Chuyện vui trên đồng Lậm

02/08/2014 15:12

(Baonghean) - Chủ tịch xã Hưng Hòa (TP. Vinh) - ông Lê Văn Thương nửa đùa, nửa thật nói với tôi: “Hưng Hòa là xã duy nhất cả nước thuộc Đô thị loại 1 mà không có cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Thương mại và dịch vụ đất ven đô ăn thua gì. Thôi thì phóng viên đi tìm hiểu “đại trà nhân dân”, khấm khá lên chút từ bấy nhiêu ruộng trũng!”...

Bữa nay nắng ủ mưa. Ông chủ trại cá - vịt ngủ oải từ trưa đến bóng người nghiêng trải dài lêu nghêu rồi mà chưa dậy được. Đứng chờ trên con đê sinh thái vanh lấy mép con rào Đừng, tôi nói với anh cán bộ nông nghiệp xã Hưng Hòa đi cùng, rằng “xã ta” kể cũng có mấy cái đáng tự hào: Là xã quê của Đại tướng Chu Huy Mân; là nơi đánh thắng trận đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc của máy bay Mỹ từ năm 1964; rồi là địa phương duy nhất của Thành phố Vinh có nghề nuôi tôm, và là duy nhất của cả tỉnh với nghề chiếu cói... Nghe chuyện, ông lão chăn bò đứng cạnh trống không: “Phóng viên phỏng? Có viết thì viết về mấy ông đào đất, lật cỏ, lấp hố bom làm ao, làm trại xóa nghèo, nuôi con ăn học nhằm mong cho chúng nó đổi đời đây này!”.

Vâng, thì tôi cũng đang muốn “tỉ mẩn” về những chuyện ấy đấy ông lão ạ! Từ thuở bình minh Cách mạng, Hưng Hòa đã là điểm sáng vùng lên, cũng trước hết là từ khát vọng dân cày có ruộng. Ruộng cày đã có ngót 70 năm, dân cày ruộng đã là công dân Đô thị Vinh loại 1, nhưng cả 32 ha canh tác lúa vùng trũng phía trong của Hưng Hòa này thì mươi năm nay mới giúp nổi người bắt nhịp phát triển mới, mở tín hiệu một hướng đi bền vững cho nông dân Hưng Hòa khi vùng ngoài phong trào nuôi tôm đã thoái trào và nghề chiếu cói cũng trong hoàn cảnh “báo động đỏ”.

Trong 3 HTX mới của xã Hưng Hòa thì HTX Phong Phú gánh trách nhiệm cùng xã viên khai thác những gì có thể từ 32 héc-ta ruộng trũng nói trên. Theo ông Vương Quốc Thái - Chủ nhiệm HTX, Phong Phú hiện có 226 hộ thì có 59 hộ trong 3 đội sản xuất làm mô hình nuôi trồng thủy sản trên diện tích ruộng chỉ trồng được một vụ lúa, bắt đầu từ khi xã thực hiện dồn điền, đổi thửa đợt 1 năm 2003. Kết quả đưa lại gấp mấy lần so với làm lúa trước đây đã cuốn được người nông dân vào khát vọng đổi đời thực sự... Thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc những năm 60 thế kỷ trước, cánh đồng Lậm của xã Hưng Hòa lỗ chỗ hố bom. Sau năm 1975, hố bom thành ao chuôm cho người làng đánh te, buông câu bắt con tôm, con cá tự nhiên; mùa mưa, thì đồng Lậm ngập băng nước với lều bều rác thải của Thành phố Vinh theo kênh Bắc tràn xuống rào Đừng... Túm tụm xóm nghèo nổi nênh, lam lũ một thời gian dài như thế cho đến đầu những năm 2000...

Mô hình nuôi cá - vịt của ông Phạm Ngọc Thạch ở HTX Phong Phú, Hưng Hòa.
Mô hình nuôi cá - vịt của ông Phạm Ngọc Thạch ở HTX Phong Phú, Hưng Hòa.

Chủ trại Phạm Ngọc Thạch nheo đôi mắt còn ngái ngủ, ới gọi mời khách vào “nhà” chơi, phân trần là có “nhà” nhưng không có cổng, khách vào cứ trèo bờ tường hay luộng qua đám cà trồng cải thiện mà vào. Thực ra, làm mô hình gia trại, thì “nhà” ở đây chỉ là vuông gạch táp-lô lợp phi-brô thay cho cái lều tranh canh cá, canh vịt trước đây. Nhà ở chính đều trong xóm, phần đa khang trang cả rồi. Ông Thạch vốn là cựu chủ nhiệm HTX Phong Phú, nay nghỉ làm xã viên Đội 1. Năm 2004, ra nhận 0,4 ha ở đồng Lậm làm gia trại nuôi vịt, cá, thì nhà ông đang còn khó khăn lắm, tiền thuê máy đắp bờ vay cả. Sau gần chục năm, bây giờ với 2 hồ cá, 1.000 con vịt và lò ấp trứng, ông thu lãi ròng mỗi năm cả trăm triệu đồng. - Đã trả hết nợ chưa?

Tôi hỏi. “Hết sao được! Làm bao nhiêu 3 đứa con đang ăn học nó tiêu hết. Mình khổ rồi, phải cố cho chúng nó đổi đời”. Vừa chút gọi đàn vịt lên cho ăn cữ chiều, ông Thạch vừa kể: “Nuôi vịt là để lấy chất thải nuôi cá và làm lò ấp trứng, vịt chỉ bán khi đã gì phải thay lứa. Mà nuôi vịt tốn lắm, mỗi năm tôi phải mua gần vài chục tấn lúa cho chúng ăn chứ chả chơi. Trứng vịt thì mùa hè tôi xuất ngày cả ngàn quả, bán ra tận Hà Nội. Nhưng mùa đông thì đôi khi lại phải nhập ngược trứng mới đẻ từ Hà Nội về để “bỏ” cho khách hàng quen ở Vinh ta. Không khéo anh ăn hàng xôi trứng, lại là trứng vịt nhà tôi đấy!”. Thì ra, một phần lớn trứng vịt ở các quán hàng, chợ ở Vinh là của chính dân Vinh sản xuất ra cung cấp rồi đấy! Ông Thạch ngoài bỏ mối còn mua một “dằm chợ” Hưng Dũng cho bà vợ lên ngồi bán trứng, thu nhập tiền lẻ đủ chi tiêu hàng ngày.

Ra làm gia trại, xã viên Phong Phú còn nuôi thêm lợn, gà, bò cho thu nhập cao. Anh Dương Xuân Biên được cho là người ra dựng lều làm gia trại sớm nhất trên cánh đồng Lậm từ khi xã có chủ trương (cũng là từ năm 2004). Anh bộc bạch: “Nhà tôi đông anh em, khá giả cả nên giúp được tôi không phải vay vốn. Nhưng vất vả thì không nói hết. Rồi trăm thứ rủi ro. Tôi có 1 héc-ta nuôi cá, vịt, lợn, bò... đủ cả, làm chục năm nhưng đã dư đồng nào đâu! Con cái chúng nó bảo, cha có đồng nào cứ đem giúi xuống bùn cả. Thì cũng phải đầu tư tái sản xuất chứ! Ví như năm sơ, tôi mất cả trăm triệu đồng để tu bổ ao vì sạt lở. Rồi năm ngoái, đàn lợn 100 con bán 4 lứa/năm, thì bệnh 14 con sắp kỳ xuất bán, đem đi chôn tiêu hủy mà tiếc chân bước không vững nữa.

Ấy là tôi nuôi lợn đen giống lợn rừng mua từ Kỳ Sơn về, giá gấp đôi lợn thường, vị chi mất toi trăm triệu bạc. Có năm nuôi 1.000 con gà, lựa lại 500 con gà đẻ, chỉ sau 2 ngày dịch chết hết, chôn không kịp, vừa chôn vừa khóc. Khó khi đêm bận đi đám tang, trộm vào nó cõng cả con lợn tạ”. Anh Biên còn nuôi thêm 4 con bò, trong đó có 2 bò nái, đẻ để chọn vỗ bò kéo bán cứ mỗi con 35 triệu đồng, thuận lợi thì mỗi năm có thêm dăm, bảy chục triệu từ bán bò. - Rủi ro nhiều thế, có nản không? - “Nản sao được! Nói thế chứ làm ăn thu lãi một năm hàng trăm triệu bạc, gấp năm, gấp bảy lần làm lúa trước đây thì làm chi cho ra hơn ở đồng Lậm này? Mà mình nông dân thì cứ phải chịu khó vất vả thế cả đời mới mong khấm khá lên được. Và gặp chi là phải làm nấy, miễn là vận dụng hết lợi thế. Có năm, tôi còn nuôi cả dê”... Ấy thế, không rủi ro thì khéo cái ông nông dân quần đùi, mũ cối bạc phếch ngồi cạnh tôi đây chắc đã đại gia, chiều nay phóng xe lên phố uống bia rồi.

Ngoằn nghoèo hết đường nhựa sang đường đất rồi lối cỏ, chủ nhiệm Thái dẫn tôi về Đội 1 Phong Phú, nơi có nhiều hộ làm gia trại nhất. Xịch xe máy trước cơ ngơi lớp nhà chính 2 tầng, lớp nhà ngang kiên cố, Chủ nhiệm Thái nói: “Nhà này trước nghèo nhất xóm, chỉ là cái lều mọt thôi!”. Ông chủ nhà cởi trần, săn quắt, da đen cháy đang soàn soạt thái rau lợn vội đi pha trà, bảo khách đừng có ngại, vất vả nhiều rồi cũng phải thư giãn trà lá chút, chiều nay tiếp phóng viên hết buổi luôn! Nghe tôi khen cái nhà đẹp, bà vợ vừa ra đầm về xắn quần rửa ráy ở giếng, cười nói với vào: “Ồ là nhà báo cứ xem cái bà già này thì biết, thịt da đắp cả vào nhà”. Ông chồng vội nháy mắt: “Mụ ấy xấu chút nhưng đảm và tốt, thời tôi đi bộ đội khối cô đẹp mê, nhưng nhà nghèo, may về vớ được mụ ấy mới nên nổi thế này. Là cũng vợ chồng, con cái ngụp lặn nuôi cá, nuôi vịt, cấy lúa trên đồng Lậm cả thôi!”.

Hóa ra, ông Dương Xuân Huynh - chủ nhà và ông Thái là bạn cùng xóm thời để chỏm, học với nhau, nhập ngũ và ra quân đều cách nhau 1 năm (ông Huynh đi sau vì sức khỏe), đều tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hai ông cựu chiến binh tri kỷ ngồi với nhau là tràn chuyện xóm làng, chuyện đánh giặc. Ấy là từ thời Mỹ đánh phá kho xăng Hưng Hòa, hai ông còn nhỏ (đều sinh năm 1959), đã chứng kiến bom đạn ngút trời. “Khói bom che hết cả trời đất, cả ngày chưa tan. Đêm thắp đèn dầu đội mũ rơm học bài dưới hầm Mảnh bom xuyên qua mái tranh rột rột, chui hết vào hầm rồi mà cả làng vẫn một người chết, bị thương thì không nhớ hết, có người đào giúp hầm cho hàng xóm cũng gặp bom bi nổ chậm phát nổ... Hố bom, hầm trú ẩn, giao thông hào đào bới dày cả vùng đồng Lậm” - ông Huynh kể. Ông Huynh mồ côi cha mẹ, đi bộ đội năm 1982 về chị gái lấy chồng, nhà cũ chỉ 4 cây cột mọt trận lũ cùng năm cho xong. Bà vợ là người cùng xóm thương, chịu lấy, phải chặt tre dựng lều và đi xin rơm cả xóm về lợp, giường thì phải đi mượn 23 tháng sau mới đóng giả cho người ta. Cưới xong, bà vợ có mấy mét vải màn hồi môn, xé ra làm rớ đi cất tép để bữa nay lo bữa mai, ông thì nấu rượu bán... Lần hồi thế, cho đến khi ra làm gia trại cùng đợt năm 2004.

Cũng là từ mấy ông cựu chiến binh này đem cái tinh thần người lính ra để cải tạo đồng Lậm. Các ông bàn nhau đi vận động dân góp vốn thuê 3 máy xúc về đào một con kênh dài 2 cây số thoát nước thải, từ trung tâm Thành phố xuống, hết 700 triệu đồng. “Nếu không có con đê sinh thái dài 8 cây số Nhà nước cho đắp từ 2008, thì cả xóm tôi cứ có trận mưa lớn là lều bều rác thải, bèo tây chảy về búi chặt khắp vườn, khắp nhà. Đưa con đi học thì phải cõng tới 2 cây số. Khổ không nói hết! Có đê sinh thái rồi được cái đời sống trong xóm, nhưng ngoài đồng Lậm vẫn ô nhiễm, phải đào kênh thoát thì mới làm gì thì làm được!” - ông Thái nói. Bỏ tiền đào kênh xong 10 hộ tham gia đào kênh mới nhậu thầu đất đào ao thả cá, nuôi vịt, lợn, gà. Ông Huynh chủ yếu nuôi cá - vịt - lợn (3.000 con vịt), ông Thái thì nuôi cá - lợn. Ban đầu nghĩ chỉ thoát nghèo, nuôi con ăn học là được. Nhưng nay thì tạm giàu rồi. Ông Huynh từ tay trắng sau 10 năm ngoài làm nhà to còn đầu tư 350 triệu đồng cho thằng con thứ đi học ở Nhật, đứa con gái gả chồng dựng nhà cho ở ngay cạnh đó, hàng ngày đi chợ bán trứng vịt cho mẹ kiếm đủ sống. Thằng cả, học xong lớp 12 cho ở nhà đào tạo tiếp quản dần cơ ngơi. “Tôi nay thu nhập một năm lãi khoảng 200 triệu đồng, chỉ nợ ngân hàng có 30 triệu đồng nữa thôi!” - ông Huynh thành thật khoe. Ô là, cái đà này thì cái nhà ông nghèo nhất xóm mấy năm nữa khéo là “máu mặt” nhất trong làng.

Ở Phong Phú, nhiều nhà còn chuyên ấp trứng vịt, hàng nhập sang cả Lào, trong Nam, ra Hà Nội. Lò ấp chạy điện thiết kế bài bản. Như anh Dương Đức Thắng cũng ở Đội 1, làm trại nuôi 3.000 vịt đẻ, có 5 tủ ấp, ngày cho ra 2.000 trứng vịt lộn, mua quầy trên chợ Hưng Dũng hết 70 triệu đồng (giá mua từ 2004) để bán sỉ, anh thì chạy mối lẻ; cứ thế nuôi mấy đứa con học đại học cả... Chuyện làm ăn như thế trên đồng Lậm còn nhiều. Tôi cứ nghĩ, xưa trước đặt tên làng Phong Phú để thành tên HTX như bây giờ, chắc các cụ đã “tiên tri” được cái mở mặt , mở mày từ làm ăn năng động, khấm khá của con cháu trên xứ ruộng trũng này đồng Lậm này? Ông Thái, ông Huynh và anh Biên cũng gật gù có vẻ cho là thế...

Đ.S