trời phục vụ quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ. Bao gồm lắp đặt các hệ thống 1 KWP cho 6 trạm phân khu, và 165 hệ 110Wp cho các hộ giữ rừng nằm rải rác khắp các khu vực hẻo lánh của huyện Cần Giờ. Giá bán lẻ sản phẩm của công ty đã giảm từ khoảng 2 USD xuống còn 1,5 USD/W, tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng xanh.

Để dần giảm giá thành và “phổ cập” phạm vi sử dụng các sản phẩm pin NLMT, Công ty CP đầu tư và phát triển NLMT Bách Khoa đã xây dựng dây chuyền sản xuất một số thiết bị phụ cho pin NLMT. Ông Lưu Tý – Giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư và phát triển NLMT Bách Khoa khu vực miền Bắc - cho hay: Thực hiện nội địa hóa khoảng 70% thiết bị, công ty đã hoàn thành dây chuyền sản xuất các thiết bị phụ cho pin NLMT vào năm 2012. Do đó, sản phẩm pin NLMT có thể sẽ được giảm giá từ 50 – 70% so với hiện nay. Dự kiến, mỗi dự án cần khoảng 5 – 7 năm để thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Cũng theo ông Lưu Tý, từ năm 2008 đến nay, công ty đã lắp hệ thống pin NLMT cho 33 đảo nổi, 9 đảo chìm và 14 nhà giàn ở Trường Sa. Đến nay, các sản phẩm pin NLMT tại Trường Sa đã được chứng minh hoạt động hiệu quả. Định kỳ 6 tháng 1 lần, các nhân viên kỹ thuật ra đảo để bảo hành, bảo trì hệ thống. Ngoài Trường Sa, công ty còn thực hiện lắp đặt hệ thống pin NLMT ở trường chuyên biệt Thanh Tâm (Đà Nẵng) với công suất 10kW, Trung tâm hành chính Bình Dương (30kW), Tòa nhà xanh liên hợp quốc (Hà Nội), công suất là 110kW với 415 tấm pin năng lượng. Các dự án này đến nay đều hoạt động tốt và giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Hiện nay, công ty đang tiếp tục triển khai 3 dự án lắp đặt pin NLMT tại Đà Nẵng, Hà Nội và Bình Dương. Sản phẩm pin NLMT của công ty đã góp phần chuyển từ nhận thức sang hành động để thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Công ty đã được tôn vinh tại giải thưởng Sản phẩm, Công nghệ xanh 2014.

Theo baocongthuong